Văn hoá làm việc độc hại trong ngành công nghệ Trung Quốc (PS)

Chia sẻ

Sau khi ca sĩ kiêm diễn viên Ngô Diệc Phàm bị bắt bởi hàng loạt tội danh cưỡng bức, phong trào #MeToo lại một lần nữa nóng lên khi vạch trần văn hoá làm việc độc hại của các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc.

Văn hoá ép rượu đã trở thành “tệ nạn”

Mới đây, vụ việc một nữ nhân viên tập đoàn công nghệ Trung Quốc Alibaba cáo buộc quản lý cưỡng hiếp khi cô say xỉn và bị khách hàng sàm sỡ trong buổi tiệc sau khi bị ép uống rượu đã gây chấn động dư luận Trung Quốc.

Sự việc không chỉ khiến công chúng ngay lập tức nhớ đến ca sĩ Ngô Diệc Phàm cũng bị cáo buộc cưỡng hiếp fan trẻ tuổi bằng cách ép họ uống rượu mà còn làm dấy lên câu hỏi lớn về văn hóa rượu bia ngày càng phổ biến ở cả nơi làm việc lẫn trong môi trường xã hội tại Trung Quốc.

Bê bối Alibaba đã khiến người ta chú ý đến cách mọi người coi việc uống rượu như một “hình thức gắn kết”. Jason Li, một chuyên gia pháp lý ở Thượng Hải nhận định, uống rượu đã trở thành một phần của "văn hóa 996" (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần) hay "làm hết sức, chơi hết mình" của các công ty Trung Quốc.

Một cô gái phát trực tiếp cảnh uống bia tại Trung QuốcMột cô gái phát trực tiếp cảnh uống bia tại Trung Quốc

Không chỉ Alibaba, hàng loạt các “ông lớn” khác trong ngành công nghệ Trung Quốc cũng coi việc ép uống rượu như là “văn hoá” của công ty. Năm 2017, một đoạn video được lan truyền trên mạng quay cảnh một số nhân viên nữ của tập đoàn Tencent phải dùng răng để mở nút chai. Điều đáng nói là những chai này được đặt ở giữa chân các đồng nghiệp nam trong một trò chơi tại tiệc đêm Giao thừa.

Hay vụ việc xảy ra hồi tháng 8/2020, một nam nhân viên làm việc trong một ngân hàng ở Bắc Kinh đã bị sếp tát vì từ chối uống rượu trong tiệc tối của doanh nghiệp. Năm 2018, một người đàn ông đã chết ngay sau cuộc nhậu nhẹt quá mức của công ty. Zhu Zimei hiện đang là nhân viên IT của một công ty công nghệ khẳng định rất khó để hạn chế uống rượu bia do áp lực từ bạn bè, đồng nghiệp.

Sự trỗi dậy của phong trào #MeToo ở Trung Quốc

Khi tài liệu tố cáo dài 11 trang của nữ nhân viên được công bố, tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã phải đối mặt với làn sóng tẩy chay lớn từ cộng đồng mạng Trung Quốc. Sau đó, Wang Chengwen (Vương Thành Văn) - người bị tố cáo đã ép rượu và cưỡng hiếp nữ nhân viên bị sa thải, hai quản lý cấp cao khác của công ty từ chức và giám đốc nhân sự bị cảnh cáo do không kịp thời phản hồi cáo buộc của nhân viên. Giám đốc điều hành của Alibaba cũng đã lên tiếng chỉ trích điều mà ông gọi là “thói ép rượu xấu xí” của công ty, đồng thời khẳng định sẽ “không khoan nhượng đối với hành vi quấy rối tình dục và đảm bảo một nơi làm việc an toàn cho tất cả nhân viên”. Khoảng 6.000 nhân viên của Alibaba đã thúc giục công ty nhanh chóng thành lập một nhóm nhằm xem xét các vụ tấn công tình dục. Cảnh sát cũng đã vào cuộc điều tra.

Chân dung Vương Thành Văn - nghi phạm gây ra sự việc tại AlibabaChân dung Vương Thành Văn - nghi phạm gây ra sự việc tại Alibaba

Hàng loạt “ông lớn” công nghệ khác ở Trung Quốc trong đó có cả Alibaba, Baidu và Tencent đã phải đồng loạt lên tiếng xin lỗi và hứa xem xét lại quảng cáo cẩn thận hơn trong tương lai. Trước đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trong năm 2018 đã ra báo cáo chỉ trích hàng loạt quảng cáo tuyển dụng của các công ty này “tình dục hóa phụ nữ” khi hứa hẹn với ứng viên rằng họ có thể được “làm việc với “mỹ nữ” hay “nữ thần”.

Airbnb trong năm ngoái phải mở một cuộc điều tra sau khi hàng loạt nhân viên nữ ở Trung Quốc khiếu nại với ban lãnh đạo tại Mỹ về hành vi của một lãnh đạo cấp cao, bao gồm quấy rối và “chấm điểm” các nữ nhân viên dựa trên ngoại hình.

Công chúng cũng đã lên án gay gắt văn hóa ép uống rượu của hàng loạt công ty, khi các quản lý hoặc khách hàng ép nhân viên trẻ hơn hoặc nữ nhân viên uống rượu thì mới ký hợp đồng hoặc thể hiện sự tôn trọng.

Việc quản lý của Alibaba bị sa thải đã tạo thêm sức mạnh cho phong trào #MeToo hiện đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Trung Quốc. Các phong trào nữ quyền trong thời gian gần đây đang có sức ảnh hưởng lớn tại quốc gia tỷ dân này. Mặc dù còn nhiều yếu tố định hình các cuộc thảo luận trên mạng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những vụ bê bối như của Ngô Diệc Phàm và Alibaba đã khiến nhiều người thay đổi quan điểm, đồng thời, bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ hơn dành cho những phụ nữ dám vượt qua rào cản để tố cáo các hành vi quấy rối, lạm dục tình dục.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.