Về thăm chốn xưa

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tự nhiên hôm nay, tôi lại ngồi nhớ về ông ngoại, người ông đã mất cách đây 30 năm của tôi. Khi đó, tôi mới là cô nữ sinh lớp 10, còn bây giờ tôi đã là một bà mẹ trung niên có hai con.

Tôi đã có cả một tuổi thơ được ở bên ông, trong căn nhà trên gác 2 ở một phố cổ. Con phố ấy nằm ngay gần Hồ Gươm nên sáng nào, ông cũng dắt tôi ra Hồ Gươm tập thể dục. Đường phố Hà Nội lúc đó hãy còn vắng vẻ lắm. Ở đầu phố có một bà cụ chuyên bán đu đủ gọt vỏ, bổ miếng sẵn bỏ trong một chiếc âu thủy tinh to. Thi thoảng, ông vẫn mua cho tôi một miếng ăn cho khỏi thòm thèm.

Đứng từ dưới đường nhìn lên, ngôi nhà của ông cháu tôi lúc nào cũng nổi bật bởi trên ban công có một cây hoa giấy rất to. Mùa hè đến, hoa nở từng chùm màu đỏ như lửa xòe ra tận bên ngoài. Phía trong nhà còn có một ô cửa sổ nữa, nhìn sang mái nhà hàng xóm, cũng được ông treo nhiều giò hoa lan vì ông tôi rất thích hoa lan. Trong số này, tôi nhớ có một giò lan kiếm rất to, bầu hoa như cái tổ ong, tiếc là chưa bao giờ tôi thấy lan kiếm ra hoa.

Về thăm chốn xưa - ảnh 1
Ảnh minh họa

Khi còn bé, tôi vẫn thường nói với ông sau này lớn lên sẽ sửa sang lại ngôi nhà thật đẹp. Tôi sẽ sơn lại khung cửa màu xanh, trồng thêm nhiều cây hoa leo làm cho ban công ngôi nhà nổi bật hơn nữa. Ông tôi đồng ý và bảo cháu ăn nhiều, lớn nhanh lên để còn thực hiện ước mơ của mình nhé.

Rồi đến một ngày, tôi thấy bố mẹ đến đón tôi và ông. Thì ra là ông quyết định bán ngôi nhà, rồi cho bố mẹ tôi tiền để xây nhà riêng ở ngoại thành. Tôi sụt sùi tự nhủ nhất định sau này, tôi sẽ thành công, kiếm được nhiều tiền để mua lại ngôi nhà ấy cho ông. Tôi biết, nếu không vì gia đình tôi, ông sẽ không bao giờ bán đi ngôi nhà. Ông sống cùng gia đình tôi 2 năm rồi mất. Sau đó, tôi gần như không trở lại chốn xưa, cũng là bởi nhà đã bán đi rồi. Cuộc sống sinh hoạt của gia đình tôi chủ yếu chỉ diễn ra ở ngoại thành.

Tới tận ngày tôi vào đại học được bố mẹ mua cho chiếc xe máy riêng, tôi mới có cơ hội tung tẩy đi khắp chốn cùng nơi. Lần đó, tôi quyết định về thăm nhà xưa. Ngôi nhà của ông cháu tôi đã không còn một chút vết tích nào, thay vào đó là một khách sạn cao tầng sang trọng. Tôi thấy hơi hụt hẫng, đứng tần ngần nhìn mãi khách sạn.

Trong ký ức của tôi, bỗng như hiện lên hình ông tôi đang đứng ở ban công tầng 2 tưới cây hoa giấy, rồi tiếng ông í ới gọi tôi về ăn cơm khi tôi đang chơi cùng đám bạn dưới đường. Cả lời hẹn của tôi với ông là sẽ sửa nhà thật đẹp. Nhưng giờ thì tất cả đã không thể, cho dù tôi có là tỷ tỷ phú và sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để mua lại ngôi nhà.

Chẳng ai có thể kéo lùi thời gian để trở về quá khứ. Chúng ta cũng chẳng thể ngăn sự phát triển, hiện đại tràn tới. Cũng như vậy, ông tôi chẳng thể sống mãi với chúng tôi. Nhưng, trong tim tôi, vẫn sẽ luôn nhớ về ông và ngôi nhà mà ông cháu tôi đã sống những tháng ngày êm đềm.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.