Vợ theo “tà đạo”, chồng “gà trống nuôi con”

Chia sẻ

Đám cưới con trai của Tuấn, mấy chị em hưu cùng cơ quan lại có dịp ngồi cùng mâm hỏi han nhau tíu tít. Không thấy cậu Khải làm cùng bộ phận mà rất thân với Tuấn, bà Liên hỏi thăm, mọi người nhao nhao trả lời: “Khổ thân cậu Khải này lắm! Vợ nó bỏ theo “tà đạo” mấy năm nay, nó “Gà trống nuôi con”, lại còn bị vợ đưa đồng bọn về cướp hết!”.

Thế là từ chuyện đám cưới, mọi người khen cô dâu chú rể đẹp đôi, bèn quay sang đề tài “hot” về vợ Khải theo “tà đạo”. Bà Liên mắt tròn mắt dẹt nghe như chuyện trên trời rơi xuống.

Hòa vợ Khải vốn là phụ nữ xinh xắn, có học có hành, công việc thu nhập cũng khá. Khi Khải cưới Hòa, còn được tiếng là “ăn may”. Vợ chồng Khải có 2 con đủ trai gái, cả 2 bé đều ngoan học giỏi. Cuộc sống thế là niềm mơ ước của nhiều người. Thật không ngờ, trên trời rơi xuống “tà đạo” “Chúa Trời” gì đó, mọi người nghe thì chỉ thấy buồn cười, nhưng không ngờ có người rủ rê thế nào mà Hòa mê mệt chạy theo gia nhập. Đầu tiên Khải không để ý, cứ nghĩ vợ 1 tuần đi lễ theo bạn bè 1 ngày thì cũng chả sao, có khi đi thế cũng vui. Những hôm vợ đi vắng từ mờ sáng cho tới nửa đêm, Khải lặng lẽ đón con, 3 bố con loay hoay tự lo ăn uống, Khải liền chở luôn 2 đứa đến quán bún chả hay đồ ăn nhanh bọn trẻ con thích. Thế cũng xong, mà nhiều khi lại khoái khẩu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Rồi sau này, Hòa đi lễ theo hội đạo đó nhiều hơn, về nhà lại còn thuyết phục chồng nên tin theo và đi theo đạo đó. Khải kiên quyết không theo, bảo: “Nhà anh chả theo đạo gì suốt bao đời nay rồi. Kể cả đạo Phật tu nhân tích đức kia, mà anh còn chả theo. Cái đạo của em theo nghe đâu không chính danh, là tà đạo gì đó, em nên bỏ đi thì hơn, chứ còn rủ rê anh làm gì”, khiến vợ chồng khẩu chiến mấy cuộc. Hòa đem theo về nhà những cái chai nước gì màu nâu nâu, cho vào tủ lạnh, cứ xui chồng con “uống đi, ngon lắm, uống vào để được bề trên phù hộ”. Bọn trẻ con cười, không uống. Khải thì đương nhiên có bị dở hơi đâu mà uống cái thứ mình chả biết là “nước thánh sống” hay “nước thánh chết” gì đó.

Hòa cứ như bị bùa mê thuốc lú càng ngày càng theo cái tà đạo đó nhiều hơn. Từ 1-2 ngày bỏ làm đi theo đạo, đến đi cả tuần, lang thang ở những đâu, truyền giáo, vận động người ta theo đạo, ở tận trong rừng rú gì xa lắc. Đi nhiều không làm việc, Hòa bị công ty sa thải. Mất việc, mất cả nguồn thu nhập, thế là Hòa về nhà có bao nhiêu tiền tiết kiệm, Hòa rút dần rút mòn, rút hết sạch. Khi Khải biết, đã can ngăn không kịp. Tiền tiết kiệm là công sức của cả 2 vợ chồng, Khải thường đưa hết tiền cho vợ chi tiêu và gửi ngân hàng, để còn lo cho con ăn học. Không ngờ vợ đem rút hết để “lo kinh phí đi truyền đạo”.

