Vợ chồng không... “hợp nhất”

Hạ Thi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nửa đêm, anh tắt máy tính rồi nằm dài trên chiếc ghế dựa ở phòng làm việc thay vì trở về phòng ngủ cùng vợ. Không biết bao nhiêu lần, anh trải qua tâm trạng này với câu hỏi canh cánh trong lòng: Vợ chồng rồi sao chẳng thể “hợp nhất”?

Trai quê lấy vợ thành phố

Anh xuất thân trong một gia đình khó khăn ở một vùng quê nghèo. Có lẽ do cái nghèo nên nuôi dưỡng ý chí học hành, vươn lên mạnh mẽ trong anh. Để con đường học đại học không nặng gánh cha mẹ, anh thi vào khối quân sự. Tốt nghiệp ra trường, anh được nhận vào làm ở một đơn vị quân đội. Thu nhập ổn định, cuộc sống của anh và gia đình ở quê khấm khá hơn trước.

Ngân công tác trong một tổ chức chính trị-xã hội, hoạt động đoàn thể mạnh mẽ. Đơn vị anh kết nghĩa với cơ quan của Ngân nên thỉnh thoảng hai bên lại có những hoạt động giao lưu. Những lúc ấy, anh được phân công làm đầu mối để Ngân sang trao đổi phối hợp lên các kế hoạch hoạt động báo cáo lãnh đạo. Vì thế, họ có điều kiện gặp gỡ, rồi yêu nhau. Tuy nhiên khi công khai chuyện tình cảm với hai gia đình thì người thân của anh lẫn Ngân đều phản đối. Bởi anh là “trai quê” còn Ngân là “gái phố”. Điều kiện sinh ra cũng như hoàn cảnh sống của hai người khác nhau hoàn toàn. Bố mẹ Ngân muốn kén rể thành phố cho môn đăng hộ đối, còn bố mẹ anh cũng ngại làm thông gia với người thành thị. Hai bên đều có cái lý của mình nên chẳng ủng hộ chuyện tình cảm của con cái.

Vợ chồng không... “hợp nhất” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhiều lần về quê, bố mẹ nói về trách nhiệm con trưởng của anh, về mong muốn nàng dâu trưởng đảm đang, hiểu nết quê để giữ nếp nhà chồng. Vì thế, mỗi lần nhắc đến Ngân, bố mẹ anh lại thể hiện sự lo lắng khi cô sống cảnh tiểu thư từ bé, làm sao mà thích ứng với công việc nhà chồng. Nhưng, anh lúc nào cũng bảo vệ Ngân, bảo cô sẽ học từ từ và trở thành nàng dâu tốt. Cả hai “sống chết” bảo vệ tình yêu của mình khiến người lớn lâm vào cảnh “đất không chịu trời thì trời phải chịu đất”.

Cứ tưởng nhận được sự đồng ý của gia đình thì mọi thứ sẽ suôn sẻ, nhưng khi tiến hành việc cưới hỏi, sự phân biệt quê và thành thị lại tiếp tục diễn ra. Nhà gái muốn tổ chức đám cưới ở thành phố thay vì tổ chức ở nhà trai dưới quê. Phía nhà trai thì giữ nguyên quan điểm, đám cưới phải tổ chức ở quê để làng xã, họ hàng chung vui, không thể theo nhà gái lên thành phố chỉ dăm ba mâm đại diện. Cuối cùng, đám cưới của anh diễn ra hai lần vào hai ngày khác nhau. Lần thứ nhất tổ chức ở quê theo ý nhà trai và lần thứ hai tổ chức ở thành phố theo ý nhà gái. Đám cưới ở quê, đại diện nhà gái về đúng một mâm cỗ - 6 người, và ngược lại đám cưới ở thành phố, nhà trai cũng chỉ đến dự chừng đó người.

