“Vỡ mộng” sau đám cưới

Chia sẻ

Sự thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng cần thiết trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân là một trong những lý do dẫn đến sự đổ vỡ hoặc bất ổn của các gia đình trẻ…

Ly hôn vì mâu thuẫn “trời ơi đất hỡi”

Toà án nhân dân thành phố Hà Nội từng đưa ra xét xử một vụ án ly hôn phúc thẩm mà nguyên đơn là chị Q (23 tuổi) và bị đơn là anh T (26 tuổi). Trước đó, toà án cấp huyện đã bác đơn ly hôn của chị Q để vợ chồng có cơ hội hòa giải, đoàn tụ sau khi xem xét thấy mâu thuẫn quá nhỏ nhặt. Theo bản án sơ thẩm, chị Q kết hôn với anh T – một người cùng thôn, cùng xã khi vừa bước sang tuổi 20. Cuộc sống hôn nhân không như những gì mà Q nghĩ. Trong khi Q vẫn mơ mộng về viễn cảnh hạnh phúc đầy ắp tiếng cười, với người chồng luôn dành trọn vẹn thời gian và tình yêu thương cho vợ, thì T lại không còn chiều chuộng mọi điều kiện của Q như trước. Sau công việc ở xưởng cơ khí, T không hỗ trợ vợ làm việc nhà, chăm sóc con mà thường tụ tập nhóm bạn, la cà quán xá mỗi tối, để vợ trẻ nhiều đêm mòn mỏi thức đợi chồng. Nhiều hôm, T về với mùi rượu nồng nặc. T nói đó là sự giao lưu bạn bè, còn Q lại nghĩ chồng mình vô trách nhiệm… Hai vợ chồng cãi nhau, giận nhau như cơm bữa. Khi Q mang thai, mâu thuẫn vợ chồng trẻ càng thêm sâu sắc. Q ốm nghén, cần chồng quan tâm, còn T lại cho rằng, vợ đang “làm mình làm mẩy”. Bố mẹ đẻ gần nhà, mỗi khi giận chồng, Q lại bỏ về nhà mẹ đẻ ngủ qua đêm mà không nói cho chồng một tiếng. Nghĩ vợ coi thường mình, T lại buông lời mắng mỏ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Q sinh con được 25 ngày, T đi uống rượu về, ghé sát xuống định thơm hai mẹ con đang ngủ. Đang ngủ, hơi rượu từ miệng T phả vào mặt khiến Q khó chịu. Đang mệt vì chăm con, nay nghĩ chồng có hành vi sỗ sàng, Q điên tiết đẩy T ra. Hai vợ chồng cãi tay đôi với nhau, bao nhiêu ấm ức, Q nói hết trong nước mắt. T cũng không vừa, cho rằng vợ hỗn láo nên quát mắng vợ. Hai vợ chồng không nói chuyện với nhau cả tháng trời. Năm 2017, trong lúc đưa con đi chơi, con trai Q bị kẹp chân vào bánh xe đạp và bị thương. Vì xót con, T mắng vợ vụng về, không cẩn thận. Q vừa khóc, vừa cãi lại. T tức khí tát vợ 1 cái. Chị Q khóc lóc bỏ về nhà mẹ đẻ ở rồi đòi ly hôn…

Tại tòa, không ai chịu ai. Q khóc lóc kể lể về những tật xấu của chồng mình. Nào là vô trách nhiệm, lại vũ phu... Người ta lấy chồng được hưởng hạnh phúc, được yêu chiều, còn chị lấy chồng thì sống trong tủi nhục. Anh T cũng “không vừa”, “tố” vợ hay cằn nhằn, hay cãi lại, không biết ứng xử, không biết chăm sóc con. Có chuyện gì cũng bỏ về nhà đẻ khiến cho bố mẹ chồng cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Chủ toạ đành phải ngắt lời, khuyên vợ chồng sống với nhau phải nhường nhịn, hiểu nhau. Bên cạnh khuyên người vợ nên học hỏi, dung hòa cách sống của gia đình chồng, tạo sự thân thiện trong các mối quan hệ để hai bên được êm thấm và tìm đến sự trợ giúp của bố mẹ chồng hoặc cơ quan chức năng nếu bị bạo hành, vị chủ toạ còn đề nghị anh T phải xin lỗi và hứa không được đánh vợ. Nếu tái phạm, chị Q có thể làm đơn tố cáo hành vi bạo hành của anh lên cơ quan chức năng đề nghị giải quyết theo pháp luật. “Gia đình vui hay buồn là do anh. Anh phải thay đổi để sống có trách nhiệm, quan tâm vợ con nhiều hơn. Vợ chồng ở với nhau là do cả hai có mong muốn hàn gắn, xây dựng hạnh phúc, đừng giữ mãi cái tôi của mình để trách cứ lẫn nhau”. Anh T nghe thế, quay sang xin lỗi vợ để hai vợ chồng cùng cố gắng nuôi con vừa tròn 24 tháng tuổi…

