“Ký ức kiều bào”: Những phận người Việt xa xứ bị lãng quên và hành trình hồi sinh qua từng nét vẽ
(PNTĐ) - Kí ức kiều bào: Lính thợ - Lao động Việt Nam đến Pháp giữa Thế chiến II là câu chuyện về những người lính thợ, hay ONS, một cách gọi các lao động người Việt Nam bị trưng tập bắt buộc sang Pháp làm việc trong Chiến tranh thế giới thứ Hai (1939-1945).

Thời bấy giờ, đã có khoảng 20.000 lính thợ sang “chính quốc” để lao động trong các công xưởng, nhà máy, đồng ruộng… Bị mắc kẹt vì cuộc chiến, một số người tự nguyện ở lại, một số người không thể hồi hương, còn những người hồi hương cũng gặp nhiều thăng trầm do danh tính “lính thợ”. Câu chuyện về họ cũng gần như bị vùi lấp trong cát bụi thời gian, ít được biết tới với cả người Pháp và người Việt Nam ngày nay.
Cuốn truyện tranh Kí ức kiều bào: Lính thợ - Lao động Việt đến Pháp giữa Thế chiến II mang đến câu chuyện sinh động về các lính thợ năm xưa, với những đóng góp không nhỏ cho nền sản xuất ở Pháp và sự ủng hộ nhiệt thành với Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam trong một giai đoạn đầy biến động của lịch sử thế giới.
Kí ức kiều bào: Chân đăng - Phu mỏ người Việt ở Tân Thế Giới đưa bạn đọc đến với khoảng thời gian gần 100 năm trước, khi những chuyến tàu thủy từ Hải Phòng vượt biển chở theo hàng nghìn nông dân Việt Nam tới các quần đảo ở châu Đại Dương xa xôi. Họ đi theo diện xuất khẩu lao động tự nguyện, làm việc với hợp đồng 5 năm thông qua các công ty tuyển dụng của thực dân Pháp. Những con người ấy được gọi là “chân đăng” (đăng kí một chân lao động).
Kí ức kiều bào: Chân đăng - Phu mỏ người Việt ở Tân Thế Giới khắc họa cuộc sống của những chân đăng làm phu mỏ ở New Caledonia xưa, từ đó hiểu thêm về một thế hệ người Việt tha hương. Mang theo những mưu cầu giản đơn, họ không thể ngờ rằng sẽ phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ và đương đầu với nhiều biến cố.
Hai cuốn truyện tranh mang đến câu chuyện sinh động về cuộc đời của những người Việt Nam sống xa quê hương trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, họ vẫn bộc lộ nhiều phẩm chất điển hình của người Việt: cần cù, dũng cảm, lạc quan, không chịu khuất phục trước nghịch cảnh và luôn hướng về quê cha đất tổ.
Với hai tập sách Kí ức kiều bào, họa sĩ Clément Baloup đã tái hiện những mảnh ghép quá khứ phức tạp của một cộng đồng người Việt Nam dường như bị lãng quên trong lịch sử. Mang hai dòng máu Pháp-Việt cùng mối quan tâm đặc biệt dành cho lịch sử và văn hoá Việt Nam, họa sĩ Clément Baloup đã khai thác các câu chuyện dưới nhiều góc nhìn khác nhau: so sánh sự khác biệt giữa góc nhìn từ những nhân chứng với quan điểm từ thế giới bên ngoài; những nỗi băn khoăn trước ngã rẽ số phận của con người khi tha hương; về mối quan hệ giữa các thế hệ (cha mẹ - con cái).
Dựa trên các những nghiên cứu lịch sử, tư liệu lưu trữ, các cuộc phỏng vấn và ghi chép cá nhân, họa sĩ Clément Baloup đã tái hiện một thực tại đan xen giữa quá khứ và hiện tại, trên những không gian rộng lớn, từ Việt Nam tới Pháp và New Caledonia. Theo anh, những trang truyện tranh mang đến cơ hội để anh chia sẻ những cảm xúc của mình, vì vẽ là khao khát bày tỏ suy nghĩ cá nhân, là sự đối thoại với quan điểm của người khác, là thể hiện với thế giới góc nhìn của riêng mình. Clément Baloup chia sẻ: “Kí ức sẽ dần phai nhạt trong tâm trí mỗi người, bởi vậy, tôi muốn dùng truyện tranh để gắn kết những kí ức mong manh ấy với các mốc thời gian giá trị, nhằm hé lộ những lẽ tất yếu của số phận con người”.