Ươm tơ

Chia sẻ

LƯỜNG THỊ NGÂN

Người ta vẫn hay nói “con hoang” thường thông minh, xinh xắn và nhiều tài lẻ. Ở cái làng quê nghèo này mà được đi học bằng xe đạp điện, dùng điện thoại iphone như Mai là cả một mơ ước của bao người. Bầm Thúy bán quán ngoài cổng trường lúc nào cũng tấm tắc:

- Cái con bé Mai cháu bà Liên sao mà xinh xắn, trắng trẻo và khéo miệng thế nhở?

Mẹ nó giấu kín chứ thằng bố đẻ ra nó chắc phải đẹp như trai diễn viên Hàn Quốc.”
Năm lớp 10, mới chân ướt chân ráo vào trường mà Mai đã “vượt mặt” đàn chị soán ngôi “Hoa khôi học đường”. Từ ngày trở thành “hot girl”, dù xuất hiện ở bất cứ nơi đâu cũng thu hút ánh nhìn. Sự nổi bật cũng khiến Mai nhiều phen dở khóc dở cười ở kì thi tốt nghiệp khi nó ngồi ở đâu cũng bị giám thị không rời mắt. Chật vật mãi rồi cũng qua, Mai luôn ghi nhớ lời mẹ nói rằng chỉ cần thi tốt nghiệp THPT thì chẳng phải lo điều gì, Mai sẽ xuống Hà Nội cùng mẹ. Ấy vậy mà Mai lại không thích điều đó, nó đăng kí thi vào trường Sư phạm. Mẹ nó biết, lúc đầu phản đối lắm, nhưng con bé vẫn cương quyết nên đành phải đồng ý.

*
So với chị gái thì Hạnh khả ái hơn hẳn với chiều cao vượt trội và đôi mắt to tròn nhưng về tình duyên lại trắc trở, đa đoan. Học xong lớp 12 là Hạnh xuống làm ở công ty riêng của nhà chồng Hoa-chị gái Hạnh. Vốn nhanh nhẹn, chịu khó nên Hạnh nhanh chóng được vào làm chính thức sau một năm thử việc. Duyên số đã cho Hạnh gặp Phòng, một nhân viên phòng kĩ thuật vào làm ở công ty trước cô một năm. Vẻ ngoài điển trai cộng với cái duyên nói êm tai và rất ga lăng đã khiến trái tim Hạnh bao phen loạn nhịp khi đối diện với Phòng. Ngày sinh nhật anh rể, vốn là sếp tổng nên hầu hết tất cả nhân viên đều đến chúc mừng. Cơ duyên thế nào mà Hạnh lại ngồi cùng bàn tiệc với Phòng. Thầm thương trộm nhớ bao ngày là thế nhưng Hạnh lại lung túng, ngại ngùng. Chỉ đến khi đã uống vài chén rượu vang, trái tim bồi hồi trong lồng ngực mới buộc được lí trí phải khuất phục để sang ngồi cạnh Phòng mời ly rượu... Hai tháng sau họ chính thức hẹn hò trong sự ngưỡng mộ của đồng nghiệp.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Từ ngày yêu Hạnh, Phòng được sếp trọng dụng và nhanh chóng lên chức trưởng phòng. Ngày biết tin mình có thai Hạnh sung sướng đến nỗi cả ngày hôm đó không làm được việc, chỉ mong đến tối để rủ Phòng đi uống café rồi báo tin cho anh biết. Không như trong suy nghĩ của Hạnh, Phòng rất bình tĩnh hỏi:

- Vậy sao, em đã sẵn sàng để làm mẹ chưa? Anh lo cho em lắm.

Hạnh cười bảo:

- Em nghĩ tình cảm chúng mình cũng đã chín muồi rồi. Gia đình hai bên cũng rất ủng hộ. Mình làm đám cưới đi anh.

