Ra mắt cuốn sách Ngàn mùa hoa

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với mong muốn giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn mỗi khi muốn bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của mình, đặc biệt mong trẻ không ngại ngần, chau mày ủ dột mỗi khi làm bài tập làm văn, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giới thiệu đến bạn đọc cuốn Ngàn mùa hoa của cố nhà văn Băng Sơn.

Đọc Ngàn mùa hoa, chúng ta không chỉ cảm nhận được nét đẹp của thiên nhiên mà còn cảm nhận được nét bình yên của nông thôn xưa. Chúng ta được nhìn ngắm lại làng quê Việt những năm 70, 80 của thế kỉ trước với những gian nhà lợp mái tranh mỗi khi trời mưa thì từng giọt, từng giọt tí tách như đuổi nhau từ mái nhà chạy xuống đất, chiếc cổng nhà bằng tre xanh vì “một số gia đình mở thêm trại, trổ lũy tre thành cái cổng riêng”, hay chiếc cổng làng rợp bóng “mát rượi vì lũy tre hai bên mọc sát vào vòm cổng” (Cổng làng), những buổi trưa oi ả đám trẻ nằm võng kẽo kẹt nghe đâu đây vọng lại tiếng gà gáy, ...

Ra mắt cuốn sách Ngàn mùa hoa  - ảnh 1

Ngàn mùa hoa còn là một bức tranh nhiều màu sắc sống động được tác giả phác họa bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị. Dưới ngòi bút của ông, màu không chỉ là xanh đỏ tím vàng, mỗi màu còn có nhiều thang bậc khác nhau “màu vàng chanh của hoa mướp, hoa cải, màu vàng thư của hoa bí ngô” (Hoa vàng), “Đỏ tía là hoa chuối, Đỏ tươi là hoa vông, hoa gạo. Màu đỏ của hoa hồng có quanh năm... Mùa hè hoa mào gà đỏ đến chói mắt. Hoa lựu như những đốm lửa lập lòe về mùa hè.” (Hoa đỏ). Đôi khi, ngòi bút của ông không chỉ vẽ hoa mà còn vẽ cây, vẽ lá dẫu chúng non nớt “chưa đủ màu xanh mà hãy còn hồng hồng như chưa biết cuộc đời làm lá” (Rau láo nháo).

Dường như mọi vật qua góc nhìn của ông dẫu rất bình thường, đôi khi tưởng tầm thường, như cây rau sam, rau tập tàng nằm rạp mình trên đất, hay đơn giản là những giọt gianh “trông trong vắt” tí tách từ mái nhà tranh làm chỗ nước rơi “lõm sâu xuống, trơ ra vài miếng gạch hồng hồng, vài viên sỏi”, mái gianh “lơ xơ lác xác như một mái đầu lười cắt tóc” (Giọt gianh) cũng trở thành nỗi nhớ, niềm thương của người bé khi trở thành người lớn. Cái thuở bé bỏng mỗi buổi mẹ đi chợ về ngồi ngóng “cái dáng đi tất tưởi” của mẹ, ngóng cả món quà chợ mẹ cho khi thì cái bánh đa khoai, lúc là cái bánh chưng gù, một xâu hạt mít... Những món quà tuổi thơ giờ nghĩ lại đó còn là “tình thương yêu vô bờ bến của mẹ dành cho tôi” (Quà chợ). Có lẽ, nhà văn dùng ngôn từ vẽ lên từng cái lá, bông hoa, từng góc vườn, ruộng lúa không chỉ đơn giản muốn lột tả cái đẹp của quê hương, hơn hết ông muốn gửi gắm cả nỗi nhớ niềm thương về một nơi ông đã sinh ra và lớn lên, nơi có những kỉ niệm bên gia đình.

Quê hương là cánh cổng làng ẩn hiện sau lũy tre, là ngôi đình làng “bảy gian hai chái” được “xây gạch vồ, lợp ngói mũi hài, bốn góc gọi là bốn đầu đao cong vút lên, có cái đuổi con chịm phượng uốn cong” (Ngôi đình láng), là cái nùn rơm bố cầm theo ra đồng, là ổ rơm tắm đủ nắng hè, sưởi ấm cho người bé vào ngày đông lạnh giá. Cách nhà văn mô tả rõ nét từng chi tiết giúp người thế hệ cũ hoài niệm về một thời chân đất, nền nhà bằng đất nện được trang trí bằng hạt trám xinh xinh, còn người thế hệ mới đọc thì tò mò về những vật dụng thời ấy, ví như cái cối giã gạo, cái nùn rơm, ổ rơm... Thế là bạn nhỏ thời hiện đại lại tò mò tìm hiểu, tò mò khám phá những gì đã đi vào trí nhớ của người lớn, những gì đã nằm lại trên dòng chảy lịch sử phát triển của đất nước.

