Vợ chồng có phải “liên minh lợi ích”?

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sau lễ cưới, tôi mới thực sự hiểu ra câu nói của anh trai mình. Lúc còn ở nhà, anh thường cục cằn, lạnh lùng, chẳng có câu nào nghe ngọt ngào. Trước ngày cưới, anh còn bảo thẳng: “Chỉ sau vài hôm là cô rớt xuống mặt đất ngay, tổ chỉ ấm khi có tiền; hạnh phúc là “liên minh lợi ích” mà…”. Tôi nghe xong thì cười mỉa, anh ấy lúc nào chả thế, chẳng bao giờ nhìn cuộc sống tươi sáng cả.

Nhưng từ ngày lấy chồng xa, vậy mà ngày nào tôi cũng liên lạc với anh, nhất là khi có mạng xã hội. Ban đầu, chị dâu tôi còn tỏ vẻ khó chịu trước những tiếng “tinh tinh” trong điện thoại chồng, mà lại không phải là “biến động số dư” tài khoản. Dần dà, chị dâu tôi cũng phải chào thua một cô em chồng nhiều chuyện và nhiều tâm sự như tôi.

Thật ra, lý do là vì càng ngày tôi càng thấm thía cái gọi là “hiện thực phũ phàng” mà anh trai tôi nhắc đến. Có lẽ hai tiếng vợ chồng sau ngày chúng tôi sinh con đầu lòng đã mang một nghĩa khác chứ không còn lãng mạn như trong tuần trăng mật. Con thức đêm, con ốm, con mọc răng, con đi tiêm… tất thảy những thứ đó đều được quy ra quyền và nghĩa vụ. Anh chẳng còn ga lăng, vị tha nữa mà cũng ích kỷ, toan tính như bất kỳ người nào ngoài chợ.

Vợ chồng có phải “liên minh lợi ích”? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Lắm lúc tôi tự hỏi: Người đàn ông đang nằm trên giường cùng mình là ai? Nhiều lần gọi về cho anh, tôi khóc nấc lên: “Nếu có kiếp sau em sẽ không lấy chồng”. Anh tôi cười bảo: “Nếu có ngàn kiếp sau thì cô sẽ yêu ngàn thằng khéo mồm khác nhau”. Tôi càng thất vọng, chẳng lẽ cả thế giới này đều chịu quy luật đó sao? 

Một ngày, chồng tôi xách va ly lên đường nói là đi công tác dưới huyện cả tuần. Tôi không vui, không buồn. Tối đến, con tôi sốt đến gần 400C phải gọi taxi đưa đi viện. Sáng hôm sau, khi đang chặt thịt gà nấu cháo cho cháu đích tôn, mẹ chồng tôi vô ý chặt vào ngón tay một vết khá sâu. Chưa dừng ở đó, bố chồng tôi từ đâu về đang đi trên hè lại đá phải chiếc móc của miếng bê tông nắp cống làm ông ngã, gãy răng cửa và bị thương vùng ngực… Liên tiếp các sự kiện như một chuỗi bi kịch làm tôi cảm giác ngạt thở. Tôi ban đầu không định gọi anh, tôi nghĩ mình có thể làm được tất cả nhưng đến khi cảm thấy lá phổi của mình như không còn hoạt động, tức ngực, khó thở… (vì lúc đó tôi mới bị Covid-19 chưa lâu), thì bầu trời như sụp xuống. Anh nói bận không thể về. Nói tôi tự xoay sở.

Sau mười năm, khi đã lấy lại được sự cân bằng, tôi hiểu ra một điều: Thật ra, gia đình vừa là những gì thực tế nhất nhưng cũng lãng mạn, bay bổng nhất. Thực tế bởi nếu không giải quyết được những thách thức đặt ra sẽ gây nên những rắc rối từ chuyện kinh tế, việc nhà đến nuôi dạy con cái hay chia sẻ công việc, lo âu của vợ chồng. Nhưng nếu biết cách tháo gỡ, biết cách thu xếp thì hạnh phúc lại xuất hiện từ trong những lo toan mắm, muối, tương, cà ấy.