Hòa đi theo cái đạo dở hơi kia, đi suốt tuần, suốt tháng không mấy khi về nhà. Khải nói vợ không nghe, gọi điện thoại nhiều khi cũng chả thèm trả lời. Hòa dần dần bỏ mặc chồng con. Khải thành ra vừa làm bố vừa làm mẹ bất đắc dĩ. Từ một gia đình hoà thuận, êm ấm, tưởng như cứ thế ổn định phát triển, ai dè chỉ vì chị vợ ăn phải bùa mê thuốc lú của cái bọn “tà đạo” đó, mà người bỏ đi đã đành, lại kéo theo tiền bạc của cải đi theo tất. Khải vừa đi làm kiếm tiền nuôi con ăn học, vừa lo đưa đón 2 con, học chính học thêm quay như chong chóng. Khổ nhất là do thiếu hụt mất khoản thu nhập từ vợ, nên Khải phải làm thêm xe ôm để có thêm tiền nộp học thêm học nếm cho 2 con, chưa kể “tiền khóc tiền cười” (đám hiếu, đám hỷ), tiền lo cho cha mẹ già 2 bên đau ốm. Ban đầu sợ người ta cười chê, Khải giấu nhẹm chuyện vợ bỏ đi theo... tà đạo.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng rồi, mỗi lần thấy vợ về nhìn thân tàn ma dại, lại có tí tiền nào dành dụm là cuỗm đi bằng sạch, đồ đạc trong nhà cũng dần biến mất một cách khó hiểu, thì Khải nhờ bố mẹ vợ nói vào, Hòa cũng không nghe. Mỗi lần Hòa về nhà mà nghe chồng con kêu khổ thì luôn mồm bảo: “Cứ yên tâm, thánh sẽ phù hộ. Sau này muốn gì được nấy”. Còn nếu chồng con mà ngăn cản không cho đi tiếp, không cho đem tiền bạc, đồ đạc đi thì 2 mắt Hòa long sòng sọc, tròng mắt đầy những tia máu vằn lên, Hòa mắng chồng quát con ầm ĩ, đến nỗi bọn trẻ vội đi tìm chỗ trốn. Còn Khải thì đành mặc kệ, vợ muốn làm gì thì làm, muốn lấy gì thì lấy, đằng nào thì cũng chả giữ được.

Lắm khi Khải ức nghẹn cổ họng, chả hiểu là Hòa không có nhận thức hay bị thuốc lú bùa mê, chứ không lẽ Hòa không thấy từ ngày Hòa theo tà đạo cuộc sống đi xuống không phanh hay sao? Tài sản mất hết, chả làm gì ra thu nhập, con cái chả chăm nom, không biết các con ăn gì, có học hành gì hay không, đến bố mẹ ốm đau cũng mặc, nhà cửa chả ai thu dọn vì Khải còn mải đi làm thêm, 2 đứa con nhỏ phải tự lo cho nhau học rồi tự nấu lấy ăn đã là may rồi, thế mà Hòa lúc nào cũng “Chờ thánh phù hộ”. Khải không biết khi nào mới được phù hộ? Mà phù hộ thì được cái gì? Hàng ngày mình đi làm, kiếm đồng tiền chân chính, nuôi con ăn học, chăm lo báo hiếu cho cha mẹ, là cái mình nhìn thấy được, còn “thánh phù hộ” thì chưa thấy gì, chỉ thấy mọi thứ vợ chồng tích cóp, mua sắm được cứ đội nón ra đi.
Ngày nào 2 đứa nhỏ cũng buồn xo. Lâu lắm Khải không thấy 2 đứa con cười đùa như trước. Cũng chả đứa nào khoe xem hôm nay con được 9, 10 môn này môn kia nữa. Có lúc bố về muộn vì cố chạy thêm 1 cuốc xe ôm, đón con chậm cả tiếng đồng hồ, thằng bé đói quá nằm xẹp ở cái góc quán sách, may ông già chủ quán thương mà cho nằm nhờ. Ông mách: “Nó kêu đói quá, nhưng ông cho cái bánh lại không dám ăn, bảo bố dặn không ăn của người lạ, nhỡ họ bỏ ma túy vào”. Khải xin lỗi ông cụ, rối rít cảm ơn ông rồi đón con về mà nước mắt ứa ra, anh không dám để con biết là bố khóc.

