Vỡ nợ mà ruột thịt không ai thương?!

Chia sẻ

Giữa mùa Covid-19, cả thành phố phải giãn cách, nhiều người lo buồn vì nhiều lẽ, nhưng có vẻ như trong lòng bà Mỹ lại... bớt lo, thậm chí có thể nói là... bớt căng thẳng, bớt sợ.

Cô em gái giàu có, xông xênh

Không ai đời như nhà bà Mỹ, vừa đau đớn vì mất số tiền lớn, lại vừa sợ đầu gấu đầu mèo đến dọa dẫm, ném chất bẩn hôi thối khắp mặt tiền 4 tầng nhà bà, buộc cô em gái bà phải xuất đầu lộ diện trả nợ. Cô Xoan thì đã trốn biệt tăm tích, đến chị ruột như bà ở sát vách mà còn không hay biết. Khi chủ nợ kéo đến ầm ĩ hô “Trả nợ! Trả nợ!” thì bà mới biết. Kẻ mất tiền thì của đau con xót, nghĩ ra đủ thứ mưu hèn kế bẩn. Họ đâu có biết rằng khi đã vỡ nợ thì con nợ cũng đâu có tha cho anh chị em, con cháu ruột thịt! Cô Xoan trước khi cao chạy xa bay thì đã thẽ thọt vay của bà Mỹ nhiều lần, lên đến gần 2 tỷ bạc chứ ít gì. Mỗi lần vay, cô em luôn ngọt xớt biếu chị gái túi quà thật hậu hĩnh và dặn chị “Không nói với bất cứ ai, kể cả chồng con và các anh chị em ruột, vì em không muốn nói chuyện làm ăn rộng ra nhiều người”.

Số cô Xoan sướng từ bé. Là con út nên từ lúc sinh ra đã được cha mẹ chiều chuộng, cái gì cũng bù đắp “Giàu con út, khó con út”. Thế nên nhà đất của bố mẹ chia đều cho 4 chị em bà Mỹ, ai cũng có mặt tiền, nhưng 3 chị em thì chỉ có 4 mét mặt tiền, còn cô Xoan được rộng hơn hẳn 2 mét nữa. Ông bà đẻ lại không bênh con trai cả, mà cho thêm con gái út, thậm chí tuyên bố là “Bố mẹ già thích ở với con gái út”. Thế nhưng khi nhà cửa các con xây lên khang trang, cô Xoan lấy lý do mở cửa hàng kinh doanh và đại lý cho các hãng sữa, nên không có phòng ngủ tầng 1 để bố mẹ ở, và cũng không có điều kiện chăm sóc người già. Thế là bố mẹ đương nhiên về ở với vợ chồng con giai cả.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cửa hàng đại lý sữa của cô Xoan phát triển nhanh chóng, hàng hóa chất ê hề, và người mua cũng vô cùng tấp nập, cô bán lẻ nhưng khách hàng được chiết khấu hoa hồng như mua sỉ. Nhiều tiệm bán lẻ cũng mua hàng từ tiệm cô Xoan, nên cô càng ngày càng đông khách. Họ hàng ai cũng mừng cho cô. Nhất là khi thấy trên người cô Xoan đeo lủng liểng hàng đống những lắc vàng, kiềng vàng, đá quý, hạt xoàn, nhẫn kim cương... Cô ăn nên làm ra, nên 2 đứa con cho du học Âu, Mỹ hết. Chồng cô sức khỏe yếu nên chủ yếu loanh quanh việc nhà, để vợ yên tâm kinh doanh. Vì vậy cô Xoan càng lúc càng thể hiện vai trò trụ cột. Cô thuê các cháu nội ngoại ở quê ra giúp bán hàng, lương bổng cũng khá, thế là tiếng thơm của cô Xoan bay khắp nơi. Cô trở thành niềm tự hào, là chỗ dựa tinh thần, là hy vọng kiếm việc làm của họ mạc 4 bên nội ngoại.

Hình ảnh cô đã đẹp như vậy, lại mỗi lần sang nhà bà Mỹ, cô còn xông xênh biếu chị gái những món đồ đẹp hoặc đắt tiền. Nào là nước hoa Pháp, nào là sữa xịn... Thế nên không chỉ bà Mỹ yêu quý em gái mà các con của bà cũng quý dì Xoan lắm. Chỉ có ông chồng bà Mỹ luôn tỏ ý nghi ngờ, nhất là khi thấy cô Xoan tặng bà Mỹ cái túi xách hàng hiệu tính ra cả mấy ngàn đô la, ông Mỹ nhắc vợ: “Em phải xem xem cô Xoan làm ăn thế nào? Đại lý hãng sữa, dù có được hoa hồng thì cô ấy cũng giảm % khi bán cho khách rồi. Lời lãi đáng bao nhiêu mà mua tặng chị gái những thứ quá đắt đỏ vậy? Theo anh là có vấn đề gì đây!”. Bà Mỹ lườm chồng: “Ông mắc bệnh nghề nghiệp à? Công an nhìn đâu cũng thấy tội phạm, y như bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng. Em gái biếu chị gái thì có gì phải nghi ngờ?”.

