Ước mơ sau Tết

Chia sẻ

Mai bần thần mãi chưa đi vì không nỡ làm bà buồn. Bà thì cứ níu lấy tay Mai, dặn dò đủ thứ. Nào thì “Cháu đi đường phải cẩn thận”, “Cháu lên thành phố rồi thì phải tự biết chăm sóc cho bản thân”, “Thi thoảng nhớ gọi điện về cho bà”…

Đến nỗi, ông nội bực quá, phải gắt lên với bà: “Bà cứ như vậy thì sao cháu nó yên tâm được. Mình không lo được cho cháu thì thôi, còn để nó phải bịn rịn mình”.

Bị ông mắng, bà nội im bặt. Nhưng, tay bà vẫn không chịu rời tay Mai. 2 tuần qua Mai ở nhà, bà đã quen có Mai rồi. Giờ, Mai lại đi xa, hẳn là bà đang thấy hụt hẫng.
Mai ở với ông bà từ nhỏ. Bố Mai mất sớm, mẹ đi lấy chồng. Mai bỗng trở thành đứa trẻ “không nơi nương tựa”. Ông bà nội không muốn mẹ Mai phải lấn bấn cảnh con chung, con riêng nên giữ Mai lại nuôi. Đó là lý do, Mai còn quấn ông bà hơn là mẹ. Bây giờ, Mai đã là sinh viên đại học, chỉ còn hơn 1 năm nữa là ra trường, nhưng trong mắt ông bà, Mai vẫn còn nhỏ dại, cần được bảo bọc. Mẹ Mai theo dượng vào miền Nam ở, hiện có cuộc sống khá yên bình. Mẹ vẫn gọi điện ra, còn nói Mai vào miền Nam ở với mẹ, mẹ sẽ lo cho Mai. Thế nhưng Mai không đi vì ngoài Bắc này, Mai còn có ông bà- hai người thân yêu nhất của Mai.

Mỗi năm, Tết là dịp Mai được ở với ông bà lâu nhất. Năm nay, từ sau rằm tháng Chạp, Mai đã lên đường về quê. Ông bà nghe tin vui lắm, cứ hồi hộp như thể nhà sắp có khách quý. Trên đường về, Mai chọn mua tặng ông nội một cây Chi Mai được trồng trong chiếc chậu sứ giả cổ màu nâu đen rất đẹp. Ông nội Mai rất thích hoa mai, vì đó là loài hoa giống với tên đứa cháu yêu của ông, nhưng ông chỉ ngắm hoa mai ở ngoài cửa hàng hoa thôi. Ông không bao giờ mua hoa vì sợ tốn tiền. Ông bảo hoa trong vườn nhà đẹp, cứ cắt vào nhà cắm là có Tết. Có năm, ông cắm hẳn hai lọ hoa mùi già, loại mà mọi người ở thành phố hay mua về về tắm tẩy trần ngày 30 Tết. Đơn giản vậy thôi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm nay, Mai quyết định “ăn chơi” vì trước Tết, cô nhận đi ship hàng nên cũng kiếm được một khoản tiền. Dịch Covid-19 làm đảo lộn mọi sinh hoạt của người dân ở thành phố. Hàng quán không được phục vụ người ăn tại chỗ nên dịch vụ ship đồ ăn chở nên đắt hàng. Sẵn chiếc xe máy, tranh thủ lúc không phải học trực tuyến, Mai nhận ship đồ cho một quán ăn quen ở gần nhà.

Mai biết, chậu hoa mình mua vừa làm ông vui, nhưng ông vẫn trách Mai là hoang phí. Lo Mai vất vả, mấy năm cô học trên thành phố, ông bà vẫn đều đặn gửi tiền lên cho hàng tháng, dặn Mai cứ yên tâm học chứ không phải đi làm thêm. Mai thương ông bà, miệng vâng đấy nhưng vẫn túc tắc làm việc nọ việc kia, gọi là giảm bớt được sinh hoạt phí chút nào hay chút đó.

Mấy ngày ở quê đón Tết là khoảng thời gian hạnh phúc và đáng nhớ nhất của Mai và ông bà. Thích nhất là lúc Mai được cùng bà đi chợ làng mua đồ về gói bánh Chưng. Nhà Mai có 3 người thôi nhưng gói tới cả 40 cái bánh chứ không phải ít. Chủ yếu ông bà gói để biếu họ hàng, rồi để dùng trong nhà dịp Tết. Sau Tết, trước khi Mai lên thành phố, ông bà lại gói đợt bánh Chưng thứ 2. Chỗ bánh này ông bà dành riêng để Mai ăn dần ở thành phố. Có năm, bánh Chưng của ông bà gửi Mai xếp kín trong ngăn đông tủ lạnh, túc tắc ăn tới tận cuối tháng 2 âm lịch.

Lần đi này, phía sau chiếc xe máy của Mai lại có cả một thùng xốp to đựng toàn bánh Chưng, rồi xu hào, bắp cải, đậu xanh, lạc, khoai tây, khoai lang… ông đã buộc sẵn rất chắc chắn. Thế mà bà vẫn còn lo Mai thiếu đồ.

Bà bảo:

- Mai ơi, ngoài chợ hôm nay bán thịt lợn ngon lắm, hay cháu nán lại nhà một chút, bà chạy ù ra chợ mua cho mấy cân thịt. Lên đó cháu bớt công đi chợ được mấy ngày.

Ông liền gạt đi:

- Vớ vẩn, cháu nó mang thịt lên tới nơi thì ôi thiu rồi. Mà bà gửi nhiều, xe còn chỗ đâu mà chở.

Mai sợ ông lại mắng bà tiếp, nên vội nói đỡ để bà yên tâm:

- Bà ơi, bà thấy cháu có béo lên nhiều so với hồi trước Tết không? Ăn Tết với bà có mấy tuần, mà cháu tăng cân vùn vụt. Bụng cháu bây giờ vẫn còn đầy ắp bánh chưng, giò, măng miến đây này. Thế nên bà đừng sợ cháu đói nhé. Cháu đi lần này rồi tháng 3, tháng 4 cháu lại về thăm nhà, lúc đấy bà tha hồ tiếp tế cho cháu.

Mai thấy bà sắp sụt sùi nên phải vội lên xe máy đi ngay. Không đi ngay thì có khi chính Mai cũng òa khóc cùng bà. Năm nào cũng thế, về đón Tết vui một nhưng lúc hết Tết phải đi, lại quyến luyến gấp hai, ba lần.

Mai vừa đi vừa nghĩ, nhất định, cô sẽ phải thật thành công để có thể báo hiếu ông bà. Cô muốn đón ông bà lên ở cùng mình, để hết Tết rồi, cả nhà vẫn được sum họp bên nhau.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.