Tuổi thơ bình yên từ ngôi nhà của bà và mẹ

Chia sẻ

Mẹ tôi là con gái út trong một gia đình đông anh chị em. Ông ngoại mất sớm, một tay bà bươn chải, dạy dỗ con cái. Mẹ kể, việc trong nhà, chẳng có việc gì là bà không làm được: tự cắt may quần áo, xây chuồng gà, đan rổ rá, kéo trâu đi cày, lợp lại mái nhà… Bà bảo, người ta làm được thì mình cũng làm được!

Bà thuộc nhiều câu thành ngữ, ca dao, biết nhiều tác phẩm văn học cổ... Thoáng nhìn, ai cũng nghĩ bà làm nghề giáo. Cũng bởi thái độ lúc nào cũng ân cần, dịu dàng của bà. Ngày xưa còn thiếu ăn, thiếu mặc, ước mơ thời xuân trẻ của bà chỉ là mong các con được khỏe mạnh, no đủ, học hành đến nơi đến chốn. Vì lo cho con cái, mọi ước mơ khác của cuộc đời bà khi ấy đành gác lại. Rồi, các bác lần lượt trưởng thành, người làm công nhân, người đi học trung cấp… Rồi đến người cuối cùng, là mẹ tôi, thi đỗ ngành nông nghiệp ở một trường xa tít tắp, có khi mấy tháng mới được về. Bà mong mẹ có thể mang những gì được học về lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình, có công ăn việc làm rồi lấy chồng gần, mẹ con có nhau.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bà ngoại khi ấy nhất quyết chỉ đồng ý gả mẹ cho bố, dù hoàn cảnh của bố không khấm khá hơn những người khác, nhưng là người làng bên nên có quen biết. Khi ấy bố là bộ đội xuất ngũ, được giao làm thủ quỹ hợp tác xã.

Ngày về ở chung một nhà, mẹ chẳng có gì ngoài mấy bộ quần áo cũ. Bố là con trai trưởng trong nhà, mẹ cùng bố gánh vác trọng trách gia đình. Bố mẹ ở chung với ông bà nội và các cô chú trong căn nhà tranh vách đất chật chội, cũ nát. Thương bố, mẹ chấp nhận tất cả những vất vả, thiệt thòi của cảnh gia đình đông con. Ước mơ của mẹ khi ấy là mong sao có được một mảnh đất để ra ở riêng, không còn phải chịu cảnh sống tù túng, chung đụng, tránh phát sinh mâu thuẫn trong nhà. Hồi ấy, mẹ vừa làm ở một công ty vật tư nông nghiệp nhỏ trên huyện vừa tranh thủ kinh doanh thêm giống hoa màu chở đến tận tay bà con nông dân, hết mùa khoai tây, khoai lang lại đến mùa đậu tương, lạc… Mẹ thường ra khỏi nhà từ gà gáy, dắt xe đạp qua vài con dốc cao chừng ngang đầu người, hôm nào trời mưa, đường đất lầy lội, lại đầy ổ gà, đôi chân của mẹ lấm lem đầy bùn đất. Con đường mẹ đi những năm tháng ấy chưa khi nào hết gập ghềnh!

Ngày có anh trai đầu cũng là ngày bố mẹ đủ tiền tích cóp mua lại một mảnh đất nhỏ sau làng. Để xây nhà, bố mẹ tự đào đất nung gạch. Sáng sớm đẩy xe đi lấy đất, tranh thủ bắt ít tôm ít cá, về lại mang ra chợ bán ngay. Xong xuôi mẹ mới yên tâm đi làm. Bằng sự giúp đỡ của anh em, xóm giềng, cuối cùng bố mẹ cũng có được căn nhà nho nhỏ để che mưa che nắng. Trong căn nhà ấy, các con lần lượt ra đời, gánh nặng cơm áo chưa bao giờ đè nặng lên vai bố mẹ nhiều đến thế. Mẹ kể, khi ấy, ngày nào bước chân ra khỏi ngõ đi làm là mẹ chỉ mong ngày đó kiếm được ít đồng đong gạo về nấu cho các con ăn. Có những đợt mưa gió mất mùa, bố mẹ còn phải ăn rau khoai lang luộc cho qua bữa. Trong trí nhớ non nớt của tôi đến bây giờ vẫn còn đó hình ảnh những bữa cơm năm nào, mẹ ngồi nhẩn nha ăn từng miếng khoai, miếng sắn để dành phần cơm cho anh em tôi. Tôi luôn nghĩ mình thật may mắn vì được sống giữa làng quê yên bình, gần ông bà, họ hàng, dù nghèo về vật chất nhưng vẫn ngập tràn tình yêu thương.

