Tương lai của ông bà

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều nào cũng vậy, mảnh sân chung của khu tập thể nơi tôi ở có rất đông các ông bà đưa cháu ra chơi. Trong lúc các cháu nô đùa thì các ông bà cũng có điều kiện thảnh thơi trò chuyện với nhau.

Thường thì các cụ sẽ nói đủ thứ chuyện, từ chia sẻ với nhau bí quyết chăm sóc sức khỏe, kỷ niệm thời trẻ, chuyện chị A, anh B mà họ nghe được ở đâu đó... Nhưng, chủ đề được nói đến nhiều nhất luôn là về các con, cháu của mình.

Một cụ dẫn theo đứa cháu trai 4 tuổi ra chơi, rồi hào hứng kể: “Các ông bà biết không, thằng cháu lớn, con vợ chồng cháu trai cả nhà tôi vừa tốt nghiệp loại giỏi ở trường đại học. Cháu nó đã được một công ty mời về làm với mức lương nghe nói gần 20 triệu đồng. Các ông bà mừng cho gia đình tôi nhé”.

Mấy ông bà xung quanh nghe vậy thì xuýt xoa chúc mừng, còn bảo vậy là bõ công thân già bao lâu nay ra sức cáng đáng, trông nom các cháu. Chỉ vào thằng cháu út đang trượt cầu trượt ở phía xa, ông cụ nói tiếp: “Vâng, tôi cũng chỉ mong thằng cháu út này cũng giỏi giang như các anh chị nó. Lúc đó, tôi có nhắm mắt, xuôi tay cũng an lòng”.

Tương lai của ông bà - ảnh 1
Ảnh minh họa

Từ câu chuyện của cụ ông, mấy ông bà khác cũng thi nhau kể chuyện vui về con cháu mình.

“Hôm rồi, tôi bị ốm mà nhà có hai bà cháu. Đến trưa, tôi đang nằm thiêm thiếp trên giường thì cô cháu ngoại học lớp 10 bê vào cho tôi bát cháo nóng mà nó nấu. Đấy, mình già cả rồi, nào có cần con cháu làm điều gì cao siêu đâu, chỉ cần chúng nó nấu cho bát cháo là đủ cảm động rồi”, một cụ bà nói.

“Còn tôi thì có thằng cháu nội, con anh thứ hiện đang du học ở Singapore. Nó hẹn hè này về thăm nhà rồi đưa ông đi du lịch. Nó còn bảo ông phải khỏe, để 2 năm nữa sang Singapore dự lễ bảo vệ luận văn của cháu nhé. Nghe lời nó, mình cũng có động lực để sống vui, sống khỏe các ông bà ạ”, một cụ ông khác tiếp lời.

Có cụ bà, vừa ngồi vừa tranh thủ xoa bóp tay chân vì “cả ngày trông cháu cũng mỏi mệt lắm”. Nhưng mà khi con cháu bảo để tìm người giúp việc thay cho bà thì cụ không chịu. Cụ nói: “Chẳng có ai trông con cháu mình tốt bằng chính mình. Tôi vừa trông, vừa tranh thủ dạy cháu điều hay lẽ phải, lại tiết kiệm cho các con cháu được một khoản tiền. Mình bây giờ có cần gì cho bản thân nữa đâu, chỉ nhìn vào con cháu mà sống thôi có phải không các ông bà”.

Kết luận của cụ bà nhận được sự đồng tình của các ông bà khác. Tuy nhiên, trong số đó, có một cụ ông cứ ngồi buồn buồn, nhìn ra xa xăm. Một lúc sau, cụ ông mới từ tốn: “Mỗi lần ra sân, nghe ông bà kể chuyện con cháu thành đạt, ngoan ngoãn mà tôi lại tủi thân. Tôi chỉ có 1 thằng cháu, vậy mà nó học đến lớp 10 rồi bỏ giữa chừng. Bây giờ, nó ăn chơi lêu lổng, đàn đúm với đám bạn xấu, bỏ nhà đi lang thang. Thi thoảng về nhà, nó chẳng thèm chào ông bà, bố mẹ một tiếng mà chỉ nhăm nhăm xin tiền thôi. Thật sự là buồn lắm”.

Không khí buổi nói chuyện như chùng xuống sau lời tâm sự của cụ ông. Có mấy người an ủi cụ, rằng thôi mình đã sống vì con cháu, giờ mình cầu Trời khấn Phật để cho cháu nó tu tỉnh trở lại.

Ngồi nghe các cụ nói, tôi tự nhủ: Đúng là nước mắt chảy xuôi. Tương lai, hạnh phúc của người già đều gửi hết vào con cháu. Rồi tôi ước những người cháu hãy cố gắng sống thật tốt để ông bà, bố mẹ của mình được tự hào thay vì buồn tủi.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt

Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt

(PNTĐ) - Hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác dân số - KHHGĐ chuyển hướng sang dân số và phát triển. Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là các bé gái được quan tâm hơn. Có được kết quả đó, cùng với các chính sách của Thành phố, còn phải kể tới việc nâng cao nhận thức của người dân ngay từ trong gia đình
70 năm trưởng thành vượt bậc của Thủ đô

70 năm trưởng thành vượt bậc của Thủ đô

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Báo Phụ nữ Thủ đô có dịp trò chuyện cùng Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô về những đổi thay của Hà Nội trong suốt 7 thập kỷ đổi mới và phát triển.
Phát triển bền vững Thủ đô từ công nghiệp văn hóa

Phát triển bền vững Thủ đô từ công nghiệp văn hóa

(PNTĐ) - Việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô, để văn hóa trở thành nguồn lực thúc đẩy Thủ đô phát triển.