Phòng trả lời rằng anh cần một chút thời gian để suy nghĩ. Vậy mà hai tháng trôi qua rồi Phòng vẫn chưa quyết định, Hạnh sốt ruột vì cái bụng ngày một lớn, vợ chồng chị Hoa cũng giục, bỗng một ngày Phòng xin phép nghỉ một tuần về thăm quê nói rằng sẽ bàn bạc với gia đình. Hạnh cảm thấy bất an lắm. Và rồi điều cô linh cảm cũng thành sự thật. Từng dòng chữ tin nhắn trong điện thoại cứ nhòe đi rớt liên hồi xuống má. Cô thấy mọi thứ quay cuồng trong bóng tối. Đã có vợ con sao? Xin lỗi ư? Thật là đốn mạt…

*
Vậy là đã gần ba năm rồi Hạnh sống trong sự tủi nhục, uất hận. Nhưng dần dần cô cũng hiểu rằng mẹ mới chính là người đau đớn nhất mặc dù trước mặt con bà luôn nở nụ cười. Hạnh nhớ ngày lếch thếch xuống xe với khuôn mặt tiều tụy, vô hồn, mẹ chỉ hỏi: “Con mệt lắm phải không? Vào nhà nghỉ ngơi đi”. “Con dại thì cái mang”, có trách móc thì sự cũng đã rồi. Hai chị em Hạnh vốn đã không may mắn mồ côi bố từ sớm vì ông không thể chống chọi lại được với những vết thương về cả thể xác lẫn tinh thần do di chứng của chiến tranh, bởi thế bà là chỗ dựa duy nhất cho chúng. Ngày Mai ra đời, bà là người vui mừng hơn cả Hạnh. Mãi cho đến khi Mai được hơn một tuổi và cất tiếng gọi “Mẹ” đầu tiên, Hạnh mới như tỉnh giấc sau bao ngày suy sụp. Một buổi sáng, mẹ đi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ trong thôn, chỉ có hai mẹ con trong nhà, Hạnh đã khóc rất nhiều. Khóc cho trôi hết những đớn đau, tủi hờn do lầm lỡ của tuổi trẻ. Ngoài kia, những cơn mưa cuối thu chỉ ào ào xuống một lát rồi lại ngớt. Cái tiết trời hơi se lạnh đón đông bất giác khiến Hạnh rùng mình. Không đặt con nằm vào nôi ngủ như mọi khi, Hạnh bế con ra hành lang ngồi. Bụi mưa lất phất hắt vào trong nhà khiến cô phải lấy cái khăn voan che mặt cho con. Gió nhẹ bẫng chỉ đủ khiến lá cây khẽ rung mình. Màn sương mỏng quá, thong thả trôi đi trên triền núi bỗng chốc bị gió lướt qua rồi tan biến vào khoảng không. Thật là yên ả. Bé Mai thiu thiu ngủ trong vòng tay của mẹ, thỉnh thoảng lại nhoẻn miệng cười. Con bé có đôi lông mày rậm và đôi môi luôn đỏ hồng giống y hệt bố. Phải, Mai mới chính là người bất hạnh, thiệt thòi, cớ sao Hạnh không nhận ra điều đó sớm hơn để bù đắp cho con? Ngày hôm đó, sau hơn hai năm “ở cữ”, cô đã vào bếp nấu cơm chờ mẹ.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

*
Trường của Mai không xa công ty Hạnh làm là bao nên cô thường xuyên đến phòng trọ ngủ cùng với con. Hạnh luôn bóng gió hỏi đến cuộc sống trong mơ ước sau này của con, và đặc biệt vẫn hy vọng sẽ không phải là ước mơ từ thuở mới ra trường. Nhưng cô đã nhầm, Mai rất đam mê với những trang giáo án dài hàng chục trang giấy, về những tác giả, tác phẩm, những áng thơ văn lai láng mây, hoa, tuyết, núi… Ừ thì tặc lưỡi chấp nhận, dẫu gì Hạnh cũng dư thừa vật chất để lo cho con chứ không cần đến những đồng lương cỏn con của nghề giáo. Miễn là Mai được hạnh phúc. Hạnh nghĩ vậy. Thế nhưng dù có úp mặt vào chậu nước đá mới tan cô cũng không thể tin được Mai lại dành tình cảm cho Tiến, một người con trai dân tộc Tày ở cùng xã đang học năm cuối ngành Nông lâm. Hạnh bật dậy hỏi:

- Con có bình thường không? Con mong chờ điều gì ở một gia đình bình thường như thế nếu không muốn nói là nghèo? Con hoàn toàn có thể lấy chồng và sống ở thành phố với mẹ, đi xe đẹp, nhà sang, đi du lịch những nơi con muốn đến…

Nói rồi Hạnh bật khóc nức nở. Trong lồng ngực của một người mẹ đã từng vấp ngã sao khó thở, nghẹn ngào đến thế. Mai biết mẹ sẽ rất khó chấp nhận, nhưng vẫn thủ thỉ:

- Con và anh ấy cảm mến từ ngày học cấp ba cơ mẹ ạ. Anh ấy tôn trọng và yêu thương con lắm. Con biết những lựa chọn của con luôn khiến mẹ thất vọng, nhưng giờ con cũng đủ trưởng thành để lắng nghe xem bản thân mình muốn gì. Thật lòng con luôn mong có sự ủng hộ của mẹ trên từng bước đi của con.

