Vợ anh áo rách, buồn không?

THƯƠNG HUYỀN
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Vợ anh áo rách anh thương/Vợ người áo gấm xông hương mặc người”. Thắng thường đọc mấy câu thơ vui ấy để tự an ủi và dặn mình phải “dằn lòng lại”. Nhưng mỗi lần nhìn vợ lôi thôi luộm thuộm, Thắng chỉ muốn thở hắt ra. Trong khi đó, ngó sang nhà bên, thấy vợ người cứ “long lanh” mà Thắng chạnh lòng.

Trưa nay cũng vậy, đi làm về, Thắng thấy Đào đang nằm trên giường nghỉ trưa. Nhìn cách vợ nằm co ro, Thắng biết vợ mệt lắm. Từng đó năm sống bên nhau, Thắng ghi nhận vợ luôn hết lòng cho gia đình. Cô làm mọi việc, nhẹ có, nặng có mà chẳng hề kêu ca, phàn nàn. Lắm lúc, Thắng còn quên rằng vợ mình là phận liễu yếu đào tơ.

Nghĩ tới vợ, Thắng tự nhủ tại anh chưa giỏi như chồng người để có thể lo cho vợ con một cuộc sống tươm tất. Thắng làm chuyên viên ở cơ quan Nhà nước, vất vả thì không vất vả nhưng lương tháng chỉ ở mức đủ tiêu chứ không có nhiều để tích lũy. Vì vậy, từ bao giờ, Đào cũng phải chung sức cùng chồng mưu sinh. Khi thì cô chạy chợ, rồi bán hàng online kiếm đồng ra đồng vào.

Nhưng hình như, nỗi lo mưu sinh đeo bám lại đang biến Đào ngày càng trở nên xuề xòa. Cô gần như không bao giờ để ý đến vẻ bề ngoài của mình. Với cô, mua thêm được mớ rau, con cá cho bữa ăn gia đình quan trọng hơn mua cho mình bộ quần áo ngủ. Cô còn tiết kiệm cả thời gian chải tóc cho gọn gàng, hễ bước ra khỏi giường là hai bàn tay như hai cái bàn cào ngào ngào lên đầu rồi buộc túm lại cho xong. Chẳng thế mà lắm hôm còn chưa tỉnh ngủ hẳn, Thắng giật mình khi trong nhà có một bà vợ tóc tai bù xù, rối tung đi đi lại lại. Nói là vợ giống ma dại thì hơi quá đáng, nhưng cũng có “họ hàng” với mấy người “tay nhặt lá, chân đá ống bơ”.

Cũng từ bao giờ, Đào “xâm chiếm” luôn tủ quần áo của Thắng. Cô bảo, em và anh bây giờ nặng cân như nhau, dáng cũng tròn trịa như nhau thì việc gì mà phải… mua hai loại quần áo. Anh mặc gì thì em cũng mặc nấy. Và thế là, đồ mặc nhà của Đào cũng chính là quần xà lỏn, rồi áo phông, áo may ô của chồng… Nhiều lúc nhìn ra dây phơi quần áo, thấy từ đầu chí cuối chỉ toàn may ô, quần cộc mà anh còn có cảm giác hay là mình đang sống cùng với một người đàn ông chứ không phải là vợ “xịn”.

Vợ anh áo rách, buồn không? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đào ở nhà đã vậy, ngay cả đi ra đường cô cũng “sống chết mặc bay”. Cô thường lấy lý do, em có đi làm Nhà nước đâu, tuần một lần về nhà nội, nhà ngoại thì mặc sao chẳng được. Thế là vớ được bộ nào trước tiên trong tủ là cô mặc bộ đó, thậm chí quần áo nhăn nhúm cô cũng chẳng thèm là lượt. 

Đào đã quên rằng, người vợ biết làm đẹp không chỉ cho bản thân mà còn vì chồng. Ông chồng nào mà chẳng thích khoe vợ, thích nghe khen lấy được vợ xinh. Nhưng Thắng thì chả biết giấu mặt vào đâu vì bộ dạng của vợ. Mấy lần Thắng đã góp ý vợ, quần áo phụ nữ có đáng bao nhiêu đâu, em không có tiền mua đồ sang trọng thì mua đồ bình thường. Rồi Thắng còn ám chỉ cả việc đàn ông yêu bằng mắt, nếu thấy vợ mình xinh xắn, thơm tho, gọn gàng đi lại trong nhà thì ai mà chẳng yêu vợ. Nghe Thắng nói xong, Đào không những không chịu hiểu ra, lại còn phụng phịu bảo Thắng hay là đã thay lòng đổi dạ rồi. Vợ chồng sống với nhau bằng cái nghĩa, yêu tính nết, bản chất con người của nhau chứ sao lại đi yêu… tấm áo manh quần. Thắng bó tay với kiểu tư duy đó của vợ. 

Sự xuề xòa của vợ Thắng thấy bây giờ còn lây sang cả hai con. Hai vợ chồng Thắng có hai con, một gái, một trai. Cô con gái lớn giờ 5 tuổi còn thằng em lên 3. Vẫn với suy nghĩ “Ở nhà mặc sao mà chẳng được”, cứ đồ con gái lớn mặc chật là vợ Thắng giữ lại để cho thằng em mặc cho tiết kiệm, bất chấp giới tính. Ai đời thằng em cũng mặc cả váy của chị, rồi đi dép nơ hồng. Chỉ khi nào ra khỏi nhà, Đào mới chịu thay cho con cái áo phông, quần đùi.

