Yêu thương sai cách
(PNTĐ) - Ngày đón Huệ về làm dâu, bà Lĩnh rất mừng. Vì Toản - con bà cưới được một cô giáo mầm non xinh xắn, dịu dàng, thì có nghĩa là nó đã trưởng thành, đã thay đổi, tu chí rồi chăng?
Toản là niềm tự hào và cũng là nỗi khốn khổ dày vò bà Lĩnh. Được bố mẹ nuôi nấng ăn học đàng hoàng, tử tế, có công việc ổn định, những tưởng một ngày không xa, Toản sẽ báo hiếu bố mẹ. Báo hiếu thì không nhưng báo nhà thì có. Toản dính vào đỏ đen và si mê tới mức mông muội. Chỉ trong dăm năm trời, Toản khiến bố mẹ phải bán dần bán mòn những gì quý giá nhất trong nhà. Từ miếng đất, cái xe máy, rồi đến cầm cố sổ đỏ ngôi nhà đang ở, ông bà Lĩnh đều đã mang ra để chuộc thằng con trai khỏi những người đòi nợ.
Đúng lúc đó, Huệ xuất hiện, trở thành người yêu của Toản. Thời gian này, bỗng dưng Toản “ngoan” hơn, không còn báo nhà nữa. Huệ là một cô giáo mầm non mới ra trường, xinh xắn và dễ mến. Cô không biết nhiều về quá khứ của Toản, chỉ biết hiện tại anh rất tốt, rất yêu và gắn bó với cô. Toản đưa Huệ về gia đình ra mắt, xin cưới. Bà Lĩnh vui lắm, cả trong giấc mơ bà cũng thấy mình chẳng còn gì mãn nguyện hơn.
Đám cưới vừa mới xong được mấy ngày, danh sách khách mời còn đang kiểm đếm lại xem người ta mừng cưới bao nhiêu, mai này còn mừng lại thì… số tiền cưới không cánh mà bay. Chỉ mới cách đó vài tiếng, Huệ và bà Lĩnh vừa lấy máy tính cộng đi cộng lại, tổng được hơn năm mươi triệu. Bà Lĩnh giao hết cho con dâu, Huệ mang cất kỹ vào tủ quần áo, khóa lại. Kỹ càng đến vậy mà vẫn bị đánh cắp. Hai mẹ con buồn rười rượi, bà Lĩnh không dám nói sự thật với Huệ. Bà biết ai là người lấy. Chính là cậu con trai tưởng đã “quay đầu” của bà.

Chẳng cần bà Lĩnh phải nói, thì mấy hôm sau, Huệ cũng nhìn ra chân tướng sự việc. Vô tình, cô tận mắt nhìn thấy Toản đang lục tung cái tủ để tìm mấy chỉ vàng. Số vàng đó là của bố mẹ và họ hàng bên nhà Huệ trao cho cô trong ngày cưới. Huệ ngỡ ngàng, cô chặn đứng chồng giữa cửa và gặng hỏi cho ra mọi nhẽ. Toản lấp liếm được Huệ lúc đó. Cô tạm tin, nhưng rồi số vàng vẫn ra đi không một lời từ biệt, ngay hôm sau đó.
Sự việc khiến bà Lĩnh không thể giấu con dâu được nữa. Bà kể lại hoàn cảnh gia đình mình, về những cay đắng và nhục nhã mà Toản gây ra cho bố mẹ. Huệ cứ ngây người ra, nước mắt lã chã rơi. Bà Lĩnh ôm con dâu, tha thiết “mẹ xin con, con thương lấy nó…”.
Vì tình yêu vẫn còn, mà đã là vợ chồng đâu thể bỏ nhau một sớm một chiều, nên Huệ vẫn bao dung cho Toản một cơ hội. Nhưng Toản gạt đi cơ hội đó. Phải rồi, đến bố mẹ đẻ, anh ta còn bòn rút đến tận cùng những gì ông bà cả đời mới kiếm được, thì với vợ, có là gì đâu! Một thời gian sau khi lấy trộm tiền và vàng cưới, Toản “mang về” cho bố mẹ và vợ thêm một khoản tiền ba trăm triệu. “Nó chơi cá độ thua, bây giờ cả gốc lẫn lãi là từng ấy, nó bảo về đây ông bà trả tiền”, nhóm đòi nợ thuê hất hàm, mắt láo liên nhìn ngó ngôi nhà, vốn đã chẳng còn gì đáng giá.
Toản bỏ trốn từ dạo ấy, mất tăm mất tích, không cả liên lạc với gia đình. Bố Toản chán chường, theo bạn vào miền trong xin làm bảo vệ. Hai người đàn ông bỏ đi theo hai cách riêng, để lại một gánh nặng đến nghiệt ngã lên vai bà Lĩnh. Huệ cũng bất lực, cô chẳng biết phải làm thế nào khi bây giờ lại còn bụng mang dạ chửa…
Hai người phụ nữ cứ lầm lũi sống trong căn nhà thiếu vắng đàn ông. Huệ xin nghỉ việc, ở nhà nhập hàng bán online vì đồng lương giáo viên mầm non mới ra trường không thể đủ sống. Bà Lĩnh xin đi nấu ăn cho công ty ở gần nhà. Hai mẹ con dồn lại, ăn uống, tiêu pha tiết kiệm một chút thì cũng dư ra để trả lãi hàng tháng cho Toản, để những tên đòi nợ kia không đến quấy phá, làm nhục nhã thêm nhà bà Lĩnh nữa.

Huệ sinh con và cô gần như không làm việc được nữa bởi toàn thời gian dành cho con hết rồi. Lúc này, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào bà Lĩnh. Tiền bạc trở thành nguyên nhân hàng đầu mở màn những bất đồng. Cái khó bó cả tình cảm, khiến mẹ chồng - con dâu từ chỗ yêu thương nhau trở nên chấp nhặt nhau nhiều cái. Bà Lĩnh đi làm tới 7 - 8 giờ tối mới được về, có hôm đón bà ở nhà là chậu bát bẩn từ sáng, chậu quần áo đầy ự từ bao giờ chưa giặt. Trong nhà, bà thấy con dâu đang nằm bấm điện thoại, thằng cu cháu nằm cạnh đã ngủ say. Bà khẽ nén cơn giận, bảo rằng: “Thằng bé ngủ thì con tranh thủ dọn qua cái nhà giúp mẹ…”.
Huệ cũng không vừa: “Người ta bảo bà đẻ phải kiêng nước, kiêng gió tới 3 tháng 10 ngày. Con mới đẻ có hơn 2 tháng mà mẹ…” Rồi cô lại bấm điện thoại tiếp. Hay như lần bà Lĩnh chuẩn bị bán lứa gà thì phát hiện thiếu mất 2 con. Bà hỏi Huệ, cô hồn nhiên đáp là cô bắt rồi thuê người làm thịt, mang về nấu cháo. “Gà này là con mua giống về, con lấy con ăn thì có sao đâu mẹ? Cũng phải có bữa cải thiện chứ!”. Bà Lĩnh đứng hình. Chả nhẽ bà vặc lại, rằng mày mua nhưng công tao chăm còn khổ hơn nhiều!
Những mâu thuẫn kiểu đó cứ kéo dài, nhỏ nhặt thôi nhưng ghim chặt vào trong lòng hai người phụ nữ, khiến họ dần xa cách. Một ngày, Huệ vô tình đọc được tin nhắn của bà Lĩnh gửi cho cô em gái của bà, than rằng con dâu vừa lười vừa láo, bà phải nuôi báo cô hai mẹ con Huệ. Sở dĩ cô đọc được vì chính cô là người lập ra tài khoản mạng xã hội này cho bà Lĩnh. Một trận cãi nhau ầm ĩ giữa mẹ chồng và nàng dâu nổ ra. Không ai chịu ai, ai cũng có cái lý của mình. Nói nhiều thành dại, bà Lĩnh lôi cả bố mẹ Huệ ra để cạnh khóe, rằng không biết dạy con. Huệ cũng không vừa, cô nói mình hối hận vì lấy phải người tệ bạc như Toản. “Tôi cấm chị xúc phạm đến con trai tôi”, bà Lĩnh bảo vệ Toản. “Thế còn bà, bà xúc phạm cả nhà tôi còn gì…”, Huệ gay gắt không kém.
Huệ mang con bỏ về ngoại ở. Bà Lĩnh không cản, cơn giận của bà vẫn đang ngút ngàn. Vậy là đến lúc này, căn nhà chỉ còn lại bà Lĩnh. Cũng chẳng còn chậu bát, chậu quần áo bẩn chờ bà nữa, vì có mình bà ở thôi mà. Nhiều hôm, trở về nhà trong sự mệt nhoài, bà nhìn ngó quanh nhà, hiu quạnh và thiếu vắng, than thở vì sao mình sống chẳng tới nỗi nào, mà cuộc đời bất công với mình đến thế?
Đã mấy tháng trôi qua, Huệ vẫn chưa trở về, vẫn ở nhà ngoại. Không một cuộc điện thoại hỏi han mẹ chồng. Bà Lĩnh nhớ cháu nội đến quay quắt, nhưng bảo bà đi thăm, thâm tâm bà không làm được. Không chịu được cảnh ở nhà một mình, nên bà đóng cửa cài then, khăn gói lên thành phố xin làm giúp việc. Bà nghĩ, có khi Tết cũng chẳng cần về, vì ngoài cái nhà trống hoác kia ra, cũng đâu còn ai đón mình!