Con trai nhỏ thì khổ một kiểu, con gái bắt đầu vào tuổi dậy thì, lại khổ kiểu khác. Nó âm thầm, ít nói hẳn, nó có bí mật của tuổi mới lớn mà không thể tâm sự hay hỏi bố nó. Khải cũng không hiểu biết lắm về chuyện của con gái, lại bù đầu chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập, nên con gái lắm khi khóc một mình mà bố nó đâu có biết. Cho đến một hôm, chắc con bé khóc chán rồi mệt quá ngủ quên, Khải vào phòng, tắt đèn hộ con, anh nhìn thấy trang nhật ký ướt nhòe nước mắt, anh đọc thấy con gái viết nỗi khổ của một đứa con gái vào tuổi dậy thì có nhiều điều không biết hỏi ai, nó hận mẹ đã bỏ rơi chị em nó để chạy theo một thứ cực kỳ ngu xuẩn, là cái đạo thánh chúa trời gì gì đó...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khải đọc nhật ký của con gái, vừa thương con, thương mình, vừa giận vợ. Đêm đó, anh trằn trọc suy nghĩ, phải tìm lối thoát, không thể cứ sống tạm bợ như vừa qua để hy vọng một ngày vợ trở về yêu chồng thương con như xưa được.

Sáng hôm sau Chủ nhật, Khải không chạy xe ôm kiếm thêm. Anh ở nhà, lau dọn nhà cửa, chờ 2 con cho chúng ngủ nướng. Khi chúng dậy, Khải vui vẻ nói: “Hôm nay bố đưa 2 con đi ăn sáng tiệm phở gà ta, sau đó ta đi công viên bơi thuyền con vịt. Trưa bố đãi “Bún chả Obama”. Ok không nào?”. Cậu con trai sướng quá hét lên: “Hoan hô bố”, con gái nhìn bố ngạc nhiên: “Bố lấy đâu ra tiền?”. “À, à, bố... được công ty thưởng! Chiêu đãi 2 đứa chả tốn gì mấy đâu! Yên tâm đi! Bố con mình cứ vui tẹt ga đi!”.

Đúng là trẻ con, chúng cần một mái ấm, cần sự quan tâm, yêu thương. Chúng chả quan tâm nhà mình giàu hay nghèo, cũng chả chờ cái ông thánh nào của mẹ nó phù hộ. Nhìn chúng ăn phở, ăn bún chả ngon lành, láu táu, hồn nhiên, Khải đau đớn tận tâm can, nhưng bề ngoài vẫn tỏ ra “vui tẹt ga”. Chiều Chủ nhật, cho 2 đứa lăn ra ngủ bù vì đi bơi thuyền mệt quá, Khải đến nhà bố mẹ vợ. Anh thưa với bố mẹ việc Hòa bỏ nhà theo tà đạo đã mấy năm nay, anh cũng như bố mẹ 2 bên đã khuyên can không được, nay vì 2 đứa con không thể để chúng lớn lên thiếu thốn mọi bề và chịu đựng một người mẹ vô trách nhiệm với con như thế, Khải quyết định ly hôn, cho rõ ràng mọi chuyện, để các con có định hướng và cùng bố sắp xếp lại cuộc sống cho ngăn nắp gọn gàng. Nếu cứ tiếp tục cuộc sống dặt dẹo, ngày nào cũng mong mẹ chúng về như những năm qua là không thể. Dù anh ly hôn vợ, riêng đối với bố mẹ vợ thì Khải mong các cụ vẫn coi anh như con trai, anh xin được chăm sóc phụng dưỡng như bố mẹ ruột anh. Sau đó Khải cũng đi gặp cô giáo chủ nhiệm của con gái, tâm sự thật về hoàn cảnh, mong cô quan tâm dạy con gái những điều mà mẹ cháu đã không làm được...

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.