Thắng đã dặn vợ đừng cho con mặc lẫn lộn quần áo, kẻo sau này ảnh hưởng tới giới tính, suy nghĩ của con. Nhưng, Đào ừ đấy mà đâu có làm theo, còn Thắng thì bận rộn đi làm cả ngày. Với Đào, trẻ con chưa biết gì, hơn thế, kể cả nó có nhận thức thì cũng mặc kệ. Đào quan tâm trên hết tới việc tiết kiệm được một vài trăm mua quần áo cho con trai.

Biết là Đào tiếc tiền nên Thắng quyết định sẽ mua đồ tặng cho vợ, gọi là “tiền trảm hậu tấu”. Sinh nhật năm đó, Thắng trích một phần lương rồi mua cho vợ thỏi son với mong muốn cô trang điểm cho đẹp lên. Đôi môi kia nếu được tô hồng lên một chút, thay cho màu sắc tái nhợt thì sẽ xinh lắm. Ai ngờ, vừa nhận đồ từ chồng, Đào không những không cảm ơn anh mà còn rít lên. Cô bảo là anh phí tiền, vì cô vẫn còn son. Rồi Đào lôi từ trong ngăn kéo tủ ra một thỏi son chẳng biết được sản xuất từ đời nào, bên trong son đã chảy nước. “Chẳng sao cả, em vẫn dùng được. Son chứ có phải đồ ăn đâu mà sợ hết hạn sử dụng”. Thỏi son Thắng mua cho, vì không trả lại cửa hàng được, Đào đành miễn cưỡng nhận với vẻ mặt chẳng vui vẻ gì. Rồi cô còn kèm theo lời dọa Thắng: “Anh chỉ được mua nốt lần này thôi đấy. Thỏi này em sẽ để dành, khi nào hết thỏi son kia em mới dùng cho khỏi phí phạm”.

Vợ anh áo rách, buồn không? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Lại có lần, Thắng đặt trước chỗ ở cửa hàng cắt tóc để vợ chỉ việc đến tân trang. Anh còn cẩn thận dặn chủ cửa hàng tuyệt đối không được thu tiền làm tóc của Đào, mà nếu Đào có hỏi giá thì cứ giảm đi một nửa cho Đào đỡ xót. Còn sau đó, chi phí “cải tạo” vợ hết bao nhiêu, Thắng sẽ trả hết. Ấy thế mà sau đó, Đào vẫn khăng khăng không cho ai động vào bộ tóc rối bời, vừa thô vừa xơ của mình. Đào bảo cắt tóc ngắn thì nóng, mà làm tóc xoăn thì phải mất thời gian uốn, hấp. Với Đào, bất cứ cái gì “đắp” lên người cô cũng là phí phạm, uổng công.

Tháng trước, một người họ hàng bên nhà Đào ở nước ngoài về, nhờ Đào đưa đi chơi chợ Đồng Xuân. Tiếng là ở ngay Hà Nội nhưng vợ chồng Đào có mấy khi đi nơi nọ nơi kia đâu. Thắng tiện thể dúi cho Đào ít tiền, bảo cô ra chợ đó cái gì cũng có thì xem có gì đẹp mà mua, không phải cái áo thì cũng mua lấy tấm khăn, cái cặp tóc… Đào cầm tiền của Thắng, nhưng khi về thì hớn hở bày ra nhà cả một đống… cá khô. Thì ra Đào khen ở chợ Đồng Xuân bán cá sỉ giá rẻ hơn mấy lần mua ngoài chợ dân sinh. Tiền Thắng đưa Đào “quy ra cá khô” hết, coi như vợ chồng có đủ lương thực đủ cho vài ba bữa. Đào vẫn chẳng chịu mua thứ gì mới cho mình.

Biết tính vợ khó “cải tạo” vậy, Thắng đành phải chịu. Song, cái bản tính đàn ông chỉ lối, nhiều lúc nghĩ tới những người bà vợ xinh xắn, thơm tho khác Thắng lại buồn. Vợ chồng Thắng còn khó khăn, nhưng so với nhiều người, vẫn còn tươm tất chán. Thắng không có tiền mua nhà , xe đẹp chứ không lẽ, chẳng mua nổi cho vợ tấm áo, manh quần cho vừa vặn, đẹp đẽ. Thắng nghĩ tới cô bán bánh mì ở đầu ngõ, mẹ đơn thân nuôi hai con, sáng nào cũng dậy từ tờ mờ để dọn hàng, còn tối thì hì hụi bên nồi pate  tự làm. Vậy mà lúc nào, cô ấy cũng cười tươi, đầu tóc gọn gàng, quần áo chẳng sang trọng đắt tiền gì nhưng vừa vặn khuôn người, là lượt thẳng thớm. Vì thế mà quán ăn của cô lúc nào cũng đông khách. Thắng nghĩ, sao người ta cũng vất vả mưu sinh mà còn làm được như vậy, còn  vợ Thắng thì không?

Thắng  nghĩ mình có thể nhịn một bát cơm mỗi bữa. Mâm cơm cũng có thể bớt đi chút thịt, cá cũng chẳng sao. Anh chỉ cần được nhìn thấy vợ mình đẹp đẽ, tinh tươm, mà lại khó vậy sao?

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.