Vái vợ cả nón

Chia sẻ

Thực lòng, nhiều lúc nhìn vợ mình váy áo xinh tươi, tóc tai bóng bẩy bước ra đường anh lại chạnh lòng, thầm nghĩ hay là mình lấy phải vợ “hai vía”. Ấy là bởi, vợ anh ra đường thì thế nhưng hễ đặt chân vào nhà thì khác hẳn.

Nếu trên đời này, vợ anh đểnh đoảng, xuề xòa, bừa bãi thứ hai thì chắc chắn không ai là số một. Anh đơn cử về nết ăn, nết ở của cô ấy. Nói không ngoa, nhà anh có 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con nhưng trên giá bát chỉ có chỏng chơ 5 cái bát con, 1 cái bát tô và 1 cái đĩa. Số bát đũa còn lại vẫn đang được cất kỹ trong chiếc hộp để ngay dưới kệ bếp. Mấy lần anh nhắc vợ lấy ra dùng nhưng vợ anh viện lý do “bày nhiều thì rửa nhiều”, báu gì.

Vậy thì mâm cơm của nhà anh sẽ như thế nào? Dưới đây là bức phác họa. Trên mâm, 4 cái bát để ăn cơm, thêm một bát tô canh, khi nào có thêm món rau luộc thì dùng nốt cái đĩa còn lại trên giá bát. Còn lại thịt kho, cá kho hay các món xào, rán thì… ăn luôn trong nồi hoặc chảo.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhớ lại hồi mới cưới, khi đó tình cảm vợ chồng hãy còn mặn nồng ghê gớm, vợ anh mới ỏn ẻn nói từ nay để em nấu cơm cho anh ăn mỗi ngày. Anh hãy còn đang lâng lâng cảm giác “hương vị tình thân” ngồi đợi vợ bê ra một mâm cơm nóng hổi, bày biện đẹp mắt thì… phịch, cô ấy đặt luôn cả nồi canh ốc chuối đậu lên mặt bàn ăn. Sau đó, vợ anh xới cơm rồi giục anh... ăn đi.

Anh còn chưa hiểu ăn là thế nào thì vợ đã thọc đũa vào nồi, gắp ra một miếng đậu phụ vàng chóe rồi bỏ thẳng vào mồm nhai ngon lành. Anh ngỡ ngàng, hỏi vợ sao không bỏ canh ra bát cho đàng hoàng thì cô ấy gạt đi, bảo ôi anh vẽ vời. Bát hay nồi thì cũng chỉ là cái đồ đựng thức ăn, miễn là em nấu ngon và anh cho vào bụng là được rồi. Toàn người nhà với nhau, anh làm gì mà phải khách sáo.

Lần đầu anh chiều vợ, không ca cẩm gì vì không muốn mất hòa khí. Nhưng, hóa ra, những lần sau, cô ấy vẫn toàn kiểu ăn uống “tạm bợ” như vậy. Trước đây, khi anh còn là người yêu, mỗi lần anh đến nhà, hóa ra vợ coi anh là khách nên còn chịu khó xếp đồ ăn ra bát đĩa cho tử tế. Bây giờ, cô ấy cứ mang theo suy nghĩ “toàn người nhà cả khách sáo làm gì” để mà ứng dụng vào bữa cơm.

Anh là con trai, thực sự thì cũng chẳng gọn gàng, nề nếp gì cho lắm. 4 năm ở ký túc xá học đại học, đám con trai các anh ăn lông ở lỗ cũng phát khiếp lên. Nhưng, nếu so với trình của vợ anh thì chắc cũng chưa thấm tháp gì. Hồi vợ anh mới sinh con, bà nội sợ con dâu thiếu sữa, liền nấu cháo hầm với chân chó rồi mang sang nhà nói anh múc cho vợ ăn. Bà nội vừa đi khỏi, vợ anh bảo thôi khỏi múc làm gì, em ăn luôn vào nồi cho tiện.

