Xây dựng môi trường sống tích cực để trẻ phát triển lành mạnh

Chia sẻ

Để hiểu hơn về việc thế nào là nuôi dạy trẻ đúng cách, giúp con phát triển lành mạnh, Đời sống gia đình đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tư vấn tâm lý Bùi Thị Hải Yến – Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam.

Thưa chị, chị đánh giá như thế nào về thực trạng nuôi dạy con của các ông bố, bà mẹ Việt Nam hiện nay?

Dân gian vẫn có câu “dạy con từ thuở còn thơ”, hay “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Đây dường như đang là châm ngôn giáo dục và chăm sóc trẻ của nhiều ông bố, bà mẹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh và xu thế hiện nay, không ít người đang hiểu và áp dụng chưa đúng.

Đồng tình rằng con trẻ cần được “dạy” từ thuở còn thơ, tức là cha mẹ cần có chiến lược để nuôi dưỡng, nuôi dạy trẻ ngay từ khi trong bụng mẹ, nhưng tôi muốn thay thế từ “dạy” bằng từ “đồng hành”, có nghĩa cha mẹ nên có sự kết nối, đồng hành với con từ thuở con còn ấu thơ và từng bước chia sẻ, giúp đỡ, định hướng cho con có hành động đúng với pháp luật, đạo đức.

Còn “Yêu cho roi cho vọt”, cá nhân tôi không hoàn toàn đồng tình. Khoa học tâm trí khi nghiên cứu con người đã chỉ ra rằng, nếu trong giai đoạn cửa sổ vàng (giai đoạn con từ 0-6 tuổi), nuôi con bằng tình yêu thương, môi trường tích cực, giúp chúng vun đắp ước mơ thì đứa trẻ lớn lên sẽ phát huy tốt mọi tiềm năng và nhẹ nhàng. “Cho roi cho vọt” chỉ nên cân nhắc áp dụng với các bạn nhỏ, vì lý do vô tình hoặc hữu ý nào đó có tư duy, quan điểm, niềm tin sai, lệch lạc so với chuẩn đạo đức, pháp luật, lệch lạc… cần có sự chấn chỉnh mà không còn biện pháp nào khác.

Trong khoa học tâm trí, khi cha mẹ hay ai đó đánh con trẻ mà không cho chúng thấy rõ được lý do vì sao thì sẽ làm các bạn ấy bị tổn thương tâm trí, hủy hoại tâm hồn.

Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, các nước phương Đông có tỷ lệ bạo hành con trẻ nhiều hơn so với phương Tây. Bạo hành ở đây không chỉ là dùng đòn roi, bạo lực mà gồm cả bạo hành bằng ngôn từ - hình thức bạo hành phổ biến nhất hiện nay. Đa phần các bậc phụ huynh không hề cố ý nhưng do chưa thực sự hiểu nên vô tình mắc phải. Rất nhiều bạn trẻ tuổi teen có dấu hiệu trầm cảm, khủng hoảng mà gốc rễ là do bị tổn thương bởi sự bạo hành ngôn từ, thái độ, cảm xúc, hành vi của bố mẹ khi các bạn ở tuổi mầm non.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Bùi Thị Hải Yến Ảnh: IntChuyên gia tư vấn tâm lý Bùi Thị Hải Yến Ảnh: Int

Những hành vi, lời nói mang tính tiêu cực, chưa chuẩn mực của cha mẹ ảnh hưởng tới con như thế nào, thưa chị?

Dựa trên mẫu nhỏ thống kê các khách hàng đến với trung tâm NHC cũng như các đơn vị phối hợp tư vấn của trung tâm thì thấy, hầu hết những trường hợp trẻ bị tổn thương đều xuất phát từ quá trình trải nghiệm các sự kiện trong cuộc sống hàng ngày. Với các bạn nhỏ thường có 3 môi trường tác động: gia đình, trường học, và môi trường xã hội. Tất cả những gì bố mẹ giao tiếp với nhau, bố mẹ giao tiếp với con, bố mẹ giao tiếp với ông bà, với bạn bè của bố mẹ mà con nhìn thấy sẽ đều đi vào tiềm thức và trở thành hình mẫu, nhất là khi khiến con có cảm xúc lớn thì con sẽ rất nhớ, ở sâu trong tiềm thức, trở thành lập trình, mô thức trong hành vi của trẻ.

Chẳng hạn khi một cô hàng xóm sang nhà chơi, khoe áo mới, người mẹ nói là: “Ôi hôm nay chị có áo mới đẹp thế, rực rỡ thế, trẻ ra bao nhiêu tuổi”. Nhưng khi cô hàng xóm đó đi về, đóng cửa lại thì người mẹ lại lầu bầu: “Khiếp, U50 rồi còn mặc áo lòe loẹt, trông chả ra làm sao”. Tức là lời mẹ nói khi người hàng xóm có và không có mặt đang mâu thuẫn. Chứng kiến điều đó con sẽ học hỏi. Một vài lần bạn ấy thử, chẳng hạn nói dối điều bạn ấy làm không đúng để tránh bị phạt hay khen dối lòng… và thấy việc đó có ích, dần dần bạn ấy sẽ thích hành vi này. Đến khi lớn lên, trẻ sẽ có thói quen không nói thật. Lúc đó bố mẹ mới phát hiện và thắc mắc rằng: “Sao những việc như vậy con cũng phải nói dối”, mà không biết rằng nguyên nhân do mình. Và điều đó hoàn toàn ảnh hưởng tới hành vi cũng như sự hình thành nhân cách của con sau này.

