Vừa chơi vừa học kỹ năng sống ở nông trại giáo dục

Chia sẻ

Hà Nội là một trong số ít các địa phương có nhiều nông trại giáo dục. Không chỉ là nơi vui chơi giải trí, thư giãn cho trẻ em và các gia đình, đây còn là những địa chỉ mang lại cho trẻ nhiều cơ hội cọ xát thực tế, trang bị kiến thức, kỹ năng sống cần thiết.

Bài học hữu ích từ những trải nghiệm thực tế

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hai cậu con trai của anh Nguyễn Thanh Hùng ở tiểu khu nhà ở Thịnh Liệt, ngõ 699 phố Trương Định, quận Hoàng Mai phải học trực tuyến ở nhà. Lo ngại các con tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị hiện đại, vào những ngày cuối tuần, anh Hùng thường cho con ra ngoài vui chơi, vận động, tiếp xúc với thiên nhiên. Nông trại giáo dục là một trong những điểm đến của gia đình trẻ này. “Tôi vẫn thường tìm kiếm và sáng tạo các trò chơi vận động dành cho các con nhưng thực tế cuộc sống rất sinh động, có nhiều trải nghiệm hấp dẫn giúp các con trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết mà sách vở khó có thể truyền tải hết được. Chẳng hạn như các hoạt động chăn nuôi con gà, con vịt, trồng trọt cây rau, cây hoa ở các làng quê. Nhiều bố mẹ thế hệ 7X, 8X sinh ra và lớn lên ở quê, ai cũng biết từ con trâu, con bò, ruộng lúa, nương khoai, cuốc đất trồng rau đến những chiều hoàng hôn, mặt trời khuất dần sau luỹ tre làng. Những năm tháng tuổi thơ luôn có nhiều kỷ niệm thú vị như thế. Các con tôi bây giờ có cuộc sống đầy đủ tiện nghi hơn nhưng lại không có điều kiện sống cùng thiên nhiên nhiều nên tranh thủ cuối tuần, chúng tôi cố gắng đưa con ra ngoài vui chơi, trải nghiệm” - anh Hùng chia sẻ. Trên trang cá nhân của mình, anh Hùng thường đăng tải những hình ảnh ấn tượng của hai cậu con trai khi đi ủng lội ruộng hái quả, bắt cá, bịt mắt bắt gà, cho cừu ăn cỏ, thả diều, đánh cầu…

Các bạn nhỏ trải nghiệm lội suối bắt cá bằng nơmCác bạn nhỏ trải nghiệm lội suối bắt cá bằng nơm

Gia đình chị Nguyễn Thuỳ Linh ở phố Núi Trúc, quận Ba Đình cũng rất chú trọng đến các hoạt động trải nghiệm cho con gái đang học trường tiểu học . Theo chị Linh, khi chưa có dịch bệnh, hàng tháng, con chị đều được tham gia các hoạt động dã ngoại do trường học tổ chức tại các khu vui chơi giáo dục dành cho trẻ em. Mỗi khi được thực hành nhiều hoạt động mới mẻ, hấp dẫn từ bắt cá, lội nước đến vào bếp nấu ăn, con gái chị Linh rất thích thú. “Bài học thực tế luôn được con gái kể lại với sự háo hức, vui vẻ và cháu mong muốn bố mẹ thường xuyên cho đi ra ngoài như vậy. Sau mỗi chuyến đi, tôi hay đặt đầu bài để con ghi lại hoạt động, cảm xúc của mình để cháu thực hành bài viết văn tả cảnh, tích luỹ kiến thức thực tế, tăng thêm sự hiểu biết về cuộc sống thực tế” - chị Linh cho biết.

Đáp ứng nhu cầu trải nghiệm thực tế của các bạn nhỏ, những năm qua tại Hà Nội, rất nhiều mô hình nông trại giáo dục đã được thành lập. Đa phần các nông trại này ở ngoại thành, tập trung tại các quận, huyện như Long Biên, Thạch Thất, Ba Vì, Đan Phượng, Thanh Trì, Mê Linh, Gia Lâm, Đông Anh… với diện tích rộng (từ 3-12ha). Nhiều mô hình trước đây là trang trại trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả và rau màu hoặc trang trại chăn nuôi bò, gà. Thay vì sản xuất nông nghiệp đơn thuần, các trang trại đã cải tạo, tích hợp nhiều hoạt động trải nghiệm, vui chơi phù hợp với trẻ nhỏ. Vì vậy, các nông trại giáo dục hoạt động theo mô hình thực nghiệm kết hợp với du lịch (working farm) vừa đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, thư giãn của người lớn trong không gian xanh, vừa cung cấp những dịch vụ vui chơi, thực hành cho trẻ nhỏ đang rất được ưa chuộng.

