Miền ký ức lắng sâu trong “Nắng dậy thì” của thi sĩ Nguyễn Ngọc Hạnh

NGUYỄN TRƯỜNG TAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vốn là một nhà giáo chuyển sang nghề viết báo, làm thơ nên Nguyễn Ngọc Hạnh vẫn giữ nguyên dáng vẻ hiền lành điềm đạm vốn có trong cốt cách của mình. “Nắng dậy thì” là tập thơ thứ 4 của anh vừa xuất bản đầu năm nay.

Đọc thơ của thi sĩ Nguyễn Ngọc Hạnh khá lâu và khá nhiều, từ khi bài thơ Làng của anh đăng trên báo Văn nghệ thời bao cấp. Sau này thân quen, gần gũi gặp gỡ quanh chén rượu ly bia mà trở nên thân thiết.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là người quảng giao, tiếp chuyện với anh rất khó đong đếm về thời gian.

Vì thế mà có lần hai anh em bị bảo vệ nhốt xe trong phường Phước Ninh vì quá khuya do câu chuyện thơ không dứt ra được. Chuyện văn chương chữ nghĩa, chuyện về nghề dạy học của chúng tôi luôn tâm đầu ý hợp, nên ngày càng trở nên quý mến.

Anh tự sự “Từ cái làng ven sông Vu Gia đất mẹ, tôi đến với thơ vẫn còn một chút vụng về quê kiễng, nhưng đó là niềm đau chân thành, không giả vờ, không tô vẽ”. Và thật vậy, thơ anh bài nào cũng nhuốm một nỗi buồn man mác dù là giai điệu tình quê, âm hưởng gia đình hay khúc ca đôi lứa…

Đọc “Nắng dậy thì”, trước hết người đọc có thể nhận ra ngay được sự đồng cảm về dáng hình người mẹ đồng quê trên những đồng làng dọc bờ bãi các con sông chảy xiết nơi miền Trung dấu yêu mà trong đó giòng Vu Gia chảy quanh Đại Lộc là một điển hình của sự thơ mộng.

Miền ký ức lắng sâu trong “Nắng dậy thì” của thi sĩ Nguyễn Ngọc Hạnh - ảnh 1
Tập thơ "Nắng dậy thì" của tác giả Nguyễn Ngọc Hạnh.

Sự níu kéo ràng buộc của hai hình ảnh thơ đã phơi bày sự nhớ thương dĩ vãng miền thơ ấu nơi triền sông quê hương bên lỡ bên bồi, nơi mẹ thường ngồi giặt áo ngày xưa đã xới lên trong tâm thức người thơ những rung cảm nhẹ nhàng mà lắng sâu:

Con sông quê đầu nguồn

Nơi tôi tắm giấc mơ tuổi nhỏ

Nơi mẹ một mình ra sông giặt áo

Cứ lặn lờ con nước trôi.

                          (Phút xa làng)

Người thơ không nói nhiều bằng những ngôn ngữ chắt lọc đậm màu triết lí hay những ẩn dụ cao sang mà chỉ những câu chữ bình thường nhưng chở đầy xúc cảm. Thi sĩ đã dẫn dắt chúng ta về miền quá khứ đầy ám ảnh của những hình ảnh sâu đậm khắc trong kí ức.

Có gì bếp lửa cời than                    

Tàn tro đượm nồng hơi ấm                        

Mẹ ấp ủ tôi tay buồn chân lấm                          

Qua bao năm tháng cơ hàn                          

                                       (Vô thường)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: “Ý niệm về mẹ không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là an lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương cũng vậy. Cằn cỗi, héo mòn”.

Đọc thơ Nguyễn Ngọc Hạnh ta thấy tần suất xuất hiện của hình ảnh “mẹ ấp ủ tôi” trong tình thương bao la khá dày đặc, trong thơ anh nói chung và trong “Nắng dậy thì” càng đậm nét. Người yêu thơ anh cứ đọc và khắc khoải bởi những hình ảnh ấy.

