XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG SỐNG AN TOÀN CHO PHỤ NỮ THEO LỜI DẠY CỦA BÁC

Chia sẻ

Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thể hiện mối tình cảm ruột thịt bao bọc trăm họ của đại gia đình Việt Nam. Trong tình thương yêu ấy có một phần quan trọng Người dành cho phụ nữ. Với tư tưởng tiến bộ về phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.

Bác luôn chăm lo đến vấn đề giải phóng phụ nữ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của gia đình trong công cuộc giải phóng phụ nữ. Ngày 10/10/1959, tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, Người phát biểu: “Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu gì mấy về vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ”.

Trong gia đình, Người phê phán tình trạng chồng đánh vợ là tệ nạn về đạo đức và vi phạm pháp luật. Về Thái Bình, Người hỏi: “Ở đây còn tệ đánh vợ, có đúng không?”. Nghe báo cáo là vẫn còn, Người nghiêm nghị: “Đánh vợ là tệ rất xấu, chúng ta làm cách mạng để tranh lấy bình quyền, bình đẳng, gái trai ngang quyền với nhau. Đàn ông phải quý trọng phụ nữ. Có người còn đánh chửi vợ, đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế còn gì là tình nghĩa vợ chồng. Như thế là phạm pháp, là dã man. Việc này Hiến pháp đã quy định. Đảng phải nghiêm khắc”. Đi chống hạn ở Hải Hưng, Bác hỏi: “Các chú có biết nấu nướng không?” và nhắc: “Mọi người phải biết nấu ăn, vừa là giúp được cô ấy có thời gian học tập và nuôi dạy con cái, vừa rèn luyện mình, chữa cái bệnh hão, bệnh sĩ, bệnh gia trưởng thâm căn cố đế, cho việc bếp núc là của đàn bà”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cùng với vai trò của gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng, chính quyền, đoàn thể phải quan tâm giúp đỡ phụ nữ về mọi mặt. Nói chuyện tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III ngày 9/3/1961, Người nêu tình trạng làm trái Luật Hôn nhân và Gia đình, nhiều người còn ngược đãi vợ, ép uổng duyên con. Tháng 1/1963, trong phiên họp Bộ Chính trị, Người đọc thư của nữ cán bộ ở Vĩnh Phúc bị chồng đánh đập tàn tệ mà không được chính quyền, đoàn thể can thiệp, cán bộ đảng viên thì lẩn tránh. Người xem đó là tội ác, là tàn dư tồi tệ nhất của chế độ cũ và yêu cầu cuộc họp ưu tiên giải quyết trường hợp này trước. Quan tâm, động viên phụ nữ, Người đã dành thời gian đến thăm Đại hội những người xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ đô Hà Nội và tự tay trao huy hiệu cho bảy chị em có thành tích xuất sắc.

Sinh thời, đời sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đời sống khắc khổ, cần lao, tranh đấu. Có người e đời sống nghiêm khắc ấy không còn chỗ cho tình cảm nhưng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, người cách mạng rất giàu tình cảm. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta luôn thấy lòng yêu thương mênh mông xúc động đến tâm can mọi người, trong đó có tình cảm trân trọng, quan tâm, chăm lo về mọi mặt dành cho phụ nữ.

Nỗ lực học và làm theo lời dạy của Người

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công cuộc giải phóng phụ nữ ở nước ta đã đạt những thành tựu quan trọng. Trong 20 năm (2000-2020), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất, được Liên hiệp quốc đánh giá là điểm sáng về thực hiện bình đẳng giới trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Điều này thể hiện rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi và nhóm phụ nữ có trình độ học vấn cao. Chị em có sự tự tin, độc lập trong cuộc sống nên không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tích, vẫn tồn tại một số vấn đề như: nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế; Chế tài thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa mạnh; Tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình... Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời.

XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG SỐNG AN TOÀN CHO PHỤ NỮ THEO LỜI DẠY CỦA BÁC - ảnh 2

Chúng ta đều biết trọng nam khinh nữ là thói quen mấy nghìn năm để lại, ăn sâu trong đầu óc của nhiều người, nhiều gia đình nên giải phóng phụ nữ là “một cuộc cách mạng khá to và khó”, “không thể dùng vũ lực mà tranh đấu”. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về phụ nữ và kiên trì thực hiện lời dạy sâu sắc của Người là một quá trình lâu dài, đòi hỏi kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp:

Thứ nhất, giải phóng phụ nữ phải đặt trong công cuộc phát triển toàn diện của xã hội về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải bền bỉ tuyên truyền, giáo dục lâu dài, rộng khắp để mỗi gia đình hiểu rõ pháp luật và mọi người tích cực tham gia ngǎn ngừa, không để những vụ việc phạm pháp xảy ra. Phải kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại nhân phẩm phụ nữ.

Thứ hai, đối với tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, cần tiếp tục làm tốt vai trò đồng hành, hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe, cải thiện môi trường sinh hoạt cho phụ nữ. Nâng cao chất lượng tham mưu về chính sách cụ thể để khuyến khích chị em vươn lên.

Thứ ba, về phía phụ nữ, chị em phải chủ động đấu tranh, tự tin, nỗ lực, đoàn kết giúp nhau trong cuộc sống. Sở dĩ tình trạng bạo lực vẫn được che giấu là do định kiến giới còn khá phổ biến. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và “văn hóa đổ lỗi” là rào cản khiến phụ nữ không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Vì vậy, để thực sự bảo vệ quyền lợi của chính mình, phụ nữ cần mạnh dạn đem nỗi đau ra ánh sáng, để có sự đồng hành, hỗ trợ, bảo vệ của đoàn thể và xã hội.

Trong thời đại hôm nay, câu nói từ cách đây mấy chục năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ” vẫn là một đòi hỏi bức thiết. “Dù to và khó nhưng nhất định thành công”, lời kết trong bài viết “Nam nữ bình quyền” của Người cũng chính là ý chí quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội trong sự nghiệp chung tay xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng vững bền dành cho phụ nữ...

NGUYỄN THỊ THU HẰNG
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.