Việc hủy đơn mua hàng online sau khi đặt cọc theo quy định pháp luật

Chia sẻ

Câu hỏi
Vì đang thực hiện giãn cách xã hội, nên tôi đã tìm hiểu và đăng ký mua chiếc tủ lạnh trên một website bán hàng. Ngay sau đó, tôi nhận được thư điện tử từ website bán hàng này, trong đó nêu rõ, tôi phải chuyển tiền đặt cọc để họ giao hàng. Cho tôi hỏi nếu tôi đặt hàng như trên, sau khi đặt cọc mà muốn thay đổi, từ chối nhận hàng có được hay không?

Đào Thị Loan (Hoài Đức, Hà Nội)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trả lời
Bạn đặt hàng như trên có thể được coi là đề nghị ký kết hợp đồng mua bán, chịu sự ràng buộc với các điều kiện được ghi trên website do người bán hàng đặt ra. Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Trước khi ký kết hợp đồng, có thể một trong các bên đề nghị giao kết hợp đồng như trường hợp bạn đăng ký mua tủ lạnh trên website bán hàng.

Theo khoản 1 Điều 386 Bộ luật Dân sự năm 2015, “đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị)”.

Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau:

- Do bên đề nghị ấn định;

- Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Các trường hợp được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng, bao gồm:

- Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;

- Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;

- Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.

Bạn đăng ký mua chiếc tủ lạnh trên website của người bán hàng, nhận được phản hồi bằng email từ họ có nghĩa là đề nghị giao kết hợp đồng của bạn đã có hiệu lực. Về nguyên tắc, trên website sẽ có các thông tin liên quan đến hàng hóa mua bán, nhưng đơn hàng được lập sẽ xác định các nội dung của hợp đồng mua bán. Thông thường, mua hàng tại các website còn có thủ tục xác nhận đơn hàng.

Việc thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này như sau:

“1. Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp sau đây:

a) Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;

b) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.

2. Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đó là đề nghị mới”.

Căn cứ quy định nêu trên, nếu bạn đã chuyển khoản tiền đặt cọc thì không thuộc trường hợp thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Theo khoản 1 Điều 328 của Bộ luật này, “đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”.

Nếu bạn đã chuyển khoản tiền đặt cọc, sau đó từ chối nhận hàng, số tiền đặt cọc đó sẽ thuộc về người bán hàng. Bởi vì, khoản 2 của Điều này quy định: “trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Thời gian qua, thương mại điện tử phát triển với tốc độ rất nhanh, làm thay đổi thói quen của nhiều người tiêu dùng. Mặc dù pháp luật quy định người bán hàng có trách nhiệm bảo đảm chất lượng hàng hóa, tuy nhiên để mua được hàng có chất lượng người mua cần tìm hiểu kỹ thông tin về mặt hàng mình định mua, đặc biệt nên liên hệ với nơi bán hàng chính hãng, có uy tín, có chính sách bảo hành để quyết định.

Luật sư Hồng Hải

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.