Anh vừa mở nồi cháo, thấy 4 cái chân chó chổng ngược lên trời, có cái chân còn chơ khấc ra mấy khúc xương trắng ởn mà sợ giật bắn mình. Ấy thế mà vợ anh chẳng sợ tý nào, cô ấy thục luôn cái thìa vào nồi cháo ăn ngon lành. Đến khâu gậm cái chân chó, nhằn được mẩu xương nào cô ấy bỏ luôn vào chỗ cháo đang ăn, bảo là làm vậy để khỏi tốn thêm cái bát… đựng xương. Nhớ lại cảnh vợ mình to tròn, ngồi khoanh chân trên giường ôm lấy nồi cháo chân chó mà đến giờ anh thấy vẫn hãi hãi thế nào.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ấy là nết ăn, còn nết ở của vợ anh thì… thiên hạ cũng không ai địch nổi. Sáng ra đi làm, vợ anh biết đường chải tóc, đứng trước gương ướm váy vóc nọ kia. Anh nhìn thì trông cũng có vẻ được đấy. Song, quần áo đi làm thì vậy chứ quần áo ngủ của cô ấy thì thôi rồi. Bộ nào bộ nấy đều đã ngả một màu cháo lòng đậm đà tiết, tức là vừa nâu, vừa cũ. Có cái áo còn bị lấm tấm vết mốc đen ở ngực, chắc là do khi cho con ăn rồi áo bị dính bột, cháo vào mà không giặt kịp thời. Lại có cái quần thì xoắn lò xo, ống quần xoăn tít, quần lửng hẳn hoi mà cao tớn lên như kiểu quần đùi.

Anh nhìn vợ trong bộ dạng đó mà thực sự ngán ngẩm nên đưa cho vợ tiền để cô ấy mua đồ ngủ mới. Chẳng ngờ, tiền thì vợ anh nhận, mà nhận rất nhanh nhưng đồ ngủ thì chẳng thấy đâu. Anh hỏi thì cô ấy bảo: “Sao phải mua mới, quần áo của em đã rách, đã hỏng đâu. Tiền anh đưa em mua được cả đống sữa cho con”. Biết là vợ dùng tiền lo cho con chứ không phải tiêu xài hoang phí gì, nhưng sao anh vẫn không thể chấp nhận được kiểu ăn mặc của vợ.

Rồi mỗi khi đi làm về, nhà thì chật, anh chỉ yêu cầu vợ cất dép guốc gọn gàng lên giá mà cô ấy chẳng bao giờ làm được. Có lần, anh ngồi xem trận bóng đá có đội tuyển Việt Nam, đúng lúc cao trào, sướng quá vung chân đạp vào gầm ghế. Ngờ đâu, anh va phải một “cái đinh” khổng lồ đau điếng. Anh cáu thì vợ anh cười bảo: “À, hôm trước em đi về vội, lẳng cái giày cao gót kiểu gì nó bay luôn vào gầm ghế. Mấy hôm nay em lại chưa đi đến đôi giày này. Anh tiện thể đằng nào cũng đá chân vào rồi thì lấy ra cất lên giá cho em, không thì cứ để ở đó, lúc nào đi thì em lấy”. Nghe vậy thì anh chỉ còn nước... miễn bình luận.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cứ như vậy, vợ anh cái gì cũng xuề xòa, cẩu thả. Chăn màn trên giường ngủ của hai vợ chồng, nếu anh không tự thay hoặc giục vợ thay thì cô ấy chắc cả năm cũng chẳng làm. Cô ấy có điệp khúc “để mai đi, hôm nay em đang bận” rồi lần lữa suốt. Cho tới khi cái vỏ gối chuyển sang màu vàng khè, bốc mùi khét lẹt, anh không chịu nổi đành tự tháo ra mang đi giặt.

Ngay cả chuyện vệ sinh thân thể cũng vậy, mùa hè còn đỡ chứ mùa đông, vợ anh vài ngày không tắm là bình thường. Vợ anh kêu lạnh, rồi lại bảo mùa rét làm gì có mồ hôi mà lo người bẩn. Nhưng, cô ấy đâu biết lắm hôm nằm cạnh, anh cứ thấy có mùi oi khói trên giường. Đích thị nó phát ra từ cái áo ngủ cô ấy mặc lúc nấu ăn chưa thay.

Dần dà bảo sao anh thấy cảm hứng của mình dành cho vợ tắt dần. Anh có thể thoải mái nằm quay lưng vào vợ mà ngủ một mạch đến sáng chỉ vì không có nhu cầu ôm lấy cô vợ đầu bù tóc rối, quần áo thì nhàu nát. Còn vợ anh thì cứ không chịu hiểu nguyên nhân lại đổ thừa cho anh là có dấu hiệu ngoại tình. Cô ấy dọa anh mà dám ăn chả, thì đừng trách cô ấy ăn nem.

“Vợ mình mà ăn nem được ư? Nhiều lúc anh nghĩ rồi tự nói với mình gã đàn ông nào muốn trở thành “nem” của vợ anh chắc không được quá một tuần. Anh thì trót đâm lao rồi thì phải chịu thôi. Đúng là vái vợ cả nón.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.