Vẽ đường cho hươu chạy... đúng
Hiện nay, trẻ không khó để tiếp cận với các thiết bị công nghệ như điện thoại, ipad, tivi… và dễ dàng xem các video, clip trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, liên tục các vụ việc trẻ tiếp cận các clip độc hại thời gian qua đã đặt ra cho các bậc cha mẹ cần phải có các giải pháp để giúp con trẻ tiếp cận với mạng xã hội an toàn.
Cấm, ép, đánh… không giúp trẻ rời xa công nghệ
Cả tháng nay, gia đình chị Nguyễn Hồng Nhung (Hoàng Mai, Hà Nội) lúc nào cũng nước sôi lửa bỏng vì việc cai điện thoại và tivi cho cậu con trai 4 tuổi. Những ngày dịch, con được nghỉ học, vợ chồng chị phải làm việc online ở nhà. Để “yên thân”, chị đưa cho con ipad để con giải trí. Suốt cả ngày, con chị dán mắt vào điện thoại, TV. Chỉ 1 tháng nghỉ Tết và nghỉ dịch, bé bị đau mắt tăng độ cận. Cháu lại học theo các hành động trên truyền hình, thường xuyên tay đấm, chân đá bố mẹ, các em, sử dụng gậy làm kiếm, gầm gào như siêu nhân, thậm chí dùng các từ ngữ khiếm nhã… Chị đã tìm mọi cách để tách con ra khỏi điện thoại, nhưng chị cố gắng cất giấu thế nào, thằng bé vẫn tìm ra. Cứ thế, tiếng người lớn quát nạt, tiếng trẻ con khóc lóc, tiếng vợ chồng cãi nhau… cứ vang khắp tòa chung cư, khiến ai cũng lắc đầu ngán ngẩm.
Hiện nay, rất nhiều phụ huynh cũng đang gặp tình cảnh tương tự như chị Nhung khi phó thác điện thoại cho con chơi mà không kiểm soát về nội dung hoặc quy định thời gian. Thậm chí có người lại cho con xem với lý do “xem điện thoại, trẻ thông minh hơn” hoặc tính đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ rằng hậu quả vô cùng lớn về sau. Một người mẹ có con 18 tháng tuổi chia sẻ: bé thích cầm điện thoại và xem những video suốt ngày. Bé biết bật vào kênh youtube và tự mở xem. Nếu lấy lại, bé sẽ khóc và ăn vạ.
Ảnh minh họa
Trong một cuộc khảo sát vào năm 2018, 47% phụ huynh có con dưới 18 tuổi cảm thấy rằng con họ “nghiện” thiết bị di động. Tiến sỹ Vũ Thu Hương, Trung tâm đào tạo Kỹ năng Cá siêu quậy cho rằng, những tác hại của smartphone vô cùng lớn đến trẻ. Trước tiên là sự suy giảm thính lực. Một kiểm tra tổng thể sức khỏe, tâm sinh lý, kĩ năng của trẻ chuẩn bị vào lớp 1 của Trung tâm đào tạo kỹ năng Cá siêu quậy gần đây cho thấy, có tới 47.37% có thị lực từ 6/10 trở xuống. Trong số đó, 79% các trường hợp là do cha mẹ cho con sử dụng điện thoại thông minh. 42% trẻ sử dụng nhiều smartphone bị mất tập trung, thiếu kiên nhẫn, giảm khả năng ghi nhớ sau buổi tổng kiểm tra. Nhiều trẻ đến tuổi teen chưa biết quản lý thông tin đưa lên mạng xã hội, dễ gặp phải những cú sốc tâm lý khi gặp phải bình luận ác ý, thậm chí có trẻ gặp những chuyện như bị kẻ xấu dụ dỗ, xâm hại, gạt tiền, bị bôi nhọ trên mạng xã hội…
“Đáng sợ nhất là trẻ bị nghiện mạng xã hội. Trẻ nghiện mạng xã hội cũng gặp những vấn đề như các bệnh nhân nghiện các chất khác. Khi không vào được mạng xã hội, trẻ sẽ bứt rứt, khó chịu. Các trẻ thường ngồi trên máy nhiều giờ đồng hồ trong ngày. Có trẻ thức đêm để vào mạng đến 2-3h sáng mà không dứt ra nổi. Việc học hành và sức khỏe của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng” – TS Thu Hương cho biết.
Tràn ngập nguy hiểm khi trẻ được “tự do” ngụp lặn trên mạng
Thực tế, bên cạnh những “hệ luỵ” nhìn thấy được như bị ảnh hưởng sức khoẻ, tâm thể trí, thì những video, clip có nội dung độc hại đang được đăng tải bát nháo, tràn lan trên mạng xã hội hiện nay lại có “độc lực” nguy hại đến người xem, đặc biệt là nhóm trẻ em – nhóm khán giả có nguy cơ cao tiếp nhận thông tin mà chưa có nhận thức đúng đắn. Nhà văn Hoàng Anh Tú ví các clip, video độc hại này “giống những trò vô thưởng vô phạt như điệu múa quạt của Khá Bảnh, gây hại từ từ giống như khói thuốc lá của người cha (mẹ) hút bên cạnh con (nhưng lại cấm con hút thuốc). Nó gây hại chút một như việc cho con uống nước ngọt thả ga, việc cha mẹ trước mặt con vẫn chửi tục, vượt đèn đỏ… vậy”.
