Về Cổ Loa, nghe chuyện xưa ở Thành cổ

Chia sẻ

Nằm cách trung tâm thành phố gần 20km, thành Cổ Loa - điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt (huyện Đông Anh) mang nhiều giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc từ thời Việt cổ của dân tộc. Những ngày đầu Xuân mới, đây là một trong những điểm đến ý nghĩa để du khách thêm yêu và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc; khám phá những nét đẹp văn hoá, tìm hiểu giá trị truyền thống đặc trưng của làng quê Bắc Bộ thanh bình.

Những giá trị lịch sử trường tồn cùng thời gian

Câu chuyện về vua An Dương Vương định đô, xây thành gắn liền truyền thuyết về chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một phát hạ hàng trăm tên giặc cùng mối tình bi thương của Mỵ Châu - Trọng Thuỷ… đã nằm lòng trong ký ức tuổi thơ của rất nhiều thế hệ người Việt. “Bước” ra từ sách giáo khoa, những bài học, kiến thức lịch sử của dân tộc gắn liền với mảnh đất giàu truyền thống ở phía Đông thành phố trở nên sinh động, gần gũi hơn khi được thiết kế thành sản phẩm du lịch độc đáo và có ý nghĩa: Tour du lịch khám phá thành Cổ Loa.

“Ai về qua huyện Đông Anh/Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương/Cổ Loa Thành ốc khác thường/Trải qua năm tháng nẻo đường còn đây”. Lời mời đưa du khách về thăm tòa thành cổ lớn nhất, cấu trúc độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ. Thành Cổ Loa được Thục Phán An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc - tên nước Việt Nam thời đó và nước Đại Việt thời Ngô Quyền vào thế kỷ X.

Đền thờ Thục Phán An Dương VươngĐền thờ Thục Phán An Dương Vương

Theo tài liệu của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, thành Cổ Loa được xây dựng kiểu vòng ốc nên còn được gọi là Loa thành. Thời đó, tổ tiên chưa có gạch nung nên thành Cổ Loa được xây bằng đất ở chính địa phương. Thành có 9 vòng nhưng đến nay, ở Cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất, dài 16 km, gồm vòng ngoài (thành Ngoại) có chu vi 8 km, vòng giữa (thành Trung) hình đa giác có chu vi 6,5 km và vòng trong cùng (thành Nội) hình chữ nhật, có chu vi 1,6km. Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4-5m, có chỗ 8-12m. Chân lũy rộng 20-30m, mặt lũy rộng 6-12m. Cả ba vòng thành đều được bao quanh bằng những con hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Phía đông thành Trung là đầm Cả, có những năm con ngòi đưa nước vào thành Trung và thành Nội tạo vòng khép kín, rất thuận lợi và linh hoạt cho việc lập căn cứ bộ binh, thuỷ binh. Thời xưa, vũ khí thô sơ, chỉ là gươm, giáo và cung tên nên quy mô thành Cổ Loa cũng rất kiên cố.

Là địa bàn cư trú, sinh tụ của người Việt cổ, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và quân sự từ thời cổ đại, khu vực Cổ Loa đã chứng kiến một quá trình phát sinh, phát triển liên tục và lâu dài của nền văn minh sông Hồng mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn. Từ giữa thế kỷ XX đến nay, tại đây đã phát hiện, khai quật nhiều di chỉ khảo cổ học quan trọng và nổi tiếng. Vì vậy, Cổ Loa là một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm. Trải qua nhiều năm tháng, nhiều giai đoạn lịch sử, với người dân xã Cổ Loa nói riêng và người dân ở huyện Đông Anh nói chung, thành Cổ Loa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hoá.

Toàn cảnh khu đền thờ An Dương Vương, hồ nước trong xanh và giếng NgọcToàn cảnh khu đền thờ An Dương Vương, hồ nước trong xanh và giếng Ngọc

Trở về cội nguồn dân tộc

Khu di tích lịch sử Cổ Loa là quần thể di tích có bảo tồn gần 500 ha nằm trên địa phận 3 xã: Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh gồm 60 di tích, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia và hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú gồm lễ hội, những phong tục tập quán đặc sắc, nền ẩm thực phong phú… được người dân bảo tồn và phát huy giá trị. Trong đó, lễ hội Cổ Loa có quy mô lớn, tổ chức trang trọng vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm để tưởng nhớ những người đã có công xây thành, nhất là để ghi khắc công ơn của vua An Dương Vương, người khai sinh ra nhà nước phong kiến Âu Lạc.