Hạnh ngạc nhiên vì những lời nói của con, vì con bé học văn nên mới nói hay như vậy, hay vì chính những cảm nhận của con về cuộc đời của mẹ nó mà ra?

Thời gian trôi đi thoăn thoắt cũng đã ba mùa dâu. Kỳ nghỉ lễ này Hạnh không đi du lịch như mọi khi mà về thăm nhà con gái. Ngôi nhà sàn trở nên nhỏ bé khi nằm giữa bạt ngàn dâu xanh. Hàng ngày vợ chồng Mai dậy từ rất sớm đi hái mấy gùi lá dâu về cho tằm ăn rồi mới đến cơ quan. Thỉnh thoảng giữa giờ Mai lại tranh thủ chạy về thay lá cho cả mấy chục nong tằm đang đến tuổi ăn khỏe. Thấy con vất vả mà Hạnh không khỏi xót, cất tiếng trách:

- Làm giáo viên chưa đủ cực hay sao mà còn nuôi tằm? Mai mốt con cái vào nữa thì có mà lắp thêm mô tơ vào người cũng không hết việc. Con tính sao thì tính, một nghề thì sống, đống nghề thì chết con ạ.

- Con sắp xếp được mà mẹ - Mai vừa nói vừa hớn hở khoe. Việc nào con cũng thích. Ban đêm soạn giáo án, thỉnh thoảng đi thay lá cho tằm coi như giải lao. Với lại mỗi lứa chỉ vất vả đôi chục ngày, sau khi tằm chín rồi đóng kén là con lại nhàn tênh, đợi thu tơ thôi. Cũng thu nhập lắm đấy mẹ ạ.

Hạnh thở dài:

- Công việc ở trường vất vả lắm phải không? Mẹ thấy con thức khuya nhiều chóng già lắm đấy. Làm việc cũng vừa phải thôi, tuổi trẻ chóng qua lắm, hết lòng vì công việc sau này sẽ cảm thấy có lỗi với bản thân mình. Mấy nữa nghỉ hè hai đứa sắp xếp mà đi chơi ở đâu cho khuây khỏa.

- Con biết rồi. Mẹ không biết đấy thôi, được đứng trên bục giảng dẫn dắt từng thế hệ học trò trưởng thành hạnh phúc lắm. Nhiều khi cũng bực mình vì chúng nó bướng bỉnh, không chịu học, hay dù bị stress vì những áp lực trong công việc nhưng con chưa bao giờ muốn từ bỏ. Mẹ thấy không, lũ tằm ăn nhiều là thế nhưng chúng ươm cho ra những sợi tơ vàng óng. Nghề giáo cũng vậy, vất vả đến cỡ nào cũng giống như con tằm rút ruột nhả tơ, sự khôn lớn, trưởng thành của học sinh chính là thành quả tuyệt vời nhất.

Chưa bao giờ Hạnh nghĩ đến điều hạnh phúc giản dị đó. Đâu phải cứ sống trong nhung lụa, cao sang mới gọi là cuộc sống viên mãn. Hạnh phúc chỉ đơn giản là được sống với đam mê của mình, được làm những điều mình thích. Tại sao cứ phải bon chen cho mệt nhoài?

Trời đêm thật thanh tĩnh. Mai vẫn miệt mài với những trang giáo án, tiếng đưa bút loạt xoạt hòa với tiếng lao nhao ăn dâu của tằm khiến cho màn đêm đặc như có hơi thở, sức sống. Gió thoáng đưa hương dâu từ ngoài đồng thổi vào xua đi những nỗi lòng đã trăn trở bao lâu nay. Tâm hồn thư thái đến khác lạ, đôi mắt trùng xuống, Hạnh bỗng chốc đã thấy mình ở trong một sân bãi phơi hàng dãy tấm lụa đủ sắc màu phấp phới bay theo chiều gió.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.