Sau khi cưới, vì anh làm ở thành phố nên vợ chồng không về quê sống chung cùng bố mẹ. Điều này, bố mẹ anh chẳng thể có ý kiến. Chỗ ở đã có căn nhà bố mẹ Ngân mua cho con gái làm của hồi môn. Ngân không phải làm dâu hàng ngày, mỗi năm về quê chồng chỉ một lần duy nhất vào dịp Tết nên va chạm với nhà chồng không nhiều. Còn lại, công to việc lớn gì, cô đều khéo léo gửi tiền về “nhờ” bố mẹ chồng làm giúp.

Vợ chồng không... “hợp nhất” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tài sản ngăn đôi vợ chồng

Bố mẹ vợ sinh được một trai, hai gái, Ngân là con gái út. Anh trai và chị gái đều nghe lời bố mẹ lấy vợ, lấy chồng người thành phố môn đăng hộ đối, chỉ có Ngân là cãi lời họ lấy chồng ở quê. Từ ngày lấy Ngân, dù bố mẹ vợ chấp nhận anh là con rể nhưng vẫn có sự phân biệt nhất định. Ranh giới “nhà quê” và “thành phố” được ông bà quán triệt luôn cả với vợ anh. Ở quê anh, con gái lấy chồng thì phải theo chồng, cắt khẩu ở nhà bố mẹ đẻ,  nhập khẩu về nhà chồng, nhưng vợ anh thì không. Khi đăng ký kết hôn, bố mẹ Ngân yêu cầu anh phải làm thủ tục đăng ký kết hôn ở phường họ đang cư trú thay vì về quê đăng ký. Kết hôn xong, hộ khẩu của vợ anh vẫn ở nhà bố mẹ đẻ với lý do sống ở đâu thì hộ khẩu ở đấy.

Anh muốn vợ chồng chuyển khẩu về chung một nơi để vợ chồng “hợp nhất” một mối. Nếu Ngân không nhập khẩu theo chồng thì để anh nhập khẩu theo vợ. Thế nhưng, một lần nữa, vợ anh lại nghe bố mẹ, họ không muốn con rể nhập khẩu về nhà mình vì còn liên quan đến tài sản. Đến lúc này thì anh mới vỡ lẽ, hóa ra mọi việc cuối cùng vẫn là vấn đề tài sản. Ngôi nhà mà bố mẹ vợ cho con gái được họ mặc định trên giấy tờ là tài sản riêng của vợ anh. Hộ khẩu của Ngân vẫn ở nhà bố mẹ đẻ là để sau này tiện lợi trong việc thừa kế tài sản, còn con rể vẫn là “người ngoài”. Ngân được bố mẹ găm sâu tư tưởng đó vào đầu nên bất chấp mong muốn và cảm nhận của chồng về vấn đề hộ khẩu cũng như tài sản riêng của mỗi người. 

Hai đứa con của anh ra đời, khai sinh (nguyên quán) đều theo nơi sinh của mẹ vì theo hộ khẩu nhà ngoại. Ngân viện cớ là để tiện cho con học hành ở thành phố, nhưng anh biết nhà ngoại cũng đang vạch rõ ranh giới “nhà quê” và “thành phố” với anh một lần nữa. Bao nhiêu năm nay, trong gia đình, một mình anh hộ khẩu “nhà quê” còn vợ và hai đứa con hộ khẩu “thành phố”.

Vợ chồng không... “hợp nhất” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Nhà ngoại đất đai nhiều. Mỗi lần đầu tư, bán mảnh đất này, mua mảnh đất kia đều gọi con gái về họp, ký giấy tờ, phân chia lợi nhuận. Những lần đó, con rể như anh tất nhiên chẳng được tham gia vì chẳng có tư cách và quyền lợi gì trong đó. Có lần, Ngân về bên nhà ngoại họp gia đình rồi mang về gần 1 tỷ đồng, bảo bố mẹ cho. Sau đó, Ngân “báo” với chồng sẽ mua xe ôtô. Hôm sau, bố mẹ vợ cùng Ngân đi mua xe, trên giấy tờ, chủ sở hữu xe là ông bà chứ không phải vợ anh. Anh hiểu ý tứ sâu xa của vấn đề đó nên chẳng ý kiến gì thêm. Chỉ có điều, lòng anh mỗi ngày một nặng nề hơn trong cách ứng xử với vợ.

