Vẻ đẹp của những nữ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh qua văn thơ

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Đến những thập niên cuối của thế kỷ XX, tác phẩm “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” của nhà văn Svetlana Alexievich mới gây được tiếng vang. Nhưng có lẽ từ rất lâu, người phụ nữ Việt đã đứng lên, tham gia vào các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, góp sức giữ gìn nền độc lập dân tộc, giữ vững biên cương của Tổ quốc. Họ là những nữ du kích, nữ thanh niên xung phong, nữ quân y… tạo nên khí phách và bản lĩnh của một dân tộc.

Ngay trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước...”. Lời kêu gọi của Bác không chỉ hiệu triệu toàn dân tộc, thể hiện sự đoàn kết các giai tầng xã hội mà còn cho thấy sự dân chủ, bình đẳng, tôn trọng nữ giới của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vẻ đẹp của những nữ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh qua văn thơ  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ấn tượng đầu tiên của người viết là hình ảnh những nữ du kích đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Không chỉ có một liệt sĩ Trần Thị Bắc, người đã trở thành nhân vật nữ du kích trong bài thơ Núi đôi của nhà thơ Vũ Cao (được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân theo quyết định số 626/QĐ-CTN ngày 26/4/2018 của Chủ tịch nước); hay một cô du kích của miền Nam trong bài thơ Quê hương của Giang Nam mà còn biết bao cô gái Việt đã không tiếc tuổi xuân vì tấc đất quê hương. 

Điều đặc biệt nhất ở họ là bên cạnh sự anh dũng, kiên cường họ vẫn mang trong mình sự nữ tính dịu dàng và tình yêu tha thiết. 

Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)

Cũng bởi vẻ đẹp trong sáng đó mà khi họ ngã xuống tạo ra cảm xúc bi tráng. Vừa tiếc thương, căm giận, vừa bất khuất, trường tồn. Có lẽ tuổi xuân, máu xương của họ đã gửi vào trời xanh, mây trắng, tiếng chim ca và lúa đồng đương thì con gái. 

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với quy mô, mức độ và sự trưởng thành của quân đội, ta bắt gặp nhiều hơn những nữ thanh niên xung phong trên con đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” như trong thơ Phạm Tiến Duật: “Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng lạ ào ào lá đỏ/ Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường/ Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa/ Chào em, em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn/ Em vẫy cười đôi mắt trong (Lá đỏ). Những cô gái là chốt chặn vững chắc giữ cho huyết mạch thông suốt để từng đoàn quân, từng chuyến hàng đến được tiền tuyến. Hay, ở một hoàn cảnh khác là vẻ đẹp trong sáng của Nguyệt, một nữ cán bộ ở hạt giao thông: “Qua làn ánh đèn tù mù của đoàn xe xích lao đi ầm ầm bên cạnh, tôi kịp nhận thấy vẻ xinh đẹp của cô gái, một vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi tỏa ra từ nét mặt, lời nói và tấm thân mảnh dẻ, khác hẳn với nhiều cô gái công trường thường cô nào cũng thấp và đẫy đà. Cô ta mặc áo xanh chít hông vừa khít, mái tóc dày tết thành hai dải. Chiếc làn và chiếc nón mới trắng lóa khoác ở cánh tay một cách nhẹ nhàng”. Nguyệt không khoác lên mình màu áo lính, không cầm súng chiến đấu nhưng cô và những người đồng nghiệp luôn bám trụ, đảm bảo giao thông cho kháng chiến.

Vẻ đẹp của những nữ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh qua văn thơ  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nói đến đây, nhiều bạn đọc không khỏi ứa nước mắt khi nghĩ đến sự hy sinh của 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc. Trong bài thơ cùng tên, nhà thơ Huy Cận đã từng nhắn gửi thế hệ mai sau phải luôn khắc ghi về sự hy sinh này:

Khi con về quê con nhớ viếng thăm
Mộ mười cô kề bên đường đỏ.
Các cô như còn đứng đó
Chờ lấp hố bom
Đường thông xe các cô mới đi nằm.
Các cô để lại tuổi thanh niên
Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi
Cho đất nước, quê hương

Trong đời sống tâm hồn Việt Nam xưa, các bậc nữ anh hùng đã được khắc ghi bằng những câu ca dao truyền đời nhưng đều dừng lại ở những chiến công, như: “Đố ai nêu lá quốc kỳ/ Mê Linh đất cũ còn ghi muôn đời/ Yếm, khăn đội đá vá trời/ Giặc Tô mất vía rụng rời thoát thân”. Dường như chưa bao giờ chúng ta nhắc đến sự hy sinh của người phụ nữ. Với tinh thần cách mạng và lý luận Mác-Lê Nin, chúng ta nhìn nhận thắng lợi như một quy luật tất yếu. Những hy sinh, mất mát không tạo ra sự bi lụy mà ngời lên khí phách. Sự hy sinh của những người phụ nữ yêu nước còn khiến cái ác, khiến kẻ thù phải khuất phục:

Ngay cả lũ ác ôn
Mỗi khi qua mộ chị
Cũng cúi đầu lặng lẽ
Trước chị Sáu anh linh
Người con gái hiên ngang
Chúng mãi còn khiếp sợ.

(Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn-Phan Thị Thanh Nhàn)

Nếu như ở những tác phẩm mà đồng đội và thế hệ sau viết về họ thể hiện sự biết ơn, kính trọng thì đọc những gì do chính họ viết trước lúc hy sinh, với những dự cảm về sự khốc liệt của chiến tranh lại khiến cho ta thêm xúc động. Trong cuốn nhật ký của mình, nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã viết một bài thơ, có đoạn như sau: 

Ai biết chăng dù ta có chết
Cho ngày mai, cho đất nước tự do
Thì trong ta vẫn trọn niềm mơ
Và trọn vẹn cả tình thương chung thủy.
Chiều nay…
Trong nghìn suy nghĩ
Ai khẽ thở dài thoáng nét lo âu
Ta thấy rồi trong những đêm thâu
Một đôi mắt đen vẫn còn chưa nghỉ
Ai lo cho đồng bào, anh em, đồng chí
Ai đau lòng khi bom đạn còn rơi
Ôi những người thân thiết của tôi ơi.
Giữa chiều nay tôi bay về sum họp
Tôi hôn những người thân và lệ tràn trong mắt

Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và biết bao nhiêu nữ liệt sĩ khác đã bình thản, kiên cường và hy sinh anh dũng. Họ tin vào ngày toàn thắng, tin vào sự phát triển của đất nước. Khí phách và niềm tin ấy chính là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.