Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em ngay từ trong gia đình

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngôi nhà là nơi an toàn cho trẻ sinh sống, học tập và trưởng thành, song cũng là nơi có nguy cơ xảy ra thương tích cho trẻ. Do đó, cha mẹ cần cẩn trọng trong quá trình chăm sóc trẻ, xây dựng môi trường sống an toàn để trẻ được phát triển toàn diện.

Hơn 50% tai nạn thương tích trẻ em là ở nhà

Tại Hội nghị tập huấn kiến thức phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; tác động của dịch bệnh Covid-19 và giải pháp hỗ trợ tâm lý trẻ em hậu Covid-19 do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức mới đây, TS Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đánh giá thực trạng chương trình tai nạn thương tích trẻ em ở Việt Nam và thế giới; nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích trẻ em; các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Trong đó, khi hè đang đến gần, vấn đề phòng chống đuối nước và xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ được đặt lên hàng đầu.

Lấy dẫn chứng từ vụ việc xảy ra cách đây 1 tháng, có 3 trẻ trong 1 gia đình ở Đăk Lăk đã ngã xuống ao nhà khi đang chơi; hay hai chị em rủ nhau ra vườn chơi chẳng may rơi xuống ao ở Thanh Hóa… TS Kim Hoa cho rằng, hiện nay, nhiều gia đình vẫn còn chưa ý thức được việc xây dựng một môi trường sống an toàn cho trẻ nhỏ. Thậm chí, nhiều gia đình ở chung cư cao tầng, nhưng không lắp đặt thanh chắn an toàn cho trẻ dẫn đến trẻ bị rơi ngã… Theo đó, tai nạn thương tích trẻ em xảy ra ở mọi quốc gia và mọi khu vực. Tai nạn thương tích ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của các em, mang lại nỗi đau khôn nguôi trong mỗi gia đình. Tại Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em đã giảm, từ 260.000 em năm 2010 xuống còn 160.000 em năm 2020. Tử vong do tai nạn thương tích cũng đã giảm từ 6.600 em năm 2010 xuống còn 4.000 em năm 2020. 

Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em ngay từ trong gia đình - ảnh 1
TS Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo tại Hội nghị (ảnh: Hà Lan)

Trong số các tai nạn thương tích ở trẻ em có 5 nguyên nhân gây tai nạn thương tích hàng đầu, nguy cơ gây tử vong cao ở trẻ em là: tai nạn giao thông, ngã, đuối nước, vật sắc nhọn đâm, bỏng. Đặc biệt, hiện nay, tình trạng trẻ em rơi ngã ở các chung cư cao tầng, trẻ em tự tử đang gia tăng. Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 đã đưa vấn đề tự tử trẻ em vào can thiệp phòng, chống tai nạn thương tích của trẻ. 

TS Kim Hoa cho rằng, địa điểm xảy ra tai nạn thương tích trẻ em chủ yếu là ở nhà (55% các vụ việc tai nạn thương tích xảy ra là ở môi trường gia đình); 27% các vụ việc tai nạn thương tích xảy ra tại cộng đồng. Các nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích trong nhà đối với trẻ thường do nhà cửa được sắp xếp thiếu ngăn nắp, thiếu hợp lý, đồ đạc bừa bãi dễ dẫn đến trẻ bị tai nạn thương tích khi tiếp xúc với điện, các vật nóng, bếp ăn, vật dễ cháy, vật sắc nhọn, hóa chất, các vật gây ngạt đường thở… Bên cạnh đó, các bậc thềm cao, cầu thang không có tay vịn, gác xép không có thành chắn, cây cao trong nhà, ao hồ, bể, giếng nước, hố vôi không được che chắn miệng hay súc vật nuôi trong nhà… đều có nguy cơ gây thương tích cho trẻ. “Trẻ thiếu sự giám sát, trông nom của bố mẹ hoặc người trông trẻ, không có kỹ năng hỏi chuyện trẻ trong lúc làm việc đều là nguyên nhân chủ quan khiến trẻ bị tai nạn trong chính gia đình mình. Tai nạn thương tích trẻ em có thể can thiệp và phòng tránh được” – TS Kim Hoa nhấn mạnh.

Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em ngay từ trong gia đình - ảnh 2
TS Vũ Thị Kim Hoa trình bày về thực trạng tai nạn thương tích trẻ em và xây dựng ngôi nhà an toàn cho cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở 

Xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ

Nhằm kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn thương tích trẻ em, đảm bảo tính mạng và sức khỏe trẻ em, hạnh phúc gia đình và xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 về Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030. Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã có Công điện số 01/CĐ-UBQGVTE đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em trong đó có phòng, chống đuối nước cho trẻ em và Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030. UBND cấp xã có kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ, công chức, các ngành, đoàn thể liên quan triển khai kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đuối nước, rơi, ngã và các nguy cơ mất an toàn khác tại địa bàn và các hộ gia đình, trường học, lớp học; có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở để bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em.

Ngày 6/5/2011, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH về việc ban hành tiêu chí “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em”, nhằm giúp các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ nhận biết, loại bỏ các mối hiểm họa xung quanh nhà và trong nhà có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ, đồng thời giảm tai nạn thương tích ở trẻ em tại gia đình và cộng đồng do các nguyên nhân trong sinh hoạt hàng ngày gây ra.

Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em ngay từ trong gia đình - ảnh 3
Minh họa tai nạn thương tích trẻ em

Theo đó, các gia đình cần đảm bảo khu vực xung quanh nhà phải có cửa, cổng, hàng rào chắc chắn, có độ cao phù hợp; ngõ và sân không trơn trượt; nền nhà có bậc thềm, các ao hồ chứa nước có rào chắn; giếng nước, bể nước có nắp đậy an toàn; các dụng cụ, đồ dùng nguy hiểm hoặc vật chứa chất độc hại nguy hiểm phải để trong kho chứa đồ an toàn. Bên trong nhà, các cửa sổ phải có chấn song, thanh chắn đảm bảo trẻ không chui qua được; cánh cửa phải có dụng cụ chắn khe cửa; phòng tắm phải dùng gạch chống trơn, không đọng nước; khu bếp cần sắp xếp gọn gàng không để trẻ tiếp xúc với dao, bật lửa, bếp ga… các ổ điện được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ. Các cầu thang phải có lan can, tay vịn… Bên cạnh đó, bố mẹ cần giám sát không để trẻ nuốt đồ chơi nhỏ vào bụng… 

“Tùy từng điều kiện, các gia đình cân nhắc khi xây dựng công trình nhà và xung quanh nhà, đảm bảo các tiêu chí an toàn cho trẻ. Các địa phương có thể thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng mạng lưới tình nguyện viên và tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, lợi ích của việc cải thiện môi trường gia đình và cộng đồng an toàn, các tiêu chí “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em”, đồng thời lập danh sách bình xét các hộ gia đình đạt tiêu chí “gia đình an toàn cho trẻ em” để đề nghị cấp chứng nhận, khen thưởng” – bà Kim Hoa cho biết. 

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, TS Vũ Thị Kim Hoa đã đưa ra thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng chống đuối nước trẻ em; tác động của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em; từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong công tác tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình quan tâm đến việc phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đuối nước, bảo vệ, chăm sóc trẻ hậu Covid-19…
 

Tin cùng chuyên mục

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.