Người đọc càng có tuổi thì sự ám ảnh của hình ảnh thơ càng day dứt những yêu thương về một tuổi thơ “cời than bếp lửa bởi bàn tay người mẹ ủ ấm cho con”.

Mạch xúc cảm về mẹ trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh có mối tương quan biện chứng giữa hình ảnh (hữu hình-metarial) và cảm xúc (vô hình-immaterial). Nhiều khi nhà thơ chỉ gợi và bắt chúng ta phải tự nhân ra và đồng cảm với nhà thơ trong cái vô hình của ngôn từ không diễn giải (no interpretation).

Đọc những câu thơ: “Giấc mơ về ngày mẹ sinh tôi/ trong vườn lá chuối khô thô ráp/ tiếng khóc chạm tiếng ve/ khúc hát trưa hè/ sông dọc bờ quê/ tiếng khóc lịm dần/ rơi giữa cơn mê/ rơi trong vườn bắp tẻ/ rơi xuống trần gian một kiếp người (Ngày mẹ sinh tôi)…

Chúng ta chỉ có thể cảm nhận (feel) mà không thể hình dung (visualization) vì cái “rơi xuống trần gian một kiếp người” đã cho chúng ta nghĩ nhiều về tình mẹ gửi gắm trong hình hài của kiếp nhân sinh mà mỗi con người sinh ra trên thế gian này đều phải gánh nhận.

Tình mẹ trong thơ anh thật gần gũi mà mênh mông vô tận. Cái tình ấy lẫn vào giòng Vu Gia quê nhà chảy mãi đến muôn đời: “Đục trong có lúc cạn sâu/ Thì sông vẫn mối tình đầu xa xưa/ Tôi về trong một chiều mưa/ Còn đâu, cả tiếng đò thưa vắng dần”. Sự mặc định gần như xuyên suốt cảm xúc là nỗi niềm gắn kết giữa giòng sông quê hương- mẹ- tuổi thơ đã tạo nên những ám ảnh trong xúc cảm khiến người đọc rưng rưng:

Tảo tần đời mẹ chân quê

Bao năm lặn lội đi về triền sông

                              (Lục bát qua sông)

Nhưng cũng có lúc hình ảnh mẹ đồng hiện thật gần gũi ấm áp tưởng như chúng ta đang được mẹ ôm ấp trong vòng tay yêu thương mặn nồng của tình mẫu tử:

Trăng phía thượng nguồn

Nghiêng soi bóng mẹ

Gối đầu lên bờ sông kia lặng lẽ

Lời ru buồn xô dạt bến trăng quê.                                     

                    (Trăng phía thượng nguồn)

Tự bao giờ dòng sông quê hương gắn chặt với bóng hình người mẹ trong tâm tưởng của người Việt Nam như thế. Dòng sông - người mẹ luôn hiện hữu để chở che cho chúng ta, nuôi ta khôn lớn với những suối nguồn yêu thương vô tận:                            

Con đò mẹ tôi mỗi ngày bơi qua chợ sớm

Chở một thời thơ dại đời tôi.

                                  (Lạc mất đường về)

Không phải bỗng dưng mà tất cả những con sông lớn chảy ngang qua làng quê Việt đều được gọi với cái tên thân thương, gần gũi, mộc mạc: Sông Cái. “Cái” là từ gọi mẹ thuần Việt cổ xuất hiện đồng thời với tiên tổ của người Việt dựng nước bên bờ Hồng Hà thân thuộc trong tâm tưởng người Việt. “Sông Cái” là sông mẹ, sông và mẹ đã có duyên phận từ ngàn xưa trong trái tim của con người Việt Nam.

Do đó sự gắn kết của hai hình tượng thơ dòng sông-Người mẹ trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh cũng là điều đương nhiên. Nhưng chắc chắn rằng không ai tạo được sự tương liên tương đồng của ngẫu cảm thơ nếu không có tình yêu nồng đượm với kí ức tuổi thơ như nhà thơ của “Làng”.

“Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi” Là hai câu thơ để đời của Nguyễn Ngọc Hạnh về xúc cảm quê hương, về cái làng nhỏ bé của tuổi thơ mình.

Tin cùng chuyên mục

Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.