 Đôi khi anh có suy nghĩ, không biết họ có phải là vợ chồng đúng nghĩa không, vì trong gia đình này anh và vợ chẳng có cái gì chung. Tiền anh kiếm được, cô bảo anh cứ giữ, chỉ cần mỗi tháng đóng tiền học cho con là được. Nhiều lần, anh muốn vợ làm tay hòm chìa khóa, quản tiền chồng kiếm về dù ít hay nhiều như bao người vợ khác. Rồi, anh cũng muốn có cảm giác tự hào của một người đàn ông khi mang tiền về cho vợ, được có ý kiến quyết định cùng vợ khi mua xe, sửa nhà. Tuy nhiên, Ngân biết rõ thu nhập của chồng không nhiều nên cô chẳng muốn quản số tiền ít ỏi đó để rồi sau này tài sản lại nhập nhằng kiểu “tài sản chung”.

Chiều nay, bố mẹ vợ gọi vợ anh về bảo cô bán ngôi nhà hiện tại họ đang ở, ông bà sẽ cho thêm tiền mua căn nhà khác diện tích lớn hơn. Bố mẹ vợ rất ưng ý lô nhà mấy căn liền kề ở một khu đô thị mới xây. Ông bà muốn mấy đứa con cùng về đó mua ở cùng nhau cho gần gũi. Số tiền chênh còn lại nếu không đủ, ông bà sẽ bù vào cho. Vợ anh tất nhiên là đồng ý và cũng như mọi lần cô chỉ thông báo cho chồng thay vì cùng anh bàn bạc quyết định. Anh nghĩ đến chỗ ở mới, con cái sẽ phải chuyển trường học vì khoảng cách di chuyển xa. Đặc biệt, anh sẽ rất bất tiện vì đơn vị của anh chẳng giống như trường học của con, bảo chuyển là chuyển được. Giải pháp mà Ngân đưa ra là anh có thể ở đơn vị rồi cuối tuần về với mẹ con cũng được, đằng nào thì lâu nay cô cũng quen với cảnh thỉnh thoảng anh lại phải trực ở đơn vị rồi.

Nhà này là của Ngân, cô quyết định bán lúc nào cũng được, anh chẳng có quyền ngăn cản. Từ ngày biết gia đình anh sắp chuyển đến nhà mới ở, ai cũng khen vợ chồng anh giỏi giang, cuộc sống ngày một đi lên. Hai đứa con nghe mẹ bảo sắp tới được chuyển đến khu nhà mới ở gần ông bà ngoại, có dịch vụ bể bơi, siêu thị thì thích mê, chỉ có anh lòng dạ rối bời. Bởi anh biết, một khi giữa vợ chồng anh vẫn tồn tại sự rạch ròi về tài sản, và Ngân vẫn đặt nó lên trên cảm nhận, lòng tự trọng của chồng thì họ sẽ không bao giờ “hợp nhất” trong một tổ ấm đúng nghĩa. 

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

(PNTĐ) - Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng giúp phát hiện kịp thời và điều trị sớm các căn bệnh tiềm ẩn gây ảnh hưởng việc sinh đẻ, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số, giúp xây dựng cuộc sống gia đình bền vững.
Hạnh phúc suýt đánh rơi

Hạnh phúc suýt đánh rơi

(PNTĐ) - Đối với những người vợ yêu gia đình, yêu chồng, yêu con chính là lẽ sống của họ. Song, sự hy sinh không mong đáp đền đó lại ít khi nhận được sự thấu hiểu của người đầu gối, tay ấp sẽ khiến tình yêu dần phai nhạt.