Xuân về trẩy hội làng Chuông

Giang Nam
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong những vùng đất làm nghề truyền thống thì làng nón Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là nơi khá đặc biệt. Với những kỹ nghệ làm nghề điêu luyện, vùng đất này đã từng có những chiếc nón được dùng làm cống phẩm để tiến dâng lên hoàng hậu, công chúa.

Không chỉ vậy, làng Chuông còn là nơi lưu giữ lễ hội xuân với điệu múa rồng cầu may, tích thổi cơm thi độc đáo. Chẳng thế mà, cứ cách quãng 5 mùa xuân, hội Chuông lại vang khắp xa gần với dòng người nô nức theo các đoàn rước nối nhau dài cả vài cây số.

Nô nức trong ngày làng mở hội

Từ trung tâm thành phố Hà Nội, tôi xuôi đường 21B để tìm về làng Chuông. Cũng thực lạ, nhắc đến làng Chuông ai cũng biết và tận tình chỉ dẫn. Thế mới biết, định danh “nón Chuông” hay “làng Chuông” đã ăn sâu, bén rễ và nổi tiếng khắp xa gần.

Đợi ở trụ sở ủy ban, ông Phạm Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung xiết tay thật chặt rồi đưa tôi dạo quanh làng. Ông bảo, muốn biết làng xã phát triển ra sao thì phải đi một vòng để hiểu và cảm nhận. Ven các xóm là trải dài những hình ảnh bích họa vui mắt, sạch sẽ. Hình ảnh chiếc nón – thương hiệu của làng nghề có thể thấy ở mọi nơi, mọi chốn. Nghe nói, xã Phương Trung hiện cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Và nghề truyền thống nón lá cũng góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế nơi đây.

Xuân về trẩy hội làng Chuông - ảnh 1
Hội làng Chuông với những màn trình diễn rồng cầu may.

Thấy tôi cứ đứng ngắm mãi những hình ảnh đẹp của lễ hội làng được treo trang trọng nơi góc đình, ông Phạm Ngọc Bảo chia sẻ, mỗi lần hội được mở là một lần tình làng nghĩa xóm trở nên thắm thiết. Hội là dịp để những người con xa xứ tìm về, là dịp để anh em đoàn tụ, là dịp để người với người gần nhau hơn.

Hội của làng nón Chuông có không ít điều lạ. Và căn nguyên làm nên sự lạ ấy là việc người trong xã đều chung một làng. Theo lời Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung, hội được mở từ ngày 9-11/3 Âm lịch. Hội phát tích từ đâu và từ năm nào thì ngay cả những cụ cao niên nhất trong làng đến nay cũng không rõ. Chỉ biết rằng, người làng Chuông cứ sinh ra và lớn lên đã thấy có hội. Ngay như ông Bảo cũng vậy, từ lúc còn lẫm chẫm, ông đã được mẹ, được bà dắt đi xem hội. Đến nay, là một cán bộ xã và cũng được giao phụ trách công tác bảo tồn di tích nhưng để truy tận cùng đáp án hội làng phát tích, khởi nguyên từ khoảng thời gian nào thật sự vẫn là câu hỏi khó.

Tuy nhiên, có một điểm không thể phủ nhận là suốt cả trăm năm nay Phương Trung được định danh trong tên gọi một xã lớn nhưng chỉ duy nhất có một làng Chuông. Nói nôm na, ở vùng đất Việt cổ Đồng bằng sông Hồng, không nhiều ngôi làng trở thành đơn vị hành chính cấp xã như làng nón Chuông. Định danh “nhất làng nhất xã” cũng vì thế trở thành nét độc đáo riêng có của người dân nơi đây. Chẳng thế mà, người Phương Trung đến nay vẫn thích được gọi thân thương bằng cái tên “người làng Chuông” hơn là định danh hành chính cấp xã.

Cả xã là người cùng làng, bởi vậy, sự cố kết cộng đồng, chung tay tổ chức hội ở Phương Trung cũng thuận lợi hơn các địa phương khác. Từ khâu kêu gọi người dân tham gia hội đến việc cắt cử, phân công các nhiệm vụ để hội Chuông được thành công đều diễn ra trơn tru. Ai nấy chỉ sợ mình không được góp tên, góp sức cho làng trong ngày hội chứ tuyệt nhiên chẳng có chuyện chây ỳ, trốn tránh. Ông Bảo vẫn nhớ như in, ngày làng mở hội, đường phố như hẹp lại với đoàn rước kéo dài cả 2-3 cây số. Người xem hội nối nhau chật cứng. Tiếng reo hò, cổ vũ không ngừng nghỉ.

Mãn nhãn điệu múa rồng cầu may

Theo lời các cao niên trong vùng thì làng Chuông thờ lục vị thành hoàng gồm hai vị thiên thần (Đức thiên thần Địa kỳ và Thổ kỳ), bốn vị nhân thần là Đức Phùng Hưng, Đức Đỗ Huệ, thánh mẫu Tiên Dung và Đức Nguyễn Xí. Đây đều là những vị có công với làng và được nhân dân suy tôn. Hội Chuông cũng nhằm tưởng nhớ những vị có công mở đất, giữ làng.

Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung Phạm Ngọc Bảo chia sẻ, xác định mục tiêu giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống là cấp bách và quan trọng hàng đầu nên từ cấp ủy, chính quyền đến nhân dân địa phương đều nhất quán rằng các thông lệ, nếp xưa của lễ hội phải được giữ gìn ở mức cao nhất, theo đúng như hương ước làng.

Xuân về trẩy hội làng Chuông - ảnh 2
Một góc làng Chuông khang trang.

Điểm thay đổi, có chăng là ở thời gian mở hội. Chẳng là, thuở xưa các bậc tiền nhân có quy định, hội xuân năm nào cũng mở nhưng phải là năm có tháng nhuận thì làng Chuông mới mở hội lớn. Qua những biến động xã hội, người làng thống nhất 5 năm sẽ rước hội lớn một lần. Gần đây nhất là năm 2023, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân và thống nhất mở hội khi dịch bệnh được đẩy lùi. Cũng bởi sự đồng lòng ấy nên năm 2023 hội được tổ chức trang trọng, bề thế. Hội kéo dài từ ngày 9-11/3 Âm lịch với phần rước, đón sắc từ các đền thờ thành hoàng về đình.

Nhắc đến nét độc đáo của lễ hội làng Chuông, chị Nguyễn Thị Khánh Linh - công chức Văn hóa xã hội xã Phương Trung chia sẻ, hội Chuông đã từng đi vào thơ ca dân gian và có định danh hẳn hoi. Cho đến nay người trong làng ngoài xã vẫn bảo nhau rằng: “Mồng mười đi chợ Chuông chơi/ Xem đánh cờ người, xem thổi cơm thi”. Ngày trẩy hội là ngày vui chung của những người con làng Chuông. Ngày hội cũng là dịp nam thanh nữ tú trong vùng kéo đến để gặp gỡ, hẹn hò và giao duyên.

Chị Nguyễn Thị Khánh Linh kể, dù đã được đi nhiều nơi, tham dự nhiều lễ hội nhưng tại làng Chuông, luôn có ba tiết mục thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong vùng là xem trình diễn múa rồng, xem đấu cờ người và hòa mình vào tiết mục thổi cơm thi. Hội Chuông mở năm nào cũng có phần nghi thức rước rồng. Người dân làng Chuông đều cho rằng, rồng là linh vật tượng trưng cho sự cao quý. Rồng còn là hình ảnh mang lại mưa thuận gió hòa, đời sống no cơm, ấm áo cho nhân dân. Bởi vậy, việc có những màn trình diễn múa rồng giúp cho lễ hội được trọn vẹn. Những chàng trai làng Chuông cũng thông qua lễ hội, qua đội múa rồng mà phô diễn được sự dẻo dai, khỏe khoắn trước thiếu nữ trong làng. Tục thổi cơm thi cũng vậy. Theo tích xưa truyền lại thì căn nguyên tích này nhằm phục dựng lại cảnh các tráng binh của làng dưới sự chỉ huy của hào kiệt Đỗ Huệ hành quân đánh giặc Đường dưới cờ khởi nghĩa của vua Phùng Hưng. Việc hành quân quý ở chỗ thần tốc, bởi vậy những tráng binh vừa hành quân vừa nấu cơm.

Ngày nay, những người tham dự nội dung thi nấu cơm đều là những phụ nữ trẻ trong vùng. Trong trang phục áo tứ thân, nón quai thao, những người phụ nữ làng Chuông đã thể hiện sự khéo tay khi hoàn thành nhiều công đoạn nấu cơm như vo gạo, nhặt thóc, sạn, rửa niêu, nhóm lửa. Với đôi quang gánh trên vai, chiếc niêu đất đung đưa nhưng những người phụ nữ làng Chuông vẫn khéo léo thổi cơm được chín đều, không khê, không nhão. Kết thúc ba hồi trống nổi dồn dập, hai bên quang gánh của những người phụ nữ cũng ướt đẫm mồ hôi áo nhưng trong mắt họ, ai nấy đều lấp lánh niềm vui.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cùng đạp xe để bảo vệ môi trường

Cùng đạp xe để bảo vệ môi trường

(PNTĐ) - Không sử dụng những phương tiện đi lại thuận tiện như xe máy, ôtô, nhiều người dân Hà Nội hiện nay đã chọn xe đạp để “xê dịch”. Việc sử dụng phương tiện xanh như xe đạp đã và đang góp phần trực tiếp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng sức khỏe cho người sử dụng và hơn hết hoạt động này phù hợp với xu thế của xã hội hiện đại.
Những bông Hoa chùm ngây tỏa hương thiện nguyện

Những bông Hoa chùm ngây tỏa hương thiện nguyện

(PNTĐ) - Cứ đều đặn chiều thứ ba hàng tuần, nhóm thiện nguyện của các chị em phụ nữ mang tên Hoa chùm ngây lại chuẩn bị mấy trăm suất ăn miễn phí, sau đó chuyển đến Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, huyện Thanh Trì) để trao tặng những bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn và người nhà của họ.
Món quà 8/3 yêu thương

Món quà 8/3 yêu thương

(PNTĐ) - Khi mẹ chồng lên thành phố trông cháu, cuộc sống của gia đình Hương như đảo lộn. Những bất đồng nhỏ nhặt cứ tích tụ dần, tạo thành một bức tường vô hình ngăn cách hai mẹ con.