Vợ chồng có phải “liên minh lợi ích”? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Có người từng ví đời sống gia đình như những cọng rơm khô cằn sau mùa thu hoạch. Tuy nhiên, để nó ngấu và mọc nên những cây nấm giàu vitamin hay mục rữa ra là do bàn tay của chính chúng ta tạo nên như chính nữ thi sĩ Xuân Quỳnh từng viết: 

Nhưng lúc này anh ở bên em
Niềm vui sướng trong ta là có thật
Như chiếc áo trên tường như trang sách
Như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà

Em hiểu rằng mỗi lúc đi xa
Tình anh đối với em là xứ sở
Là bóng rợp trên con đường nắng lửa
Trái cây thơm trên miền đất khô cằn

                                      (Nói cùng anh)

Thực ra, tất cả mọi điều tốt đẹp phải đến từ sự chân thành. Dù là việc nhỏ nhất, việc đơn giản nhất cũng cần thể hiện sự quan tâm, chăm sóc với nhau. Một chiếc áo được là phẳng phiu trước khi đi làm, một viên thuốc, bát cháo lúc ốm đau cũng trở thành cái nghĩa, cái tình sâu nặng. Bởi thế, cần một “liên minh” của sự chia sẻ, cảm thông, thậm chí là “chịu” được sự ương bướng, gai góc, lắm điều của nhau khi xảy ra các tình huống trong cuộc sống thì mới có được hạnh phúc. Với mỗi người đàn ông, mỗi người đàn bà họ lại có cách thể hiện tình cảm khác nhau, sự chịu đựng khác nhau. Bởi lẽ đó cần có cách tạo ra mối dây liên hệ sao cho phù hợp nhất để không bị mang tiếng là “bà la sát”, là “ăn ít, nói nhiều”, là “cảnh sát”… nhưng cũng không để hai tiếng “vợ chồng” trở nên mơ hồ, vô trách nhiệm trong cuộc sống này. 

Vợ chồng có phải “liên minh lợi ích”? - ảnh 3
Ảnh minh họa

Dù gì, quan hệ vợ chồng vẫn không thể là công thức cứng nhắc kiểu 1+1=2 mà phải có dôi dư nhưng không để hao hụt. Nghĩa là, có sự nhún nhường nhau nhưng không dung túng, không cam chịu. Trong hôn nhân giữa hai vợ chồng cần sự phân định rạch ròi vợ làm gì, chồng cần có trách nhiệm gì. Chính sự rõ ràng đó lại tạo ra hạnh phúc chứ không làm mất đi tình cảm. Nhờ điều này mà cả hai bên đều cảm thấy được tôn trọng, không còn ấm ức, bực dọc dẫn đến rạn nứt tình cảm gia đình. 

Richard L Evans từng nói: “Chẳng bao giờ có loại thuốc bổ chữa được những căn bệnh xã hội hữu hiệu tốt hơn một mái ấm khỏe khoắn và hạnh phúc. Chẳng bao giờ có nguồn ổn định xã hội lớn hơn một gia đình yêu thương và biết cảm thông. Chẳng bao giờ có cách giúp trẻ em hạnh phúc tốt hơn lời tâm tình của bậc cha mẹ sáng suốt và trìu mến”. Sự ổn định giúp bạn biết chọn cách xây dựng tương tác với bạn đời như thế nào. Nếu tình yêu là con đường dẫn đến ngôi nhà hạnh phúc thì bạn cần có thêm cách tiếp cận hạnh phúc như cách ta mở cánh cửa đó như thế nào. 

Vợ chồng có phải “liên minh lợi ích”? Câu trả lời sẽ đến từ cách mà bạn lựa chọn và thực hiện nó trong cuộc sống của mình. Không chỉ có tình cảm lãng mạn mà chính trách nhiệm cũng là cách để tạo nên thứ tình cảm gắn bó sau lễ cưới, sau khi sinh con và trên chặng đường đời về sau của những cặp vợ chồng…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hồi sinh

Hồi sinh

(PNTĐ) - Cái tin ông Chiến trở về khiến làng xóm xôn xao bàn tán. Căn nhà ngói ven đê của mẹ con bà Thơm lúc nào cũng tấp nập người đến thăm. Họ đến chia vui với gia đình, nhưng có lẽ cũng vì tò mò.
Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.