Anh em tôi, ai cũng có được một ngăn ký ức chứa đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với ngôi nhà nhỏ của gia đình. Qua bàn tay tảo tần của mẹ và sự hy sinh không ngừng nghỉ của bố, chúng tôi cứ thế lớn khôn. Bàn học của anh trai tôi khi ấy là cái ghế ba lan cũ được kê ngay ngắn ở một góc sân. Mẹ tưới rau bên vườn, nhưng mắt vẫn chăm chú theo dõi anh học bài. Tôi nhớ như in những chiều ngồi bên thềm nhà, được bà dạy viết chữ, bên tai còn văng vẳng tiếng bà ngâm thơ, kể chuyện…Vậy đấy, mẹ và bà đều không phải là giáo viên nhưng lại là người thầy đầu tiên dạy anh em tôi những câu nói bi bô đầu đời, những nét chữ nguệch ngoạc đầu tiên, dạy cách chúng tôi phải sống mạnh mẽ và can đảm để trở thành người tử tế. Mẹ dạy chúng tôi chuyện gì cũng có cách giải quyết, bằng cách này hay cách khác, nhưng không bao giờ được phép đi ngược với lương tâm đạo đức…như tất cả những gì bà đã dạy mẹ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nếu trong các anh chị em, mẹ may mắn nhận được sự ảnh hưởng từ bà nhiều nhất thì giờ đây, càng ngày tôi càng thấy mình may mắn hơn khi được là con của mẹ. Mẹ là con gái út của bà, còn tôi là con gái út của mẹ. Người ta thường bảo, con út thường là đứa được chiều chuộng, thiên vị nhất, đặc biệt lại là con gái. Với một người phụ nữ không ngại khổ, ngại khó, sẵn sàng lao vào thương trường như mẹ, đủ hiểu và thấm thía những gì bà đã dạy mẹ. Mẹ đã đúc kết lại khi dạy tôi: “Con gái phải biết độc lập! Không cần giỏi nhưng cái gì cũng nên biết một chút, đi đâu cũng tự tin được”.

Nhìn các con, các cháu đã trưởng thành, bà tôi vui lắm. Mong ước của bà là các con, các cháu đều được học hành đến nơi đến chốn, sớm yên bề gia thất đã thành hiện thực. Anh em chúng tôi, ai cũng được ăn học đàng hoàng, có công việc ổn định, bắt đầu cuộc sống xa nhà. Thương con thương cháu, mỗi lần chuẩn bị đi là bà lại dúi vào tay mấy đồng rồi cười hiền từ.

Ngày còn nhỏ, bên mẹ, tôi thường nghĩ đến những đòi hỏi của mình, có khi là viển vông. Lớn lên, nghĩ về mẹ, tôi mới thấy cả đời mẹ luôn nỗ lực nối dài của những mong mỏi, ước mơ của bà. Và càng nghĩ về những mong mỏi, ước mơ ấy, tôi lại càng thấy yêu thương, kính trọng những người phụ nữ của cuộc đời mình vô cùng. Giờ bà không còn nữa, chúng tôi không còn nhỏ, nhưng trong lòng lúc nào cũng mong được bé lại, để được sống lại trọn vẹn tuổi thơ có bà, thay mẹ tiếp tục thực hiện mong ước của bà. Những người phụ nữ Việt Nam, hy sinh cả đời mình vì chồng vì con, họ xứng đáng với tất cả sự trân trọng và mọi điều tốt đẹp!

LƯU THỊ KIỀU DIỄM
Hội LHPN huyện Ứng Hòa, Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.