Vu lan mẹ về
(PNTĐ) -Hằng năm cứ đến Rằm tháng 7 âm lịch, hầu như mọi người con trên đất nước lại cùng hướng đến ngày lễ Vu Lan. Từ lâu trong tiềm thức của người Việt, lễ Vu Lan là dịp quan trọng để những người con bày tỏ sự hiếu thảo đối với cha mẹ mình và ông bà, tiên tổ.
Trần gian muôn nỗi buồn vui
Mẹ về bến Giác mây trời cõi tiên
Ở nơi thế giới người hiền
Chắc là mẹ chẳng ưu phiền đắng cay.
Dài đêm thì lại ngắn ngày
Canh khuya vườn vắng rơi đầy cành sương
Bờ Mê thuyền gác bến thương
Trông vời cánh hạc biết phương nào về.
Gió đu gió đẩy cành tre
Lời ru mẹ vẳng tiếng khuya dãi dầu
Buồn vui ngậm héo lá trầu
Đắng cay chẳng thể bắc cầu vượt qua.
Vu Lan nhớ mẹ lệ nhòa
Đêm đêm bóng mẹ như là quanh đây
Cành trăng lá động hồn lay
Như là mẹ hái miếng cay ngoài vườn.
Con ra cầm trĩu nỗi buồn
Rưng rưng thắp nén hương thơm mẹ về.
Nguyễn Ngọc Tung

LỜI BÌNH
Hằng năm cứ đến Rằm tháng 7 âm lịch, hầu như mọi người con trên đất nước lại cùng hướng đến ngày lễ Vu Lan. Từ lâu trong tiềm thức của người Việt, lễ Vu Lan là dịp quan trọng để những người con bày tỏ sự hiếu thảo đối với cha mẹ mình và ông bà, tiên tổ. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc - cũng vậy. Bài thơ "Vu Lan mẹ về" của anh là tiếng lòng sâu thẳm của người con thương nhớ mẹ khôn nguôi, dù mẹ đi xa đã lâu nhưng tác giả vẫn tưởng như hình bóng mẹ quanh quất đâu đây.
Dùng thể thơ lục bát truyền thống, âm điệu êm đềm, sâu lắng để nói về tình cảm, chuyển tải nỗi niềm nhớ thương mẹ da diết khiến lời thơ dễ đi vào lòng người. Những câu mở đầu giàu sức khái quát: "Trần gian muôn nỗi buồn vui/ Mẹ về bến Giác mây trời cõi tiên”. Hình ảnh bến Giác và bờ Mê trong bài được dùng xác đáng nói về thế giới cõi âm và trần thế. Chỉ có những ai ăn ở phúc đức, về với thế giới bên kia có thể đến được “cõi tiên”. Mẹ tác giả đi xa đã hơn mười năm, nhớ thương mẹ nhiều nên người con vẫn thấy căn nhà và khu vườn trống vắng. Sự trống vắng của không gian cộng hưởng với sự trống vắng của lòng người khiến cảnh vật thân thuộc cũng trở nên hiu quạnh, buồn thương: "Canh khuya vườn vắng rơi đầy cành sương". Câu thơ diễn tả thời gian và không gian đầy nhớ thương khắc khoải. Thời gian trôi, người con vẫn luôn ngóng chờ mẹ về dù trong vô vọng: "Trông vời cánh hạc biết phương nào về". Mấy câu thơ trên tác giả dùng nhiều hình ảnh xưa cũ mang ý nghĩa biểu tượng như: Cành sương, cánh hạc cùng gợi tả niềm mong ngóng mẹ trong vô vọng.
Được biết chủ thể trữ tình là người anh cả trong số tám người con - "con đầu vai đội cổ mang", do hoàn cảnh phải tự lập, học tập xa nhà sớm nên anh luôn được mẹ dành cho tinh cảm nhiều nhất. Cũng do tấm lòng thương yêu và hiếu kính đấng sinh thành, nhà thơ không lúc nào quên hình ảnh và lời ru của mẹ. Thơ gợi lại kỷ niệm về mẹ ở đây mang rất đậm phong vị ca dao: "Gió đu gió đẩy cành tre/ Lời ru mẹ vẳng tiếng khuya dãi dầu/ Buồn vui ngậm héo lá trầu/ Đắng cay chẳng thể bắc cầu vượt qua". Chân dung người mẹ "dãi dầu" mưa nắng để nuôi con, chăm lo cho gia đình, trải bao "buồn vui" của kiếp người khi sống ở thời kỳ đất nước còn nghèo khó hiện lên thấp thoáng qua từng câu chữ. Trong hơn bốn mươi năm sáng tác, nói lên tình cảm với mẹ, nhà thơ đã gửi gắm qua nhiều bài: Thơ dâng mẹ, Ngọn khói, Đêm qua mẹ về, Nếu một ngày vắng gió... Trong bài thơ "Vầng trăng, tình mẹ", có những câu: "Trăng lên đã vượt ngọn cau/ mẹ còn thái khoai, xay lúa/ thương mẹ đường kim mũi chỉ/ vá sao tròn mảnh trăng gầy?". Đọc thơ, thấy rõ ràng Nguyễn Ngọc Tung có biệt tài trong việc sử dụng những hình ảnh ẩn dụ có sức biểu cảm mạnh mẽ, lay thức trái tim bạn đọc. Những câu cuối bài này, lời thơ vút lên từ trái tim chan chứa yêu thương khiến người đọc dễ đồng cảm với tác giả: "Vu lan nhớ mẹ lệ nhòa/ Đêm đêm bóng mẹ như là quanh đây/ Cành trăng lá động hồn lay/ Như là mẹ hái miếng cay ngoài vườn/ Con ra cầm trĩu nỗi buồn/ Rưng rưng thắp nén hương thơm mẹ về”. Nhan đề bài và ở đây đều nói đến Vu Lan, nói tới lễ tiết những người con báo đáp đấng sinh thành mong giải thoát họ khỏi chốn khổ cực tột cùng ở cõi âm. Tấm lòng đối với mẹ của nhà thơ trong bài đã nói hộ tình cảm của rất nhiều người con đối với mẹ cha.