Cụ thể như mới đây nhất, sự việc Youtuber Thơ Nguyễn (tên thật là Nguyễn Thị Hồng Thơ), cô nàng được nhiều fan trẻ em hâm mộ bất ngờ vướng vào ồn ào xoay quanh việc sử dụng búp bê xin vía cho các cô cậu học sinh học giỏi. Theo nhiều phụ huynh, Thơ Nguyễn đã lan truyền văn hoá mê tín dị đoan, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ em đang theo dõi kênh YouTube của người này. Mặc dù Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) đã phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an đã vào cuộc yêu cầu gỡ bỏ clip, đồng thời có những biện pháp xử lý YouTuber này, tuy nhiên, đây cũng là hồi chuông báo động cho thực trạng một số YouTuber đã và đang lạm dụng quá mức quyền hạn của mình để đưa nội dung không lành mạnh lên kênh, đặc biệt là kênh dành cho trẻ em. Thực tế, có nhiều vụ việc đau lòng bắt nguồn từ những gì trẻ em học được từ các clip độc hại trên mạng. Năm 2020, một học sinh cuối cấp 2 ở Hải Dương bị đa chấn thương sau khi tự chế thuốc nổ do học theo video trên Youtube. Một bé gái 5 tuổi tử vong ở TP Hồ Chí Minh khi học theo trò “thắt cổ vẫn thở được” trên mạng. Trò nghịch dại này còn khiến 1 bé 7 tuổi khác suýt chết khi may mắn được gia đình phát hiện.
Ảnh cắt từ Tiktok Thơ Nguyễn ôm búp bê xin vía học giỏi cho học sinh
Trẻ nhỏ thường hiếu động, tò mò. Các em dễ bị tác động, học theo và có những suy nghĩ lệch lạc. Trong khi đó, cha mẹ thường chỉ quan tâm chuyện con chơi với bạn xấu, học hành lơ mơ, có nguy cơ bạo hành, xâm hại, ăn uống thiếu chất, chưa khoa học... nhưng lại không để ý đến việc dạy con sử dụng smartphone thế nào, ứng xử trên mạng xã hội ra sao để an toàn. Thậm chí, khi sự việc lùm xùm lên, cha mẹ lo ngại và tìm giải pháp làm sao để ngăn con xem những kênh vô bổ, nhảm nhí và gây hại nhưng lại không biết con đang xem cái gì trên mạng. Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, bên cạnh việc kiểm soát, ngăn chặn con xem các thông tin độc hại trên mạng, cha mẹ hãy làm bạn để hiểu và chia sẻ cùng con.
Thạc sỹ tâm lý Trần Thị Mạnh Linh lại khẳng định, trẻ em thường có thần tượng và làm theo thần tượng của mình. Hơn thế nữa, các em có chưa có đủ nhận thức để lọc các thông tin cái gì nên giữ lại, cái gì nên loại bỏ nên nếu học được từ thần tượng thì các em sẽ làm y nguyên như thế. Trẻ em hiện nay do ảnh hưởng của mạng xã hội phổ biến và các phương tiện điện tử quá thông dụng nên việc các em bị ảnh hưởng đám đông, thấy nhiều người like clip đó thì nhầm tưởng nó đúng và được ủng hộ, do đó càng kích thích các em làm theo. Niềm tin chi phối cách nghĩ và cách làm của trẻ. Khi trẻ bị đánh tráo niềm tin, thay vì tin vào khả năng của bản. thân, tin vào tri thức khoa học thì các em lại tin và hành động theo những đức tin lệch lạc.
“Cha mẹ không nên hoang mang khi đọc các thông tin để tránh bị ảnh hưởng đám đông mà về cấm đoán không cho con mình dùng công nghệ nữa. Thời đại 4.0, các con cũng cần phải biết công nghệ. Đừng vì sợ rủi ro mà cấm, xoá, khoá. Trước tiên, cha mẹ đọc các thông tin hàng ngày và cùng con trao đổi để con nhận thức về sự phát triển đa dạng của công nghệ thông tin và các rủi ro có thể gặp phải; từ đó, dạy con kỹ năng dùng công nghệ trước khi con dùng như dùng khi nào, trong bao lâu, các kênh nào nên dùng… Khi các con thuần thục kỹ năng, cha mẹ hãy cho con sử dụng và có giám sát theo cách hợp lý (xem cùng con, cài một số trang được dùng trong máy...); đồng thời có nội quy và hệ thống thưởng phạt rõ ràng khi con dùng internet hợp lý hoặc vi phạm luật thực hiện nghiêm túc” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
QUỲNH NHƯ