“Người cập rằng hầm xay lúa”: Cuốn tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng
(PNTĐ) - Nhân dịp kỉ niệm 136 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2024), NXB Kim Đồng đã tái bản cuốn sách “Người cập rằng hầm xay lúa” do nhà văn Nguyễn Công Hoan kể, họa sĩ Mai Long vẽ minh họa. Trong lần tái bản này, cuốn sách “Người cập rằng hầm xay lúa” được bổ sung phụ lục, là lời kể của các cựu tù Côn Đảo về Bác Tôn và một số cột mốc tiêu biểu trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Tác phẩm “Người cập rằng hầm xay lúa” được nhà văn Nguyễn Công Hoan viết vào năm 1959 và sửa lại năm 1976. Minh họa của họa sĩ Mai Long cho tác phẩm này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1978. Nhân dịp kỉ niệm 136 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản cuốn sách này, với mong muốn độc giả hôm nay hiểu thêm về một giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn, hơn 15 năm đấu tranh ở nhà tù Côn Đảo (1930-1945).
Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp biến nhà tù Côn Đảo thành “địa ngục trần gian” hòng đàn áp những người Việt Nam yêu nước. Thế nhưng, nơi đây lại trở thành “Trường học Cộng sản” - nơi tôi luyện phẩm chất, ý chí của nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng.
Tại hầm xay lúa tối tăm của nhà tù Côn Đảo, có một người chiến sĩ cộng sản, không khuất phục trước đòn roi tra tấn của cai ngục Pháp. Dù bị giao làm “cập rằng” (tù nhân quản lí tù nhân khác) - một vị trí hiểm nguy không khác gì “đi vào chỗ chết” bởi “họ bị anh em oán thù”, nhưng trong hoàn cảnh đó, người cập rằng ấy với lòng nhân hậu đã cảm hóa những người tù khác.“Một nơi địa ngục nhất trong cái địa ngục trần gian này biến thành một nơi có đầy tình nhân đạo”. Người ấy chính là đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước đầu tiên của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, và cũng là Chủ tịch danh dự của Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Việt Nam từ ngày Ủy ban được thành lập.
Đồng chí Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng về đức hi sinh, thương yêu những người cùng cảnh ngộ. Dù bị kẻ thù dùng nhiều thủ đoạn để bức hại, Người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng vẫn hiên ngang đối mặt và khéo léo vượt qua. Đối mặt với những kẻ côn đồ, lưu manh, Bác Tôn kiên trì cảm hóa, giác ngộ họ. Tác giả khắc họa thành công hình tượng Bác Tôn đầy nhân hậu, luôn bênh vực người yếu, dũng cảm chống lại bất công, trừng trị kẻ ác.
Với ngòi bút tả thực sắc sảo, lối dẫn chuyện lôi cuốn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, cùng những tranh minh họa sống động đầy cảm xúc của họa sĩ Mai Long, chỉ trong một dung lượng ngắn, “Người cập rằng hầm xay lúa” giúp độc giả hình dung rõ nét hơn chân dung người chiến sĩ cộng sản bất khuất và đầy nhân hậu Tôn Đức Thắng.
Trước đó, NXB Kim Đồng đã ra mắt nhiều ấn phẩm về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trong đó có thể kể đến: truyện dài Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày của nhà văn Đoàn Giỏi, tập sách ảnhTôn Đức Thắng - Nhà cách mạng bất tử do tác giả Nông Anh Chi biên soạn.
Với nhiều tác phẩm xuất sắc, nhà văn Nguyễn Công Hoan có đóng góp không nhỏ cho nền văn xuôi Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ thời sơ khởi. Đồng thời, với nhiều truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết có đề tài trực tiếp phản ánh thực tế xã hội đương thời, Nguyễn Công Hoan trở thành một trong những người đầu tiên xây nền móng cho dòng văn xuôi hiện thực phê phán Việt Nam. Nhiều tác phẩm của ông được chọn giảng dạy trong chương trình Ngữ văn của trường phổ thông và bậc đại học như: Người ngựa ngựa người, Kép Tư Bền, Tắt lửa lòng, Tinh thần thể dục, Bước đường cùng…
Họa sĩ Mai Long là một trong những tên tuổi tiêu biểu của nền hội họa Việt Nam, là một trong số 21 học viên của khóa Mỹ thuật Kháng chiến do danh họa Tô Ngọc Vân trực tiếp đào tạo. Ông là họa sĩ chính thực hiện bộ phim hoạt hình màu đầu tiên của Việt Nam “Bài ca trên vách núi”. Họa sĩ Mai Long để lại dấu ấn cho nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam qua các cuốn truyện tranh dân gian Việt Nam như Chuyện Ông Gióng, Âu Cơ - Lạc Long Quân, Tấm Cám, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Tú Uyên - Giáng Kiều…