Vẻ đẹp thâm trầm của đình Hữu Bằng (kẻ Nủa)

THÁI DŨNG (Tổng hợp)
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Từ xưa dân gian vẫn truyền tụng câu: “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Trong tác phẩm song ngữ Việt – Anh “250 đình chùa nổi tiếng Việt Nam” – nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin xuất bản quý II năm 2004, trang 182 có giới thiệu khái lược về đình Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đình được ghi nhận cùng với rất nhiều đình chùa danh tiếng khác trong cả nước bởi đến nay vẫn giữ được nhiều nét đặc trưng của những ngôi đình nổi tiếng ở xứ Đoài.

Đình Hữu Bằng có tên gọi nôm là đình Nủa (kẻ Nủa) tọa lạc trên một gò đất cao ráo, phía trước có hồ nước như là điểm “tụ thủy, tụ phúc”. Thế đất cao tượng trưng cho yếu tố dương, kết hợp với hồ nước tượng trưng cho yếu tố âm. Tất cả tạo nên thế âm dương cân đối, điều hòa sinh khí. Đình được xây dựng thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Chính Hòa, thờ tam vị Nam Hải Đại Vương thành hoàng làng. Hiện trong đình còn lưu giữ 27 đạo sắc phong qua các triều vua phong kiến, vua phong thượng đẳng thần cho tam vị thành hoàng.

Vẻ đẹp thâm trầm của đình Hữu Bằng (kẻ Nủa) - ảnh 1

Về kiến trúc: Cổng đình gồm hai tháp môn đứng chính giữa, hai bên cổng phụ mái chồng diêm. Trên đỉnh tháp môn đắp tứ phụng sinh động, bên dưới đắp tranh hoa bốn mùa, thân tháp hình trụ chữ nhật xung quanh có các câu đối chữ nho. Hai cổng phụ thấp và nhỏ hơn cổng chính với mục đích người dân ra vào tránh phạm thượng đi vào chính điện. Mái đình dáng hình đầu đao cong vút hướng lên trời xanh. Toàn bộ mái được lợp bằng ngói vẩy truyền thống ken rất dày, là hình ảnh thân thuộc từng đi vào câu ca: “Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”. Nóc của đình đắp tượng lưỡng long chầu nguyệt, cặp kìm chạm sành hai bên hướng mặt về phía đỉnh nóc của đình.

Nhìn tổng thể, đình Hữu Bằng là khu di tích có quy mô rộng, cổ kính, trang nghiêm. Qua cổng, tiến vào bên trong là khoảng sân rộng lát gạch đỏ, hai bên là hai dãy nhà Tả vu và Hữu vu, mỗi dãy nhà gồm 7 gian tổng cộng có 14 gian được dùng làm nơi sắp lễ và chờ của khách. Ngày thường, nơi đây là địa điểm vui chơi sinh hoạt cộng đồng của dân làng. Bao quanh khuôn viên là tường gạch và bằng những tấm chắn song gỗ. Đây là một trong những điểm độc đáo khiến không gian trong hay ngoài đình đều thoáng đãng, hơi nước từ hồ theo gió đưa vào đình luôn mát mẻ. Đình thuộc kiểu kiến trúc thượng diêm tám mái, gồm có hai tầng xếp chồng lên nhau, mỗi tầng bốn mái vô cùng độc đáo.

Toàn bộ khung xương của ngôi đình được chống đỡ bởi hệ thống cột cái, cột con, cột hiên vững chãi. Các vì kèo, câu đầu được kết nối với hệ thống cột bằng các lỗ mộng có độ chính xác cao, như những khớp nối vô cùng ăn nhập với nhau, không hề có sự can thiệp của chất kết dính bên ngoài. Nét độc đáo nữa là trong đình không lát gạch mà làm sàn gỗ (gỗ xoan) cách mặt đất khoảng 0.5m.  Điều này càng làm cho ngôi đình thêm gần gũi thiên nhiên. Các cột trụ được kê bằng đá ong nối liền với nền đất. Sàn gỗ thiết kế theo các khu có chênh lệch về độ cao, là chỗ trải chiếu ngồi của các vị cao niên trong làng mỗi khi đình có công việc. Hằng năm, đình có 3 ngày tiệc. Mùng 6 tháng Giêng âm lịch kỷ niệm ngày sinh tam vị thành hoàng, tên gọi “ngày mộc dục”. Ngày 12 tháng năm âm lịch mở tiệc ăn mừng thắng trận của các ngài. Ngày 17 tháng 7 âm lịch các ngài hóa về trời. 

Mỗi dịp đình có việc, trai đinh trong làng ra phụ giúp. Các cụ cao niên chủ trì tế lễ, hướng dẫn, dân làng dâng hương cúng bái. Những sinh hoạt như vậy thể hiện tính đoàn kết cộng đồng rất cao. Đám to được làng tổ chức hội làng cứ 3 năm/ lần. Hội có lễ tế trâu (phải là trâu đực mộng, dáng đẹp, đen tuyền, sừng cánh ná); bên cạnh đó, còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian: Hát ả đào, cờ người, chọi gà, đánh đu, bắt vịt, đấu vật… với mục đích chung tăng cường giao lưu và tinh thần đoàn kết. Đình Hữu Bằng đã được công nhận Di tích Lịch sử – Văn hóa năm 1989.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

(PNTĐ) - Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm ấm như hôm nay… Cũng vì vậy, chúng ta thật sự phấn chấn khi dòng phim chiến tranh đang “nở rộ” và được công chúng đón nhận nhiệt tình gần đây.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Gia đình không ruột thịt

Gia đình không ruột thịt

(PNTĐ) - Ông sinh vào tháng 5 năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Bảo An, thành phố Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mất cha từ khi còn nhỏ, ông ra ngoài kiếm sống khi mới 9 tuổi, chăn vịt cho người khác, nhặt rác, bán hàng rong và dựng quầy hàng... Không có nơi ở cố định, ông sống cuộc sống lang thang ở vùng núi biên giới các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây.