Yêu thương bằng... khắc khẩu

Công Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) -

- 7 tháng đã cho nó đi nhà trẻ, con có bị làm sao không đấy?

Bà Tâm la toáng lên với con gái út khi vừa nghe được tin vợ chồng cô định đưa con gái đầu lòng, mới 7 tháng tuổi đi nhà trẻ, để tiện đi làm. Bà ra sức thuyết giảng về việc cho cháu bà đi nhà trẻ như thế là quá sớm, ảnh hưởng tới sự phát triển của cháu, rồi vấn đề giáo viên, người trông trẻ bây giờ phức tạp, “hoặc nếu các con chưa tìm được người giúp việc thì có thể mang cháu sang đây bố mẹ trông tạm thời, có làm sao đâu”, bà Tâm lấy hết kiên nhẫn nói.

Nhưng dù bà có nói hết lời thì Như, con gái bà vẫn một lòng như cũ. “Vợ chồng con đã chọn được trường phù hợp cho cháu. Hơi sớm nhưng cũng không phải là không có cách. Nước ngoài người ta cũng cho đi học sớm như thế nhiều lắm, rồi đều lớn đều ngoan cả mẹ ạ!”.

- Mày thì suốt ngày lôi cái nước ngoài của chồng mày ra lên mặt với bố mẹ mày thôi! Nhìn sang chị Ngọc mà xem, có để bố mẹ phải càu nhàu bữa nào không, con cái như ý, vợ chồng đàng hoàng, êm ấm…

Yêu thương bằng... khắc khẩu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bà Tâm nói chưa dứt lời, Như đã xách túi lên đi về. Chồng bà Tâm ở trong bếp, nghe được hết chuyện, nghe cả tiếng con gái giận dữ bước ra khỏi nhà, ông chạy vội ra, khuyên vợ:

- Tôi đã bảo bà rồi, lúc nào nói chuyện với cái Như thì đừng lôi chị nó ra so sánh. Cứ hễ bà lôi cái Ngọc ra là y rằng mẹ con lại không nhìn mặt nhau nữa…

Như một sự mặc định, từ lâu, bà Tâm và Như – con gái út của mình có một xích mích không thể hóa giải. Đó là trong khi Ngọc, con gái đầu của bà ngoan ngoãn, giỏi giang, nghe lời bố mẹ chọn một công việc ổn định, rồi lấy chồng cũng có chức tước, địa vị, sinh được hai con một trai một gái, làm ông bà Tâm mở mày mở mặt. Thì Như ngược lại với chị mình. Cô muốn tự do quyết định tương lai, nên bỏ ngoài tai lời khuyên học đại học trong nước ở một trường có tiếng. Thay vào đó, cô xin học bổng, ra nước ngoài du học một ngành mà bị bố mẹ cho là “vớ vẩn”. Về nước, cô mang theo tấm bằng cùng người yêu châu Phi và bụng bầu sắp tới ngày vượt cạn. Bà Tâm không thể nào nở nổi nụ cười khi chào đón con gái. Thứ nhất là lâu nay nó vẫn cãi mình chem chẻm. Thứ hai là nó yêu đã đành, đây lại còn có bầu với một người đàn ông châu Phi mà bố mẹ chưa biết rõ lai lịch. Và thứ ba, hơn cả, đấy là bà mất mặt vô cùng với họ hàng, hàng xóm. “Sao nó không xin của cái Ngọc một tí nghe lời bố mẹ được nhỉ”, bà chua chát than vãn với chồng.

Yêu thương bằng... khắc khẩu - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu. Như lập gia đình với chồng ngoại quốc, hai vợ chồng cũng thuê nhà, rồi làm việc ngay thành phố, không xa nhà mẹ đẻ cô là mấy. Vì thế, cuối tuần, cả đại gia đình lại tụ tập ở nhà bà Tâm. Trong khi vợ chồng Ngọc có ôtô to, mỗi lần đến mang theo cơ man là quà cáp, đồ ăn thức uống biếu bố mẹ, thì vợ chồng Như lái xe máy, thi thoảng mới mang theo túi hoa quả hoặc đồ ăn. Thái độ của bà Tâm lúc đón các con cũng khác. Bà vội vàng, tươi cười chạy ra đỡ các con của Ngọc từ lúc chúng chưa xuống xe, nhưng với nhà Như, bà cứ ở trong bếp cho đến khi con rể tây lơ lớ cất tiếng chào từ cửa. Trong bữa ăn cũng vậy, bà lắng nghe câu chuyện của con gái cả, con rể cả rất ôn tồn, chăm chú, nhưng với vợ chồng con gái út, bà chỉ qua loa. Chồng bà đành phải đỡ cho vợ, hỏi thăm “bù” các con. Kể cả đến lúc về, bà cũng không bế con gái Như, dù bé con mới vài tháng tuổi. Bà lại bế con của Ngọc dù các cháu lớn cả rồi. Lúc chồng bà huých tay vợ nhắc khéo, bà gạt ra: “Con bé ấy khó tính, ai bế cũng khóc. Mỗi mẹ nó bế được!”.