Vậy, theo chị, cha mẹ cần ứng xử và xây dựng môi trường sống tích cực lành mạnh cho trẻ ra sao?

Một người thầy của tôi từng chia sẻ: “Nếu như các bạn ở lứa tuổi mầm non được nuôi dưỡng trong môi trường tích cực thì ắt lớn lên sẽ trở thành thiên tài”. Vậy, thế nào là môi trường tích cực cho các con?

Đầu tiên, chúng ta cùng giải nghĩa từ “tích cực”. Tích cực ở đây là trạng thái mà mỗi con người cảm thấy thoải mái, cảm thấy được tự do, được là chính mình, có tình yêu thương, cảm nhận được sự yêu thương, ấm áp, rất mong muốn và sẵn sàng trao gửi đi tình yêu thương với tất cả mọi người. Đó còn là cảm giác sống may mắn, vui vẻ, phước lành, hài lòng với cuộc sống của mình, cảm nhận rõ tình yêu thương và sự tin tưởng, không có sự lo sợ, không có ám ảnh.

Để xây dựng môi trường tích cực, trước tiên cần rèn luyện từ ngôn từ hành vi của bố mẹ: Sử dụng ngôn từ tích cực, nói đơn giản, ngắn gọn, chính xác điều mình muốn với con (ngôn từ hướng tới mục tiêu). Ngôn từ đó phải dậy lên cảm xúc tích cực, hình ảnh đẹp đẽ. Ví dụ, thay vì nói: “Đừng có mà lười học, nếu không sau này con sẽ phải đi ăn xin” thì hãy nói là: “con cần chăm chỉ lên thì sau này mới thành công và giàu có được”. Cha mẹ tuyệt đối không dùng ngôn từ đe dọa, gieo nỗi sợ để ngăn cản hành động của các bạn ấy.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Về hành vi, phải làm sao để con thấy luôn có sự nhất quán giữa lời nói, hành vi và tâm tư, suy nghĩ của bố mẹ. Ví dụ câu chuyện chiếc áo của bà hàng xóm ở trên, việc không nhất quán trong lời nói của bố mẹ có thể sẽ khiến các con không tin tưởng nữa.

Trong dạy con, cha mẹ cũng cần đặt ra tiêu chí với con, làm bạn với con, cùng nhau bàn bạc xong tiêu chí thì cả hai mẹ con cùng làm và cha mẹ phải làm gương, nhất quán với tiêu chí đấy. Chẳng hạn việc giao nhiệm vụ mẹ quét nhà, con rửa bát. Nếu muốn ngày nào con cũng chủ động rửa bát thì ngày nào mẹ cũng phải chủ động quét nhà, đừng lý do rằng: “Hôm nay mẹ đi làm về mệt, nhà hôm nay không quét thì mai quét cũng được nhưng bát thì con phải rửa chứ nếu không mai không có bát ăn”. Như vậy là người mẹ không kỷ luật. Nếu mẹ không làm thì có thể nhờ con làm, trả phí cho con chẳng hạn. Muốn con trung thực thì mình phải trung thực trước và phải trung thực đến tận cùng. Nếu mình nói và không làm được thì con cũng sẽ sao chép. Khi nhìn thấy một hành vi lạ của con thì phải nghiệm lại mình, chẳng hạn nếu con nói dối thì phải xem lại mình hay chồng có nói dối không, nếu không phải xem xung quanh.

Hay một ví dụ từ câu chuyện cốc nước nóng. Thay vì dọa dẫm rằng: “dừng lại, đừng sờ vào đó, con bị bỏng đấy”, hãy cho con sờ bên ngoài cốc nước trước: “con thấy nóng không, để một lúc lâu nó mới nguội bình thường” và các bé sờ vào sẽ thấy nóng tay thật, thậm chí là rụt tay lại. Hãy cho các bé học hỏi từ những bài học như vậy bằng sự hiểu biết, đồng hành của người lớn (bố mẹ, ông bà, các anh, chị). Tức là chúng ta phải đứng bên cạnh để dẫn dắt nhẹ nhàng cho con, để đảm bảo con được an toàn mà vẫn khiến cho bé hiểu được kết quả nếu như có rủi ro xảy ra.

Môi trường tích cực còn là môi trường của tình yêu thương. Như một câu nói rằng “Với các ông bố, cái thứ duy nhất, cái thứ lớn lao nhất hay món quà tuyệt vời nhất mà các ông bố có thể cho con của mình được hạnh phúc là tình yêu đối với người mẹ”. Câu nói này có nghĩa rằng, trong một gia đình mà hai vợ chồng yêu nhau, ông bà yêu thương nhau, tất cả mọi người tôn trọng nhau, sử dụng những ái ngữ, mỹ từ trong giao tiếp với nhau thì sẽ tự khắc tạo ra môi trường tích cực cho con cái về mặt tinh thần.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

THẢO HƯƠNG (ghi)

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.