Tại một phiên tòa khác anh người Bắc, chị ở Long An. Hai người gặp nhau khi anh vào đó thăm một người quen. Vượt qua bao trở ngại, cuối cùng, cả hai cũng đến được với nhau. Nhưng chỉ sống chung được 6 tháng thì anh chị đưa nhau ra toà ly hôn với những lý do “trời ơi đất hỡi”. Anh bảo chị nấu xong không bao giờ cất đồ vào đúng chỗ quy định, chị bảo anh đàn ông mà ngại đi đổ rác hay rửa bát giúp vợ. Chị phê bình anh không đón tiếp chu đáo khách của vợ đến, anh chê chị thờ ơ, lạnh nhạt với bạn của chồng. Trên giường, cả anh và chị tố nhau không tâm lý, chỉ biết hưởng thụ một mình, không nghĩ cho bạn đời… Mặc dù đã được hai bên nội ngoại, cơ quan công quyền hoà giải nhiều lần, nhưng cả hai vẫn kiên quyết “đường ai nấy đi”. “Tình yêu không đủ cho một tổ ấm, nhưng sự dung hoà, nhẫn nhịn lẫn nhau lại có thể thành một tổ ấm” – vị thẩm phán tiếc nuối hộ cho một tình yêu đẹp.

Trang bị kiến thức trước khi bước vào hôn nhân

Những năm gần đây, tỷ lệ “ly hôn xanh” (ly hôn sớm) của gia đình trẻ ngày càng gia tăng. Theo một thống kê, hơn 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình mà vợ, chồng trong độ tuổi từ 20 – 30 tuổi, trong đó, có trên 60% vụ ly hôn mà cặp vợ chồng chỉ mới kết hôn từ 1-5 năm. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ “ly hôn xanh” đó là do mâu thuẫn về lối sống giữa vợ - chồng hoặc giữa vợ/ chồng với các thành viên khác trong gia đình mà không thể dung hòa được.

Bên cạnh một số nguyên nhân mà các cặp vợ chồng khi ly hôn hay nêu trước tòa như: không chung thủy, bạo lực gia đình, thiếu sự cảm thông, không chia sẻ việc nhà… thì các nghiên cứu về ly hôn trong những năm qua cũng chỉ ra, nguyên nhân sâu xa dẫn đến mâu thuẫn của vợ chồng không hàn gắn được là do: yêu nhanh, kết hôn vội dẫn đến chưa thực sự hiểu rõ về nhau, sau khi kết hôn mới nhận thấy bên kia không phù hợp với mình; kết hôn sớm khi chưa thể tự lập về kinh tế; thiếu kỹ năng sống chung, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn phát sinh khi sống chung; quan niệm về đạo vợ chồng thay đổi, giá trị gia đình không được coi trọng. Do đó, việc trang bị kiến thức về sức khỏe tình dục, sinh sản, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống hôn nhân, nuôi dạy con cái… được coi là bước “tập dượt” đầu tiên để các bạn trẻ đã, đang và sẽ bước vào cuộc sống hôn nhân tránh bỡ ngỡ, “sốc”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tại một lớp học tiền hôn nhân với chủ đề “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim trong trong hôn nhân”, vợ chồng anh Lê Văn Động và chị Lê Thị Luyến (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, anh chưa bao giờ nghĩ mình “phải” đi học lớp tiền hôn nhân bởi theo anh, đàn ông ai cũng biết cách “làm chồng” khi lấy vợ. Thế nhưng, qua những buổi học, anh “ngộ” ra rằng, những điều anh nghĩ là “đã biết, đã hiểu và đã làm đúng” thực chất chỉ là quan niệm của cá nhân anh và “cuộc sống hôn nhân còn cần rất nhiều kiến thức và kỹ năng ứng xử khác”. Anh cho biết, “đôi khi chúng ta đặt nặng về trọng trách và vai trò của người đàn ông trong gia đình rồi vô tình tự “phân công” công việc cho cả hai vợ chồng mà không để ý rằng điều đó cũng có thể trở thành áp lực tâm lý. Lớp học giúp tôi “vỡ” ra nhiều điều, từ khác biệt giữa hai giới, bình đẳng giới trong gia đình, cách trò chuyện quan tâm để vợ chồng có tiếng nói chung trong cuộc sống, xây dựng đời sống tình dục viên mãn…”.

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Hà Thành chia sẻ, tâm lý chung của các đôi khi bước vào hôn nhân thường không lường trước hết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống vợ chồng. Từ mối quan hệ chỉ có 2 người trong tình yêu, họ phải đối mặt với “hàng tá” vấn đề khác như khác biệt về văn hóa, ứng xử với hai bên gia đình, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, vấn đề chi tiêu, quản lý tài chính, chăm sóc và nuôi dạy con cái… Nhiều người cảm thấy “sốc”, thậm chí thất vọng về cuộc sống hôn nhân dẫn đến đổ vỡ tất yếu xảy ra. Những lớp học rèn kỹ năng như thế này rất cần thiết, sẽ là buổi tập dượt về cảm xúc, quan điểm, niềm tin và giúp họ lường trước các vấn đề sẽ cọ xát sau khi cưới.

Do đó, các bạn trẻ cần có sự hiểu biết đúng đắn về hôn nhân, cũng như những đòi buộc của nó. Hôn nhân là cam kết của chính mình chứ không phải là của ai khác, do đó, cần tìm hiểu kỹ bạn đời, ý thức về sự lựa chọn của mình, có thể nhờ sự tư vấn của bố mẹ hoặc người đi trước có kinh nghiệm. Trước khi bước vào hôn nhân, vợ/chồng cũng cần vạch ra kế hoạch trong tương lai để cùng phấn đấu như quản lý kinh tế, vấn đề con cái, công việc, trách nhiệm và báo hiếu đối với cha mẹ hai bên…

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.