Vừa chơi vừa học kỹ năng sống ở nông trại giáo dục - ảnh 2

Không gian xanh giữa thiên nhiên

Ở nhiều nước trên thế giới, mô hình nông trại với các hoạt động thực tiễn rất phát triển. Tuy mới được du nhập chưa đầy 10 năm nhưng tại Hà Nội, hệ thống nông trại giáo dục ngày càng mở rộng cho thấy sự quan tâm rất lớn của các gia đình và nhà trường với các hoạt động giáo dục thực tế cho trẻ nhỏ. Nhiều trường mầm non, tiểu học, nhất là khối các trường giảng dạy theo phương pháp giáo dục sớm, đặc biệt chú trọng các hoạt động trải nghiệm, thực hành kỹ năng cho trẻ thì hoạt động ngoại khoá tại các nông trại giáo dục được tổ chức hàng tháng. Hơn hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, học sinh chuyển sang học trực tuyến, các hoạt động trải nghiệm tập thể do trường học tổ chức bị tạm dừng. Thay vào đó, dịp cuối tuần, những ngày lễ, Tết, các bố mẹ trực tiếp đưa con cái đến nông trại trải nghiệm, vui chơi. Chủ đề này cũng trở thành từ khoá được nhiều gia đình quan tâm tìm kiếm nhất trong những ngày nghỉ. Vì thế, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh tác động, một số ngành dịch vụ du lịch gặp khó khăn thì một số nông trại giáo dục tại huyện Phú Xuyên, Mê Linh vẫn được đầu tư hạ tầng để đưa vào hoạt động.

Cô giáo Nguyễn Anh Thư - trường mầm non Nụ cười Mon, quận Hoàng Mai cho biết: giáo dục kỹ năng sống, trang bị cho các con những kiến thức thực tế là những nội dung học tập quan trọng được các trường học và gia đình quan tâm. Trong đó, các hoạt động giáo dục thực tế từ nông trại, từ thiên nhiên là một xu hướng mới để đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục giúp các con được tham gia hoạt động thực tế, được nhìn, được chạm tay thay vì hoạt động mô phỏng chỉ dựa trên lý thuyết như trước đây khiến trẻ khó khăn khi tiếp nhận và kiến thức dễ bị “trôi”. Trái lại, khi được trải nghiệm thông qua những hoạt động trò chơi, tìm hiểu và cảm nhận, trẻ tiếp thu được nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất, kiến thức và tư duy.

Thay vì chỉ xem trên tivi, tại nông trại giáo dục, trẻ em được thực hành hoạt động của cuộc sống như cho thỏ, cho cừu ăn cỏThay vì chỉ xem trên tivi, tại nông trại giáo dục, trẻ em được thực hành hoạt động của cuộc sống như cho thỏ, cho cừu ăn cỏ

Chính từ những lợi ích thiết thực đó, sau khi chứng kiến hoạt động ý nghĩa của mô hình nông trại giáo dục tại Australia, Ths. Đặng Lưu Hoa - giảng viên trường đại học Nông nghiệp Hà Nội đã quyết định bán nhà để đầu tư xây dựng nông trại giáo dục tại quận Long Biên theo chủ đề “Làng quê thu nhỏ”. Trong không gian rộng rãi, xanh mướt và bình yên của những vườn cây, bãi cỏ, các bạn nhỏ được hoà mình vào thiên nhiên và thực hành những công việc vốn chỉ được xem qua tivi, qua mạng như trồng cây, chăn nuôi… Sau những giờ thực hành, các nông dân tí hon được tham gia các trò chơi như “Nông trại vui vẻ - Tìm hiểu nông nghiệp thế giới”, “Cuộc đua kỳ thú - Thử thách nông dân nhí tài ba”, “Nhà khoa học thế kỉ 21”… góp phần kích thích tính sáng tạo và sự chủ động, tự lập cho trẻ. Chỉ sau hơn 4 năm, từ nông trại đầu tiên tại quận Long Biên, mô hình này có thêm 2 chi nhánh ở huyện Gia Lâm và huyện Mê Linh. Ngoài các trò chơi, hoạt động dành cho trẻ nhỏ, thời gian gần đây, nông trại mở rộng thêm dịch vụ lưu trú dành cho các gia đình có nhu cầu nghỉ ngơi những ngày cuối tuần.

Ba Vì cũng là địa phương có nhiều nông trại giáo dục đã khẳng định được thương hiệu với các gia đình và nhà trường. Tuy quãng đường di chuyển từ trung tâm TP lên đây khá xa nhưng với hệ thống đường giao thông thuận lợi, mạng lưới xe buýt bao phủ rộng nên chỉ sau hơn một giờ đồng hồ, các gia đình đã có mặt tại không gian thân thiện giữa thiên nhiên, cây cỏ. Nằm trong làng quê yên bình tựa mình vào dãy núi Ba Vì, đến đây, trẻ nhỏ có cơ hội khám phá những cánh đồng lúa, bờ ao, rừng nguyên sinh và trải nghiệm các hoạt động đặc biệt gắn liền với đặc điểm địa lý của làng quê như: cấy lúa, úp nơm, bắt cá bằng những dụng cụ làm bằng tre, trồng hái các loại rau rừng, thảo dược hay vắt sữa dê, câu cá, cưỡi ngựa, cưỡi lạc đà…

“Thả vào thiên nhiên như vậy, trẻ em hoạt động liên tục, đầy năng lượng, sảng khoái và gần như không biết đến mệt mỏi. Một số cháu bé do bản tính nhút nhát hay nghiền điện tử, máy tính bảng nhưng khi đến đây đã tự tin, chủ động vui chơi. Nhìn các cháu vui đùa, cười nói, chạy nhảy liên tục, tôi cũng thấy vui lây và cố gắng thu xếp thời gian để cùng chơi, cùng học với con” - anh Nguyễn Thanh Hùng tâm sự.

THẢO NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.