Vì tiền cạn cả tình thân
(PNTĐ) - Tôi đi qua nhà của ông Tám, thấy có tiếng người ho khù khụ bên trong. Cửa nhà không khóa, tôi đẩy cửa bước vào. Ông Tám đang co ro nằm trên giường...
- Ông Tám, ông Tám ơi. Ông ốm phải không? Sao ông lại nằm ở đây một mình? Ông đã gọi cho các con, cháu tới chưa? Ông đưa số điện thoại đây, cháu sẽ gọi giúp ông?
Tôi hốt hoảng chạy lại chỗ ông Tám nằm. Đưa tay lên chạm vào trán ông, tôi phát hiện ông đang sốt cao. Mấy hôm nay trời trở lạnh, người già như ông khó mà thích nghi kịp. Chẳng biết ông sốt từ lúc nào, đến giờ đã ăn uống gì chưa... nhưng ông ở nhà một mình như thế này thật nguy hiểm.
- Thôi, con đừng gọi cho các con, cháu ông. Ông không muốn phiền tới chúng nó. Giờ, ông chỉ muốn về với tổ tiên thật nhanh. Các con, cháu ông chắc cũng muốn điều đó.
Tôi vội gạt ý nghĩ tiêu cực đó trong đầu ông Tám:
- Không đâu ông ơi, con cháu nào cũng phải yêu quý ông bà, cha mẹ mình chứ. Có thể là các anh chị bận công tác nên không thường xuyên qua lại thăm ông được. Ông đừng giận con cháu nữa nhé...
Nhưng ông Tám vẫn lắc đầu, kiên quyết không cho tôi gọi điện báo cho con cháu ông là ông bị ốm. Tôi miễn cưỡng nghe lời ông. Rồi tôi dặn ông nằm nghỉ, trong lúc tôi về nhà nấu cho ông bát cháo nóng.
Một lúc sau, ông Tám tỉnh táo hơn. Ông nói tôi giúp ông ngồi dậy cho người đỡ mỏi rồi từ từ kể lại cho tôi ngọn ngành câu chuyện buồn trong gia đình ông.
- Các con, cháu giận ông cũng chỉ vì tranh chấp chút tài sản mọn, con ạ.
Qua lời kể ngắt quãng, thều thào của ông Tám tôi đã có thể hình dung ra cơ sự. Ông Tám có 2 người con, anh con cả sau khi lập gia đình thì ở chung nhà với ông. Chị con gái sau lấy chồng ở tận miền Nam, vài năm mới ra Bắc một đôi lần thăm nhà. Nhưng rồi ít năm trước, trong xóm bỗng thấy chị dẫn con về nhà ông Tám ở. Ấy là chị đã ly hôn chồng. Cuộc sống chung đông người chắc là phức tạp nên một thời sau, mẹ con chị lại dời đi.
Bây giờ ông Tám kể tôi mới biết là chị dọn đến ở trên mảnh đất mà ông cho ở Phú Thọ. Chẳng là ông Tám từng dành dụm được một chút tiền, đất ở thành phố thì đắt quá nên ông mua ở đằng xa, được gần 100m2. Khu đất đó không có người trông nom nên cỏ mọc um tùm. Ông từng bảo anh con cả lên đó xây tường, cất tạm căn nhà nhỏ để thi thoảng lên thăm đất thì có chỗ nghỉ chân nhưng anh không chịu. Anh còn bảo đất này chó ăn đá, gà ăn sỏi, làm gì có giá trị mà bỏ tiền xây sửa cho phí.
Bao nhiêu năm trôi qua, mảnh đất giống như chút tài sản thừa chẳng được ai chú ý. Vì vậy, khi con gái ly hôn, ông quyết định để con gái dọn đến ở trên phần đất đó. Ông cũng đã hỏi ý kiến vợ chồng con trai thì anh chị đều đồng ý. Để cho con gái được ở danh chính ngôn thuận và cũng tiện tới lúc phải làm giấy tờ hợp pháp, ông làm luôn sổ đỏ của mảnh đất đứng lên con gái.
Lúc đầu, khi người em dọn về Phú Thọ, vợ chồng người anh còn rất mừng, động viên cô đi “kinh tế mới” sớm an cư, lạc nghiệp. Tuy nhiên, sau đó, khi phát hiện em gái được bố cho đứng lên mảnh đất, vợ chồng anh liền thay đổi thái độ.
- Chúng nói tôi là thiên vị. Chúng chỉ đồng ý cho em gái lên đó để giữ đất chứ không được sở hữu tài sản của bố. Một khi tôi đã quyết định chia tài sản thì phải họp gia đình và chia cho công bằng.