Sự “phân biệt” ấy rõ rành rành nên ai cũng biết. Và với riêng Như, một cô gái cá tính, vốn hay cãi mẹ thì càng cảm thấy mình bị cô lập. Khó có thể chấp nhận, dù vẫn rất yêu và kính trọng mẹ, nhưng cô vẫn muốn “trả đũa”. Cô không gửi con cho mẹ trông để đi làm mà chọn cho con đi trẻ luôn cũng là vì thế. Mục đích chính của cô là để mẹ phải quan tâm hơn tới mình, nhưng mẹ lại so sánh cô với chị gái, khiến cô càng không thể kiểm soát được sự giận dữ và bỏ đi.

Là người đứng giữa, chồng bà Tâm cũng rất khổ sở khi vợ và con gái chiến tranh lạnh lâu như vậy. Rất nhiều lần ông thẳng thắn với bà Tâm: “Nó không nghiện ngập, hút chích, không hư hỏng, nó tự quyết được cuộc đời nó thì sao bà không để nó quyết, rồi chấp nhận và dõi theo nó? Sao bà cứ bắt nó phải theo mình mãi thế?”. Rồi với con gái, ông liên tục khuyên bảo, nhắn tin dỗ dành, phân tích, “mẹ vậy thôi chứ các con đều quan trọng như nhau với mẹ”. Nhưng đáp lại ông, đều là những sự im lặng, hoặc ừ hữ, vâng dạ cho qua, rồi đâu lại vào đấy. Ông cũng không còn cách nào khác, nhờ Ngọc – con gái cả thì cô cũng khó xử, không biết phải mở lời thế nào khi vô tình chính mình là nguồn cơn của mâu thuẫn, mà nói chuyện với rể Tây thì càng khó.

Yêu thương bằng... khắc khẩu - ảnh 3
Ảnh minh họa

Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, mâu thuẫn của mẹ và con gái chưa biết lúc nào sẽ được giải tỏa. Một ngày, cô trông trẻ gọi cho Như báo con cô bị sốt cao, phải đến đón về đi viện. Đưa con đi cấp cứu mà Như hoảng hồn, vừa ôm con vừa khóc không thành tiếng. Không hiểu sao mà bà Tâm cũng biết tin. Vợ chồng bà lao ngay vào bệnh viện Nhi, thấy Như ngồi ôm con, thần mặt ra, trên người cháu ngoại cắm ống truyền, bà Tâm tí nữa thì ném cái túi xách vào người con gái: “Sao mày dại thế hả con, tao đã bảo rồi, để nó cho tao trông thì không để!”, bà vừa nói vừa giàn dụa nước mắt.

- Mẹ có thương con đâu mà phải làm thế, Như thất thần nói, giọng nhẹ bẫng.

Không khí đặc quánh cả lại. Cho đến khi rể Tây cùng bác sĩ tiến lại giường con gái Như, mọi người mới thở đều hơn một chút. Bác sĩ kết luận con gái Như bị viêm phổi cấp, dấu hiệu đã có từ lâu nhưng có lẽ bố mẹ bận rộn hoặc thiếu kinh nghiệm mà không để ý tới.

Suốt một tuần bé con nằm viện, bà Tâm túc trực bên cháu ngoại gần như 24/24. Chăm cháu, đút cháo cho cháu ăn, bà nấu cả đồ ăn cho hai vợ chồng Như nữa. Bố Như chỉ đưa đón vợ, ông chủ động không vào cùng, để nhân cơ hội này Như và mẹ hiểu nhau hơn. 

Không biết tình hình có được cải thiện không, nhưng ngày con gái Như được ra viện, bà Tâm đề nghị vợ chồng Như đưa cô bé về nhà bà để bà chăm cho kỹ. “Hai đứa đi làm suốt, thời gian đâu mà chăm con!”. “Thì con xin nghỉ”, Như bảo. “Nghỉ thì lấy gì đổ vào mồm”, bà Tâm “độp” lại ngay tức khắc.

Chồng bà Tâm đang định ngăn cơn sóng sắp trào như mọi lần thì bỗng dưng, trời vẫn yên, biển vẫn lặng. Lúc nghe Như lí nhí “vâng ạ”, ông thấy dường như cánh cửa ngăn cách giữa hai mẹ con đã được mở rồi.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.