Vu Lan nghĩ về mẹ!

Nhà văn Nguyễn Văn Học
Chia sẻ

(PNTĐ) - Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan - một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất – một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện tấm lòng “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Ngày nay, Rằm tháng Bảy là ngày Vu Lan - một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất – một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện tấm lòng “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Rằm tháng 7 Âm lịch cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh. Tháng 7 còn là tháng mưa Ngâu – gắn với sự tích ông Ngâu bà Ngâu hay còn gọi là tích Ngưu Lang - Chức Nữ.

Chẳng hiểu sao, mỗi khi nghĩ về mẹ là tôi nghĩ đến sự tảo tần của một người hy sinh hết thảy cho các con. Người mẹ đó như cánh cò, tìm bới trong bão gió, trong mưa sa rét mướt để kiếm mồi nuôi con. Cùng với điều đó, tôi nghĩ về bầu sữa ngọt lành từ lúc chào đời tôi đã được nuôi dưỡng. Và cho đến mãi sau này, bầu sữa ấy, trở thành một siêu biểu tượng trong tâm hồn tôi, nuôi dưỡng khát khao và bồi đắp nghị lực cho tôi trên mọi nẻo đường đời.

Chắc chắn, với mỗi người, đều có một cảm nghiệm về mẹ khác nhau. Nhưng mỗi bà mẹ đều chất chứa trong tâm hồn sự nhân từ đối với con cái. Lòng bao dung của mẹ tôi, dù nói thế nào cũng không đủ và hết cả cuộc đời này tôi không trả hết ơn. Chỉ một tiếng ngắn gọn thôi: “Mẹ”, vậy mà gợi lên cả một miền thương mến, là một điều gì đó như máu thịt. Nó gợi lên tình mẫu tử thiêng liêng nhất trên cõi đời. Mẹ là người đã mang nặng đẻ đau để có anh em chúng tôi trên cõi đời này. Nhưng mẹ đâu chỉ cho tôi có mặt trên cõi đời. Ngoài ân huệ đó, mẹ còn nuôi nấng thể xác và tâm hồn tôi, lau khô cho tôi những giọt mồ hôi cũng như nước mắt đầu đời. Mẹ cũng mớm vào miệng tôi những nụ cười ngay từ tấm bé, như hoa, như ngọc, như mọi đứa trẻ được mẹ mớm nựng sự yêu thương, trìu mến.

Vu Lan nghĩ về mẹ! - ảnh 1
Ảnh minh họa

Sẽ thiệt thòi biết bao nếu mỗi ai thiếu vắng bàn tay săn sóc của mẹ. Ai cũng có mẹ sinh ra, và đa số được lớn lên trong bàn tay âu yếm của mẹ. Tôi lại nhớ bài thơ “Mẹ” của Trần Quốc Minh, ông nói hộ cho những người yêu mẹ. Bài thơ có đoạn: “…Lời ru có gió mùa Thu/ Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về/ Những ngôi sao thức ngoài kia/ Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con/ Đêm nay con ngủ giấc tròn/ Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”.
Mẹ của Trần Quốc Minh là hình ảnh chung của tất cả những người mẹ khác. Là đại diện của vẻ đẹp và trìu mến. Của nhân từ và vị tha. Của vĩ đại và cao cả. Đọc những câu thơ đó, tôi hiểu là tác giả của nó đã vắt kiệt quả tim nóng hổi của mình, để chưng cất thành tứ thơ nhuần nhị về mẹ, một ngọn gió vĩnh cửu, mát rượi, như là mẹ sinh ra để ban phúc lành cho con. Như cuộc đời mẹ có bao nhiêu sự dịu dàng, no đủ thì dành hết cho con. Tác giả đã nói hộ biết bao người con, tuy yêu mẹ mình nhưng không có cách nào diễn tả.

Ấy thế, nhưng tôi cũng đã từng làm mẹ khóc. Đó là thuở tấm bé, tôi còn chưa ngoan và chăm học. Mẹ đã cố gắng làm lụng như bông lúa trên đồng, còng lưng xuống cho tôi đứng thẳng, cho tôi ước mơ. Ước mơ bình dị của mẹ chỉ là những cánh đồng tốt tươi, mưa thuận gió hòa. Ngày đó, tôi từng nghĩ, nếu thi rớt đại học, sẽ về quê tạ lỗi với mẹ, với những luống cày của cha. Và tôi sẽ ở lại, làm một người nông dân chính hiệu, yêu những bông lúa chắc mẩy như mẹ cha suốt đời tần tảo. Mẹ vẫn là người cưng nựng, động viên để tôi không chỉ yêu bông lúa, mà yêu cả sự trải nghiệm trong dòng chảy xô bồ của cuộc sống. Như thể mẹ nhìn ra trăm núi ngàn sông trong cuộc đời con sẽ phải vượt qua và cần vượt qua. Có lẽ, đó là sự quyết tâm của một người mẹ nông dân, mà không phải đứa con nào cũng hiểu hết và trân trọng. Ngàn lần con xin lỗi mẹ, vì những cay đắng mà vô tình con gieo cho mẹ. Mẹ cũng đã bỏ qua, bởi tình yêu vô bờ và rộng lượng, mẹ đâu chấp ngày con bé bỏng. Ngay cả khi con đã lớn, trưởng thành, thì suốt đời lòng mẹ vẫn thương con đấy thôi.

Mẹ đừng buồn mẹ nhé. Con sẽ làm cơn gió, hong khô những muộn phiền trên khuôn mặt mẹ. Và chưa bao giờ là muộn, khi con ý thức được rằng, sẽ báo đáp mẹ bằng một trái tim nhiệt thành, như lời mẹ dạy, như là giọt máu linh thiêng mẹ đã phả vào hồn con.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.