Vì thằng cháu nội

Chia sẻ

Ngày trước, bà là người phản đối con trai lấy cô con dâu bây giờ. Đó là bởi bà thấy cô này vô tâm, cạn nghĩ, xem ra chẳng hợp với vai trò là người giữ lửa hạnh phúc.

Nhưng, con trai bà vẫn quyết tâm kết hôn. Thế nên, giời không chịu đất thì đất phải chịu giời. Để tránh mẹ chồng-nàng dâu xung đột, có ngôi nhà đang cho khách thuê, bà lấy lại để cho vợ chồng con trai ở.

Nửa năm sau, con dâu bà có bầu. Thôi thì nó nghén ngẩm, suốt ngày nôn trớ, nằm thở. Xót đứa cháu trong bụng, bà chủ động “xin đám”, hàng ngày sang cơm nước chăm bẵm con dâu. Vợ chồng con trai, con dâu bà cứ vô tư hưởng, suốt 9 tháng 10 ngày bà nào có nhận được một lời cảm ơn của chúng nó.

Nhiều lúc bà cũng tâm tư nhưng lại đành tự an ủi, mình làm cho cháu mình chứ có phải người ngoài đâu mà thiệt. Khi con dâu sinh, bà là người đầu tiên đón tay thằng bé. Nhìn gương mặt sáng sủa, hãy còn lấm chấm phấn của nó mà bà mãn nguyện, thấy công sức mình bỏ ra lâu nay đã được đền đáp.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Con trai bà thuê một người giúp việc về nhà để chăm sóc hai mẹ con. Bà miệng bảo: “Kệ chúng nó, chúng nó có tiền thuê người giúp việc cũng tốt. Mình già rồi, phải nghỉ ngơi, không thể cứ ôm rơm dặm bụng”. Ấy thế nhưng, trong lòng bà lúc nào cũng canh cánh, không biết người giúp việc có kỹ năng chăm trẻ không. Cuối cùng, bà lại khăn gói quả mướp sang nhà con dâu, con trai. Có bà, cô giúp việc “hết việc”, còn bà thì trở thành Ô-sin cho con, cháu. Số tiền các con phải bỏ ra để thuê người giúp việc, bà không cầm mà cho lại các con nuôi cháu. Bà vốn tính cẩn thận, đảm đang, luôn chân luôn tay suốt ngày. Đến bữa, còn cẩn thận đong đếm, kết hợp các loại thực phẩm để cháu ăn đủ chất. Tối đến, nghe tiếng cháu khóc hoài mà mẹ nó dỗ không được, bà lại vỗ về. Hai bố mẹ nó an tâm, cứ thể ngủ trọn giấc tới sáng.

Khi thằng cháu nội ngoài 6 tháng, con dâu bà đi làm trở lại. Nó ham việc cơ quan hơn việc nhà nên đi suốt. Mấy lần bà nhắc con dâu để ý đến con nhưng con dâu bà không tiếp thu. Một tối, bà vô tình nghe con dâu nói chuyện qua điện thoại với ai đó. Qua cách nó ngọt nhạt, bà biết ngay là nó đang có biểu hiện say nắng bên ngoài.

Bà buồn nhưng không muốn làm ầm ĩ mọi chuyện. Không ngờ, con trai bà nghe ai đó nói đến tai, về nhà đánh ghen, đòi ly hôn. Mấy đêm liền, bà mất ngủ, suy xét mọi chuyện. Bà thực tâm không ưng ý con dâu. Từ hồi về nhà bà, con dâu gần như chưa thể hiện vai trò, trách nhiệm gì. Nhưng, để hắt hủi nó thì bà không nỡ. Bởi bà biết, con dâu vẫn là mẹ của cháu nội bà. Mà cháu nội của bà luôn cần có một gia đình đủ cả bố, cả mẹ.

Cuối cùng, chính bà là người đứng ra hòa giải. Bà giấu nhẹm chuyện cuộc điện thoại nghe được hôm trước, khuyên con trai bình tĩnh, không nên buộc tội vợ. Sau đó, bà lại gần gũi, đánh tiếng xa gần với con dâu. Bà khuyên con dâu giữ lấy hạnh phúc gia đình. Bà chủ động “trả” cháu nội cho vợ chồng hai con rồi dọn về nhà chỉ chăm cháu từ xa. Bà nghĩ, thằng cháu nội sẽ giúp bố mẹ nó xích lại gần nhau hơn. Khi không còn bà để dựa dẫm, con trai, con dâu bà sẽ phải tự cân bằng giữa công việc và gia đình.

Hiện nay, con trai con dâu bà đã hóa giải được mâu thuẫn. Cũng may, con dâu bà sau vấp ngã, biết được lỗi lầm và tấm lòng của bà nên đã cố gắng sửa sai.

Mỗi lần đến nhà các con chơi, nhìn thằng cháu nội thông minh, lớn nhanh như thổi, bà lại nhủ thầm: “Bà vì cháu nên mới giữ mẹ cháu lại đấy nhé. Chứ mẹ cháu cũng nhiều tội đáng bị đánh đòn lắm, biết không?”.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.