Việc lớn của con trai

Chia sẻ

Hôm đó, ngay trong ngày giỗ ông, bà nội tôi đã nổi giận với mẹ. Từ ngoài sân, tôi nghe thấy bà nói: “Lần sau, nếu con không làm thì để mẹ làm. Thằng Thắng sinh ra không phải để đứng ở đây”.

Thằng Thắng chính là tôi, cháu nội đích tôn của bà. Còn nơi bà nói tôi sinh ra không phải để đứng ở đó, chính là trước bồn rửa bát. Sau bữa giỗ, tôi đã nhanh nhảu giúp mẹ dọn bàn, bê bát ra bồn rửa và rửa bát thay mẹ. Tôi thấy việc này hoàn toàn bình thường. Mẹ tôi đã phải dậy sớm đi chợ, nấu cỗ cho mấy chục người ăn. Chị gái tôi thì bận học nên sau bữa cỗ đã vội tới trường. Chỉ còn tôi là khỏe chân khỏe tay, lại chẳng vướng bận gì nên tôi nhận rửa bát. Không ngờ, việc này lại làm bà tôi nổi giận.

Bà vội chạy ra sân, không cho tôi tiếp tục chạm vào những chiếc bát bẩn. Bà bảo: “Cháu lên nhà uống nước với các bác. Bà sẽ rửa bát thay cho cháu”. Thấy tôi ngần ngừ, bà kéo tuột tôi vào nhà. Sau đó thì đến câu chuyện giữa bà và mẹ. Tất nhiên là mẹ tôi không bao giờ để cho bà rửa bát được. Mẹ tôi nói: “Thôi mẹ để con rửa, mẹ cứ lên nhà đi ạ”.

Tôi nghe tiếng bước chân nặng nề của bà thì biết là bà đang rất giận mẹ. Tôi cũng biết mẹ tôi lúc đó cũng buồn lắm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày còn nhỏ, gia đình tôi sống cùng ông bà nội. Tôi đã quen nhìn bà nội và mẹ tôi, sau này là chị gái tôi tất bật với công việc nội trợ. Ông nội, bố tôi và tôi thì gần như không phải đụng chân đụng tay vào bất cứ việc gì trong nhà. Bởi ông bà nội tôi quan niệm, bếp núc là chuyện của đàn bà. Còn đàn ông con trai sinh ra là để làm những việc lớn ngoài xã hội. Bà nội tôi dù có mệt đến mấy, ốm đến mấy cũng chưa từng nhờ ông tôi nấu giúp bà một bữa cơm.

Cách đây 3 năm, gia đình tôi dọn ra ở riêng tại một căn hộ nhỏ ở gần nhà bà. Cũng từ đó, chúng tôi bắt đầu sắp xếp cuộc sống của riêng mình. Bố tôi làm trong lĩnh vực cầu đường nên thường xuyên phải xa gia đình. Mẹ tôi đóng vai trò vừa làm mẹ, vừa làm bố của hai chị em tôi. Mẹ tôi giỏi đi chợ, biết nấu ăn ngon và cũng biết tự tay sửa đường ống nước, thay chiếc đèn điện bị cháy, thau bể nước ăn… Trong mắt bà tôi, những việc mà một người phụ nữ như mẹ có thể làm ấy là đương nhiên. “Người phụ nữ phải lo quán xuyến gia đình để người đàn ông yên tâm đi kiếm tiền”, bà tôi nói. Thi thoảng, bố tôi có về chơi thì bà cũng luôn có ý dặn mẹ tôi phải chăm sóc bố, để bố được nghỉ ngơi. Bà không muốn mẹ tranh thủ có bố về là nhờ bố việc này việc kia.

Thế nhưng, nhìn mẹ vất vả, một đứa con trai như tôi thấy mình sao đó. Tôi không thể an lòng nằm khểnh xem ti vi trong khi mẹ tôi phải vất vả một mình dưới bếp. Tôi cũng chẳng thích thú gì khi chị gái tôi luôn bị nhắc nhở vì để nhà cửa không gọn gàng trong khi tôi cũng là người bày bừa. Thế là tôi quyết định mình cần giúp đỡ mẹ và chị gái. Chiều đến, tôi thay chị gấp quần áo, quét nhà. Sau bữa cơm, tôi bê mâm bát đi rửa. Mẹ và chị gái bận, tôi có thể vào bếp nấu cơm, dù là không ngon như mẹ và chị nấu. Tôi cảm thấy khi chúng tôi cùng nhau chia sẻ việc nhà thì mọi người đều thấy vui vẻ, hạnh phúc.

Nhưng, đó là khi chúng tôi ở riêng. Còn với bà nội tôi, việc này không thể chấp nhận. Sau lần đầu tiên thấy tôi rửa bát, bà không chỉ phê bình mẹ mà còn gọi điện cho bố tôi, nó bố phải để mắt đến tôi nhiều hơn. Bà muốn bố dạy cho tôi hiểu rằng, tôi là đàn ông và đàn ông thì không làm việc nhà.

Hôm đó trở về nhà, mẹ tôi nói tôi hãy thông cảm cho bà. Thế hệ của bà đã lớn lên với suy nghĩ như vậy. Bà tôi đã ngoài 80 tuổi, gần như trọn cuộc đời bà đã hoàn thành xuất sắc vai trò của người nội trợ của gia đình. Giờ, để có thể thay đổi được bà thật khó. Tuy nhiên, mẹ tôi mừng vì tôi đã có suy nghĩ tiến bộ, tự tôi thấy rằng việc áp đặt phụ nữ sinh ra chỉ để rửa bát quét nhà là không công bằng. Và cũng không thể nói rằng, đi làm kiếm tiền là cao quý hơn ở nhà nội trợ.

Tôi đồng ý với mẹ là không nên giận bà. Tôi cũng biết, sẽ còn nhiều việc phải làm để có thể “lấy lại công bằng” cho người phụ nữ cũng như giúp những người phụ nữ nào còn suy nghĩ như bà tôi thay đổi quan niệm. Nhưng, không sao, tôi tin rằng, mọi sự thay đổi đều cần có điểm khởi đầu và tôi muốn mình sẽ là một trong những điểm khởi đầu ấy.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.