Trong khu di tích lịch sử Cổ Loa, khu vực thành Nội nằm trên địa bàn xã Cổ Loa vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật. Đó là đền Thượng được xây dựng năm 1687 đời vua Lê Hi Tông. Đền toạ lạc trên một quả đồi xưa có cung thất của vua. Trước cửa đền có đôi rồng đá uốn khúc, tay vuốt râu, được chạm trổ tinh xảo, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê; từ cổng vào có 2 hố rộng và sâu ở 2 bên được gọi là mắt rồng; trong đền lưu giữ bức tượng vua An Dương Vương được đúc bằng đồng, nặng 200kg, có niên đại 1897 cùng 5 tấm bia đá và 53 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc.

Phía trước đền là giếng Ngọc nằm giữa hồ nước có hình cung tròn với bờ cong tự nhiên được kè bằng đá, trồng cây xung quanh. Trước đây, hồ nước thông với hào của hai vòng thành ngoài và ra tận bến sông phía Đông - Nam thành Ngoại. Theo truyền thuyết, hồ nước là nơi Mỵ Châu - Trọng Thủy thường đi thuyền du ngoạn. Sau chiến tranh, Trọng Thủy nhảy xuống đây tự vẫn vì ân hận đã gây ra cái chết của người vợ yêu quý.

Nằm gần giữa khu thành Nội, cách đền Thượng gần 300m là đình Ngự Triều, đền thờ Cao Lỗ - vị tướng tài ba có công lớn trong việc chỉ huy xây thành Cổ Loa và chế tạo ra nỏ Liên Châu bắn được nhiều mũi tên cùng lúc; am Mỵ Châu (am Bà Chúa) thờ Mỵ Châu. Mặc dù chịu tác động của thời tiết nhưng đến nay, hệ thống di tích gồm đình, đền, am của khu di tích vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn, giữ nguyên nét điêu khắc cổ kính khiến du khách tham quan, tưởng nhớ đều cảm nhận sự trang nghiêm, vẻ đẹp nhuốm màu thời gian và nét văn hóa đặc sắc của các di tích.

Để đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19, năm nay, lễ hội Cổ Loa vào ngày 6 tháng Giêng chỉ tổ chức nghi lễ dâng hương tưởng nhớ vua An Dương Vương với quy mô nhỏ, không tổ chức phần hội tưng bừng như những năm trước; các đền, đình, chùa tạm dừng mở cửa. Tuy nhiên, không vì thế, khu di tích này mất đi sức hấp dẫn bởi về với Cổ Loa, du khách trở về với làng quê thuần Việt với không gian xanh và nhiều nét đẹp văn hoá đặc trưng.

Vẻ đẹp cổ kính của am Mỵ ChâuVẻ đẹp cổ kính của am Mỵ Châu

Tìm hiểu nét đẹp văn hoá làng quê Việt

Là làng quê Việt nằm ở khu di tích lịch sử đặc biệt, xã Cổ Loa không chỉ hội tụ đầy đủ nét đặc trưng vùng đồng bằng sông Hồng với những con đường làng, ngõ xóm ngập tràn bóng cây xanh, cây hoa, hồ ao, đồng ruộng... mà còn sở hữu nét đẹp văn hoá đặc biệt. Ở Cổ Loa, cả 14/14 thôn làng đều có miếu thờ Thành hoàng làng mà hiếm có xã nào ở Đông Anh có được. Bên cạnh đó, ở Cổ Loa có rất nhiều sản vật, món ăn dân dã nhưng rất ngon, trong đó có những món ăn bình dân được gắn liền với tích truyện từ thời vua An Dương Vương, với nền nông nghiệp lúa nước truyền thống. Đáng quý, cho đến tận ngày nay, bà con dân làng vẫn rất trân trọng gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Đó là: bún Mạch Tràng sợi to, dai để làm món bún xào rau rất nổi tiếng không thể thiếu trong mâm cơm ở lễ hội Cổ Loa, ngày 13/8 âm lịch - ngày ăn hỏi công chúa Mỵ Châu và các dịp lễ Tết; bỏng chủ - một loại bánh làm từ thóc nếp rang, trộn với mật, gừng, nén thành từng phong, vừa gọn nhẹ vừa để được lâu, bảo quản dễ dàng dành cho quân đội trong thời kỳ chống lại quân xâm lược Triệu Đà.

Ngoài ra, trên con đường tham quan Cổ Loa, du khách đều chú ý đến cây mít cổ đã 500 tuổi sừng sững với những tán lá xum xuê, quả sai trĩu giữa sân nhà văn hoá xóm Chợ. Ở khu di tích hay trong nhà dân, mít được trồng rất nhiều, trong đó, nhiều cổ thụ quả sai. Không biết có phải vì cây trồng quá quen thuộc nên trong 14 xóm ở đây, có một xóm mang tên xóm Mít…

THẢO NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.