Tình ruột thịt sâu đậm thế, nên khi cô Xoan hỏi vay tiên bà Mỹ để “Tăng số lượng hàng nhập khẩu, lãi cao gấp nhiều lần hàng đại lý trong nước, vì vậy em có để trả lãi gấp đôi ngân hàng cho chị”. Bà Mỹ nghe theo răm rắp. Nghe theo lời dặn của em là không hé cho chồng con hay các em trai, em dâu, vì cô Xoan chỉ “ưu tiên” cho chị góp vốn, chứ cô không cho người khác góp, nếu họ biết lại tỵ nạnh thì mất tình ruột thịt. Bà Mỹ rút tiết kiệm lúc 300, lúc 500 triệu, lặng lẽ đưa hết cho Xoan. Bù lại Xoan nhanh nhảu trả trước lãi suất tháng đầu tiên cho chị. Lãi đã được gấp 2 lần ngân hàng, lại còn trả trước, thế nên bà Mỹ sung sướng, bèn rút tiết kiệm đưa cho Xoan đến hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó Xoan xin bà Mỹ thư thư trả lãi vì nhập lô hàng lớn quá, mua cả container nên cho cô ít lâu bán hàng. Bà Mỹ nghĩ, chị em “lọt sàng xuống nia”, đi đâu mà thiệt.

Vỡ nợ hàng chục tỷ, bỏ trốn, để anh chị em chịu khổ nhục

Đùng một cái, một buổi sáng sớm, bà Mỹ và cả nhà bị đánh thức bởi tiếng ồn ào la hét “Cô Xoan trả nợ! Cô Xoan mau trả nợ!”, rồi tiếng đập cửa ầm ầm của các chủ nợ nhằm vào cánh cửa cuốn nhà cô Xoan mà đập. Đứa cháu trai làm bảo vệ, ngủ trên tầng 4, thò đầu ra ban công, nói trong sợ hãi: “Xin các cô bác bình tĩnh ạ. Cô cháu... đi vắng không có nhà ạ”. Nghe thế mọi người càng nổi xung: “À, bỏ trốn rồi hả? Ôm mấy chục tỷ của chúng tôi mà bỏ trốn à?”. Nhiều phụ nữ òa khóc: “Ối ông trời ơi, ông phải bắt bà Xoan về trả nợ vay chúng con chứ!”. “Ôi sao tôi ngu dại đưa hết tất tần tật cho nó vay, giờ nó bỏ trốn cả vợ lẫn chồng rồi! Hu hu”... Một số đàn ông cương quyết: “Chúng ta phá cửa, xông vào xem hàng hóa nó có gì, ta lấy được chút nào thì lấy lại tiền chúng ta cho nó vay!”...

Trước làn sóng dữ dội của các chủ nợ như vậy, bà Mỹ thì chết khiếp, nhưng ông Mỹ bình tĩnh bảo:

- Mọi người! Đòi nợ là chính đáng. Nhưng đừng phá cửa, sẽ phạm tội cướp tài sản đó!

Một số người khẽ gật gù, một số khác nhao nhao:

- Anh em nhà ông bênh nhau à? Ông bênh kẻ đã lừa gạt cướp hết mồ hôi xương máu của chúng tôi à?

Ông Mỹ bình tĩnh khoát tay:

- Tôi không bênh bất kể kẻ nào vi phạm pháp luật. Tôi chỉ nhắc nhở mọi người đừng vì nóng vội mà từ bị hại trở thành kẻ có tội. Tôi hoàn toàn không hay biết việc cô Xoan có bỏ trốn hay không. Biết đâu vợ chồng cô ấy chỉ đi đâu đó có công việc thì sao.

Mọi người nhao nhao:

- Ông ra đây, đọc tờ giấy dán ở cửa nhà cô Xoan đi! Cô ấy viết rõ là vỡ nợ, xin mọi người thông cảm. Sau này làm ăn được ở xứ người thì cô ấy quay về trả nợ đây này! Ông không biết thật? Hay giả vờ? Cô ta bỏ đi đâu? Bao giờ mới về để trả nợ? Lúc đó chúng tôi chết đói rục xương rồi!...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuộc đấu khẩu cứ thế. Nhiều người chán nản bỏ về. Một số vẫn nhao nhao hò hét cho đến khi có anh Công an khu vực đến thì mọi người mới giải tán. Nhưng rồi sáng hôm sau các chủ nợ lại kéo đến. Hôm ít hôm đông, cứ hò hét ào ào, hét chán rồi về, vì làm gì có ai trả lời. Con nợ thì đã trốn biệt tăm.