Rồi ông phân trần, so với con gái, con trai ông có kinh tế khá giả hơn nhiều. Hai vợ chồng anh đều đã tự mua được mấy mảnh đất to. Tuy nhiên, anh chị không ra ở riêng vì nghĩ vẫn còn có nhà của bố để ở. Hơn thế, từ ngày con gái chuyển ra Bắc, ông Tám có cảm giác vợ chồng con trai lớn càng bám trụ lấy nhà của bố để khẳng định chủ quyền. Anh chị lo nhỡ dọn đi rồi thì em gái sẽ chiếm lĩnh ngôi nhà, anh chị không còn đường quay lại.
- Mảnh đất đó bây giờ bán đi chắc cũng chỉ được khoảng 300 triệu, số tiền này tôi nghĩ vợ chồng thằng lớn chỉ kiếm vài tháng là đủ. Vậy mà nó vẫn bực tức, đòi phải hơn thua với em - ông Tám bùi ngùi.
Vợ chồng con trai ông đòi em gái ly hôn phải trả 150 triệu nếu không sẽ lên rào lại một nửa mảnh đất. Không chấp nhận được sự vô lối của con, ông tuyên bố đây là tài sản riêng của ông, ông có quyền chia cho con nào thì tùy. Ông thương con gái nghèo, lại lỡ dở, một nách nuôi 2 con nên mới chia cho con mảnh đất. Đây là ý của ông, con trai không có quyền ngăn cản hay phá phách.
Cô con gái ông thì bảo bố cho đất thì cô nhận, sao cô phải chia lại cho anh. Mẹ con cô dành dụm được 300 triệu, đã dựng được căn nhà tạm trên đất để ở. Xét về cả nhà và đất nay đều thuộc quyền sở hữu của cô. Nếu anh trai mà dám lên ngăn nhà, đất thì cô quyết liều chết.
Và từ đó, các con ông “nồi da nấu thịt”, không nhìn mặt nhau. Không uy hiếp được em gái, vợ chồng con trai ông quay sang đay nghiến, hành hạ ông. Họ nói ông yêu con gái thì từ nay gọi con gái xuống ở cùng mà chăm sóc, sum họp. Vợ chồng anh con trai còn cấm các con không được chào hỏi, giao tiếp với ông nội. Rồi họ đòi ăn riêng, mặc kệ ông muốn sinh hoạt, ăn uống thế nào thì tùy.
- Nhiều hôm tôi mệt, cơm chưa kịp nấu ăn, vợ chồng nó về nhà chỉ biết nấu cơm ăn uống vui vẻ một mình, bỏ mặc tôi nằm ngoài này trơ khấc, cô ạ.
Ông nói đến đây thì nghẹn lời. Uất quá, ông liền đuổi các con ra khỏi nhà. Đây là nhà của ông, bao năm ông nuôi con lớn, chúng chưa báo hiếu ông được ngày nào, giờ lại còn làm ông thêm khổ. Vợ chồng con trai ông không hề ân hận mà ngày hôm sau, dọn đi luôn.
Nhà ông ở gần cuối ngõ nên ít người qua lại. Tôi là hàng xóm thân thiết, thi thoảng đi ngang qua thì ghé vào hỏi thăm ông. Lúc vợ chồng con trai ông chuyển đi, tôi cứ ngỡ là anh chị làm ăn phát đạt, muốn ở riêng nên cũng mừng. Giờ thì tôi mới hiểu mọi chuyện.
- Thế vợ chồng con trai ông dọn đi hẳn luôn ạ? Họ giận ông tới mức không quay về thăm ông nữa sao?
- Nó đi được 2 tháng rồi. Từng đó ngày, con trai ông chỉ về thăm ông 1 lần. Con dâu thì tuyệt nhiên không. Còn các cháu thì thi thoảng được bố mẹ nó thuê xe ôm đưa về chơi, nhưng nhanh nhanh chóng chóng lại đi luôn vì xe ôm vẫn nổ máy đợi ở đầu ngõ. Vợ chồng con trai bảo, vì tôi đã thương con gái thì cũng hãy coi như không còn đứa con trai nào. Cho tới khi nào tôi thu hồi sổ đỏ mảnh đất đã cho con gái thì chúng mới tha thứ.
- Vậy bây giờ, còn ngôi nhà này thì ông tính sao ạ?
- Ông buồn lắm con ạ. Mảnh đất ít giá trị ở nơi xa tít tắp kia mà chúng còn xâu xé nhau, thì với ngôi nhà này sẽ thế nào. Đã có lúc ông nghĩ, hay là xung công, chẳng cho con nào nữa cho đỡ mệt mỏi, con ạ.
Tôi ôm lấy ông, thấy người ông rung lên bần bật. Ở vào tuổi đã sắp gần đất xa trời, một người đàn ông như ông phải khóc như thế này thực sự phải rất đau lòng rồi.