“Vắc-xin số” cho trẻ trên không gian mạng

HẢI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Internet và mạng xã hội đã mang lại cho trẻ em nhiều giá trị tích cực, giúp trẻ có thể tìm hiểu thế giới một cách dễ dàng. Nhưng sự dễ dàng ấy dễ khiến tâm lý trẻ trở nên dễ dãi, chính là cơ hội để các đối tượng xấu lừa gạt, xâm hại, bắt cóc hay dụ dỗ làm bất kỳ điều gì chúng muốn. Đáng lo ngại hơn cả là với các vụ việc này, các em thường không báo công an, tỷ lệ nạn nhân lên tiếng còn rất ít.

Muôn kiểu thủ đoạn dụ dỗ trẻ em qua mạng

Đầu tháng 3 vừa qua, công an tỉnh Quảng Nam điều tra, giải cứu thành công bé gái bị lừa làm nhân viên phục vụ quán karaoke tại Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để kết bạn với cháu bé, tìm cách tiếp cận, mua sắm nhiều vật dụng như điện thoại, quần áo... để chiếm lòng tin. Sau đó, chúng ép các cháu viết giấy vay nợ toàn bộ chi phí làm đẹp, mua sắm nhằm buộc các cháu phải ở lại làm nhân viên phục vụ quán karaoke, massage để trả nợ.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Bình Định xảy ra 7 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Đáng chú ý, trong số các vụ đó có không ít vụ xuất phát từ việc làm quen rồi hẹn hò qua mạng xã hội. Nhiều bé gái bị các đối tượng ở cùng địa phương lừa phỉnh để xâm hại tình dục như trường hợp của bé gái 9 tuổi ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) vào tháng 5 vừa qua. Khi bé gái đồng ý, đối tượng chở đi mua chè và sau đó giở trò đồi bại. Hay đối tượng Lê Minh B (1985, trú huyện Phù Mỹ) biết hai chị bé T.T.T (9 tuổi, cùng địa phương) ở nhà một mình nên đối tượng này chờ người lớn đi vắng đã vào nhà dụ dỗ cháu bé.

Đó không phải là tất cả. Mạng xã hội gây ra nhiều hệ lụy cho con em hơn phụ huynh tưởng. Tại chương trình Gặp mặt đại biểu trẻ em thành phố Đà Nẵng, với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”, em Kim Loan, học sinh quận Hải Châu nêu lên thực trạng, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, Internet, nhiều bạn dễ dàng tiếp nhận thông tin xấu dẫn đến suy nghĩ nông nổi, tiêu cực hay chia bè phái, bôi nhọ lẫn nhau trên mạng xã hội gây ra những điều không tốt. Thậm chí, việc cha mẹ khoe điểm con lên facebook, với nhiều em, cũng gần như một dạng bạo lực tinh thần.

“Vắc-xin số” cho trẻ trên không gian mạng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Internet có thể là một công cụ hiệu quả giúp trẻ em kết nối, khám phá, học tập và tham gia các hoạt động một cách sáng tạo, theo hướng được trao quyền. Thực tế rằng việc dành thời gian lên mạng chắc chắn sẽ khiến trẻ em gặp những rủi ro khó lường và mối đe dọa bị tổn hại. Đặc biệt là các vụ liên quan đến văn hóa phẩm có nội dung xâm hại tình dục trẻ em. Trong những năm gần đây, hành vi dụ dỗ trẻ em qua mạng xã hội cũng cho thấy sự gia tăng đột biến, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19. Việt Nam nằm trong số các quốc gia có số lượng CyberTip (một chỉ số của CyberTipline - trang chuyên nhận các báo cáo về xâm hại tình dục trẻ em qua mạng) lớn nhất thế giới và đứng thứ 13 thế giới năm 2019.

Nghiên cứu sử dụng công cụ Google Trends cho thấy có mối quan tâm rất lớn đến văn hóa phẩm có nội dung xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam, bao gồm cả những nội dung hình ảnh, video mô tả hoạt động tình dục giữa các trẻ vị thành niên, với trẻ em và trẻ sơ sinh. Gần đây, Việt Nam cũng là một điểm đến tiềm năng của tội phạm tình dục.

Những thông tin không nên tiết lộ qua mạng xã hội
Thông tin được chia sẻ trên các trang mạng xã hội có thể được khai thác và sử dụng bởi rất nhiều người xa lạ, bao gồm cả tội phạm mạng, do đó rất nguy hiểm. Hãng bảo mật Nga Kaspersky khuyên người dùng nên hạn chế đăng lên mạng những thông tin như: Địa chỉ nhà riêng hoặc trường học. Sau đó là số điện thoại, vị trí hiện tại (“Check-in”) cũng là một thông tin mà người dùng không nên để lộ. Nội dung không nên để lộ tiếp theo là ảnh và video nhạy cảm. Thông tin về cuộc sống cá nhân cũng là thứ cần được bảo vệ. 
 

Cùng con tăng “đề kháng” với môi trường mạng

Pháp luật nước ta đã có nhiều văn bản pháp luật liên quan việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Điều 54, Luật Trẻ em năm 2016 quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng... Hay theo Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các hành vi chia sẻ thông tin, cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm... có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Đáng chú ý, lần đầu tiên Chính phủ thông qua Chương trình Quốc gia về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Trong đó có mục tiêu đến 2025, 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn.

“Vắc-xin số” cho trẻ trên không gian mạng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, lấy “cái đẹp dẹp cái xấu”, làm trong sạch không gian mạng đòi hỏi sự tuyên truyền đúng đắn, nâng cao nhận thức của từng cá nhân và tổ chức xã hội. “Quan trọng nhất vẫn là vai trò của gia đình. Việc cấm đoán trẻ em dùng internet không còn phù hợp. Trái lại, cha mẹ, nhà trường và cộng đồng cần đồng hành hỗ trợ trẻ em sử dụng không gian mạng an toàn, hiệu quả”, bà Nga cho hay.

“Chúng ta cần tăng cường vai trò của gia đình và trường học trong việc giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, biết cách nên và không nên khi sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng cũng như cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân. Cha mẹ cũng là những người “gác cổng” chủ động bảo vệ trẻ em”, bà Nga nói.

Theo ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, để an toàn trên môi trường mạng, trẻ em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng nhận biết cần và đủ để không lạc lối. “Để thực hiện tuyên truyền hiệu quả và không vi phạm quyền của trẻ em, báo chí cần được trang bị nhiều hơn nữa về kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức cụ thể trong truyền thông để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng,” ông Đặng Khắc Lợi nói.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.