Về Phú Vinh khám phá nét đẹp làng nghề mây, tre đan

Bài,ảnh: Mạnh Sơn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội gần 30km về phía Nam, làng nghề mây, tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội tồn tại đã hơn 400 năm lịch sử. Trải qua thời gian, với bao thăng trầm, làng nghề truyền thống Phú Vinh hôm nay vẫn bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp truyền thống cùng với nhiều sản phẩm có tính sáng tạo, ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và du khách trong, ngoài nước.

Nghề thủ công truyền thống lâu đời

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch Hội doanh nghiệp mây, tre đan Phú Vinh cho biết: Theo các cụ cao niên của làng truyền lại, cách đây khoảng 400 năm, Phú Hoa Trang (nay là Phú Vinh) có một địa danh là bãi Cò đậu do ở đây có rất nhiều cò, sau gọi chệch là Gò Đậu. Lông cò rụng trắng một vùng gò, có người thấy thích nhặt về bện thành mũ, nón rất xinh xắn.

Ban đầu họ dùng thấy đẹp, bền liền làm thành quà tặng cho người thân, bạn bè, sau đó các sản phẩm dần được yêu thích và có nhiều người tìm mua. Lâu dần, lông có hạn, người dân tìm thêm cỏ lác, cỏ lau mọc sẵn ngoài đồng và lên rừng tìm các thứ vật liệu mềm dẻo như tre, mây, giang… để sản xuất thành đồ gia dụng.

Về Phú Vinh khám phá nét đẹp làng nghề mây, tre đan - ảnh 1
Chọn lựa sản phẩm mây, tre đan Phú Vinh

Theo ông Trung, cũng như nhiều nghề thủ công truyền thống khác, nghề mây, tre đan Phú Vinh cũng có những bước thăng trầm theo biến đổi của lịch sử. Từ những năm 1960 của thế kỷ XX, hệ thống nghề thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được thành lập từ Trung ương đến địa phương, nghề mây, tre đan Phú Vinh từng bước được phục hồi, sản phẩm mây, tre đan của Phú Vinh được phát triển rộng rãi, xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Âu.

Do tác động của nền kinh tế thị trường, nghề mây, tre đan Phú Vinh sau đó bị ảnh hưởng rồi đến những năm đổi mới, nghề lại có sự chuyển biến. Năm 1991, Phú Vinh thành lập tổ hợp sản xuất sản phẩm mỹ nghệ mây, tre đan Phú Vinh với định hướng đa dạng hóa sản phẩm, ngoài các sản phẩm truyền thống sẽ có nhiều loại sản phẩm trang trí nội thất, sản phẩm quà tặng, lưu niệm với nhiều kiểu dáng, mẫu mã, đáp ứng với nhu cầu của thị trường và thị hiếu của khách. Sản phẩm mây, tre, sau có thêm giang đan Phú Vinh hiện nay được nhiều nơi biết tiếng về sự độc đáo, đẹp mắt, có tính ứng dụng cao.

Ở Phú Vinh, 85% số dân biết làm hàng thủ công từ mây, tre, giang đan truyền thống. Cố nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu (1905-1983) là nghệ nhân đầu tiên thành công đan ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu dây mây truyền thống. Nay Phú Vinh đã có 7 nghệ nhân, trong đó có 6 nghệ nhân ưu tú.

Về Phú Vinh khám phá nét đẹp làng nghề mây, tre đan - ảnh 2
Khách tham quan sản phẩm làm từ mây, tre đan Phú Vinh.

Nét đẹp của sản phẩm làng nghề mây, tre đan Phú Vinh

Nét đẹp, độc đáo của sản phẩm mây, tre đan Phú Vinh là do được làm vật liệu tự nhiên, được đan thủ công, có độ bền cao, đẹp, thân thiện với môi trường, không chỉ tốt cho sức khỏe người sử dụng mà còn tốt cho cả người thợ thủ công khi làm ra sản phẩm.