Bà Mỹ len lén sang nhà 2 cậu em, thăm dò sự tình. Thì ra tất cả anh chị em ruột không hề biết việc cô Xoan vỡ nợ, bỏ trốn. Ai cũng bàng hoàng, ai cũng bất ngờ. Nhưng lạ một điều là không một ai tỏ ra xót thương cho cô Xoan đang chăn êm đệm ấm lại phải bỏ nhà trốn chui trốn nhủi ở ngóc ngách nào. Bà Mỹ tỉ tê một lúc thì mấy cô em dâu mới thì thầm:

- Chị ơi, em dại dột cho cô ấy vay hơn 1 tỷ. Mới được trả lãi có 1 tháng. Cứ tưởng được chút lãi cao hơn mà chị em ruột thì an tâm, chứ ai ngờ. Bây giờ cô ấy trốn rồi thì em chưa biết lấy tiền đâu nộp học cho con?

- Chị ơi, em còn ngu hơn, đưa hết 1,5 tỷ tiền định mua chung cư cho con cưới vợ. Cô ấy nói vay tạm 1 tháng để thanh toán tiền nhập khẩu, em giải tán hàng nhanh gọn là trả cả vốn và lãi cho. Còn chưa kịp lấy lãi đồng nào. Mà nay mất cả vốn. Con em cưới vợ là không có nhà riêng. Ở chung thì chật chội lắm. Em ngu quá. Mấy hôm nay cả 2 chị em đều bị các ông chồng mắng cho té tát. Em bảo cô Xoan là em gái anh thì chị em chúng em mới tin tưởng chứ! Thế... chị có... hùn vốn với cô ấy không?

Bà Mỹ thở dài:

- Chị cũng đau lòng như các cô. Vừa mất em ruột lại vừa mất tiền! Của chị không ít, cô ấy vay nhiều lần, lên đến trên 2 tỷ! Mà cũng mới được trả có 1 tháng lãi thôi. Bây giờ vừa thương em vừa giận em.

Bà cụ thân sinh ngoài 80 tuổi, từ nãy ngồi im nghe 3 chị em nói chuyện, bây giờ mới rơi nước mắt:

- Con ơi là con! Nó cũng vay hết toàn bộ tài sản của mẹ. Tiền mặt hơn 3 tỷ cả đời bố mẹ chắt chiu lao động, nó ép đi ngân hàng rút bằng được. Cái nhà bên Long Biên, mẹ định để dành cho thằng đích tôn cưới vợ thì tặng cháu, ai ngờ nó đem cắm ngân hàng vay 5 tỷ nữa. Ngân hàng hôm qua đến hỏi mẹ tiền lãi và tiền đáo hạn mà mẹ thất kinh rụng rời chân tay. Ông trời ơi! Sao tôi có nghiệp chướng gì kiếp trước mà nay lại đẻ ra cái loại vô phúc thế hả ông trời?!

Bà cụ nói rồi khóc hu hu. Cả bà Mỹ và 2 cô em dâu vội vã ôm bà, an ủi động viên bà bình tĩnh giữ sức khỏe, còn người còn của, mẹ đừng suy nghĩ nhiều rồi đổ bệnh lại thêm khổ...

Cô Xoan bỏ trốn, còn lại 3 chị em bà Mỹ lãnh đủ. Cứ vài ba ngày lại có 1-2 kẻ côn đồ xăm trổ, phi xe máy qua ném chất bẩn vào cả 4 nhà. Tất cả tường sơn bị biến màu, cửa sắt bị hoen gỉ hết. Bà Mỹ đã làm đơn kêu cứu, Công an phường cũng đến trực và dán thông báo cấm hắt chất bẩn hủy hoại tài sản công dân. Nhưng khi công an rút thì bọn đầu gấu lại đến. Các chủ nợ tưởng làm như vậy để ép người nhà giúp cô Xoan trả nợ. Nhưng họ không biết rằng gia đình các anh chị em ruột của Xoan cũng đã trở thành nạn nhân, thậm chí còn là nạn nhân nặng nề hơn cả. Vì trước khi bỏ trốn, do vỡ nợ, Xoan đã lừa “quả đậm” với chính những người thân yêu nhất, vì họ luôn tin tưởng và giúp đỡ ruột thịt, thậm chí cả bố mẹ ruột cũng bị con gái lừa. Vậy thì còn gì để nói đây...

Đã vậy lại còn phải chịu đựng việc bọn xã hội đen gây sự, ngày nào cũng phải bò ra lau dọn chất dơ bẩn bọn chúng ném vào. May mà đợt này nhờ có giãn cách xã hội, chốt chặn Covid đã chốt không cho người lạ vào phố, thế là mấy chị em nhà bà Mỹ tạm được yên.

Bởi vậy, khi biết em gái tán gia bại sản, trở thành kẻ lừa đảo, nợ hàng chục tỷ đồng phải bỏ trốn, không một ai ruột thịt trong nhà xót thương cho nổi...

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.