Với việc phát triển phù hợp với trào lưu hạn chế sử dụng đồ nhựa, sắt nhằm bảo vệ môi trường như nhiều nước trên thế giới đang kêu gọi thì nhu cầu sử dụng sản phẩm từ mây, tre đan ngày càng tăng. Sự sáng tạo trong khâu sản xuất ở Phú Vinh cũng đem lại sự đa dạng các sản phẩm tới cộng đồng.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung: Nghề mây, tre đan ở Phú Vinh được các gia đình làm nghề truyền từ đời này sang đời khác. Trước đây, sản phẩm mây, tre đan chủ yếu là đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như: Thúng, mủng, giần, sàng, túi, hộp…

Đến nay, làng Phú Vinh đã sáng tạo thêm nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ các vật dụng trang trí nhỏ lẻ như miếng lót cốc, bát, đĩa… đến các vật dụng mang tính ứng dụng cao trong đời sống như giường, tủ, bàn ghế, lồng đèn, rèm cửa, hoành phi, câu đối… hay các sản phẩm mang tính nghệ thuật như  đồ nội thất nhà hàng, khách sạn, tranh, túi xách làm từ mây, tre, trúc...

Các công đoạn sản xuất mây, tre, giang đan rất cầu kỳ, người thợ phải biết chọn nguyên liệu ưng ý rồi tuốt, phơi, chẻ nan. Sau đó, nguyên liệu được sấy khói rơm hoặc phơi nắng để có màu đẹp tự nhiên, công đoạn cuối là đan thủ công để tạo sản phẩm.

Về Phú Vinh khám phá nét đẹp làng nghề mây, tre đan - ảnh 3
Khách tham quan xem sản phẩm làm từ mây, tre đan Phú Vinh.

Trong các công đoạn tạo nên sản phẩm mây, tre đan thì công đoạn chẻ nan là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Tùy theo từng loại sản phẩm mà người thợ có cách chẻ nan riêng, sợi nan lúc chẻ thành từng ống tròn nhỏ, lúc chẻ ra thành những nan mỏng. Trước đây, tất cả các công đoạn đều làm thủ công bằng tay, nhưng đến nay công đoạn chẻ nan được máy hỗ trợ, người thợ thủ công chỉ phải tuốt lại những sợi nan thêm mượt mà, phẳng bóng.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung: Hiện nay, các nghệ nhân Phú Vinh đã sáng tạo ra nhiều cách đan khác nhau như: Đan xương cá, kết hình hoa, kết màu sắc, tạo hình hoa văn nổi trên nhiều sản phẩm… Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật công phu, đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, óc sáng tạo, tận tâm với nghề.

Đồng thời, người thợ phải biết kế thừa truyền thống với ứng dụng kiến thức khoa học hiện đại trong thiết kế, phối màu tạo ra sản phẩm với sự khỏe khoắn của tre, mềm mại của mây, giang mang lại nét riêng cho từng sản phẩm.

Để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng cũng như thị trường, một số cơ sở sản xuất ở Phú Vinh đã chủ động thay đổi hướng sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ đồ trang trí, trang sức và các sản phẩm phục vụ khách du lịch, qua đó vừa giữ được nghề, đồng thời lại tạo công ăn việc làm cho bà con, nhất là lao động nữ ở nông thôn.

Vì vậy, đến làng nghề Phú Vinh hôm nay, du khách sẽ thấy được sự đổi thay của làng nghề truyền thống. Tại các hộ gia đình luôn nhộn nhịp không khí làm việc. Sản phẩm được trưng bày tại làng nghề, hay tại các Hội chợ, Triển lãm về nghề truyền thống ở Thủ đô, gần đây là Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Về Phú Vinh khám phá nét đẹp làng nghề mây, tre đan - ảnh 4
Sản phẩm mây, tre đan Phú Vinh

Ngoài khám phá nét đẹp, sự độc đáo của sản phẩm mây, tre đan, về Phú Vinh du khách còn được nghe các nghệ nhân giới thiệu, hướng dẫn và tự tay tạo nên sản phẩm mây, tre, giang đan cho riêng mình. Du khách có thể đi tham quan các di tích ở Phú Vinh và các di tích đình, đền, chùa, và các làng nghề khác ở huyện Chương Mỹ như: Mộc điêu khắc, nón lá, thêu ren, điêu khắc đá…

“Tôi rất muốn nghề mây, tre đan nghề thủ công truyền thống được phát triển rộng rãi ở Việt Nam, nếu được tổ chức có hệ thống và quy mô sẽ thu hút được rất đông lao động nhất là lao động nữ ở nông thôn. Tôi cũng mong rằng, trong thời gian tới, Phú Vinh sẽ được công nhận là điểm đến du lịch làng nghề của Thủ đô, tạo cho du khách có những khám phá và trải nghiệm thú vị về nghề mây, tre đan Phú Vinh”, ông Trung kiến nghị.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.