Nét thân thương của làng quê không chỉ ở cỏ cây hoa lá, ở góc vườn nhà hay mái đình cổ kính, nó còn nằm trong những nét truyền thống mà dù ở đâu chúng ta cũng được trải nghiệm, chỉ là mỗi vùng quê sẽ có sắc thái rất riêng. Đọc Tết làng chúng ta nhìn thấy trước mắt không khí rộn ràng của những ngày cuối năm, vang đâu tiếng “lợn kêu eng éc. Ai cũng vội. Hình như Tết đang đuổi phía sau lưng”. Cách nhà văn sử dụng động từ “đuổi” khiến chúng ta tưởng như có một cuộc chạy maratong đang diễn ra ở đoạn về đích, gay cấn, vội vã và hồi hộp biết bao nhiêu. Tết đến nhà nào cũng bày biện nải chuối xanh, quả cam vàng, chùm quất, ai ai cũng có quần áo đẹp... Hay chúng ta sẽ trải nghiệm tục chăng dây trong Đám cưới quê với mong muốn mang lại may mắn cho cô dâu chú rể. Thời đó cô dâu thời bấy giờ mặc trang phục cưới không phải bồng bềnh váy trắng mà chỉ mặc áo mớ ba mớ bảy đủ màu sắc, đầu đội nón thúng to.

Chỉ với hơn trăm trang sách nhưng bằng cách sử dụng khéo léo từ tượng thanh, tượng hình, cách mô tả chân thực từng cánh hoa, cọng lá mà dường như tác giả đưa chúng ta trở lại làng quê xưa với đủ âm thanh, hình ảnh và sắc màu sống động. Không những thế bạn còn được trải nghiệm đủ các phong tục tập quán, nét văn hóa dân gian của dân tộc ta qua những câu văn xúc tích, ngắn gọn khiến người đọc dễ thấm, dễ thẩm cái ý tác giả muốn truyền tải qua câu chữ.

Nhà xuất bản giới thiệu tác phẩm Ngàn mùa hoa với 2 phiên bản: đen trắng (đã xuất bản) và màu (sắp ra mắt). Với phiên bản màu, khổ lớn, trẻ sẽ được tiếp cận nhiều hơn với những hình ảnh nông thôn Việt Nam xưa với những gam màu rực rỡ, tươi sáng đẹp mắt. Phiên bản đen trắng được thiết kế nhỏ nhắn hơn, thuận tiện để bạn đọc cầm theo tranh thủ đọc ở bất cứ đâu. Chúng tôi hi vọng cuốn sách không chỉ gợi cho các bậc phụ huynh nhớ lại một thời tuổi thơ đầy trong sáng, hồn nhiên của mình mà còn góp phần giúp các bạn nhỏ, đặc biệt là học sinh tiểu học, đọc và hiểu hơn vẻ đẹp thiên nhiên đất nước, nét văn hóa truyền thống của quê hương ta. Từ đó giúp các em tích lũy thêm tri thức, mở rộng vốn từ, biết cách sử dụng các từ tượng thanh, tượng hình, từ láy, các biện pháp nhân hóa, so sánh... hài hòa trong làm bài văn để học văn tốt hơn, khiến mỗi giờ văn là một giờ vui.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đêm trăng suông

Đêm trăng suông

(PNTĐ) - Vừa bước xuống sân khấu, Diệp Linh nghe ai đó gọi tên mình, và một cánh tay giơ lên vẫy vẫy, Diệp Linh chưa kịp nhận ra ai thì cô nhận được cái bắt tay thật chặt, “Anh Nam đây! Lâu quá rồi! Anh vẫn nhận ra em, em không thay đổi mấy”.
Ra mắt sách Theo bước thời gian - Các công trình tiêu biểu của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh

Ra mắt sách Theo bước thời gian - Các công trình tiêu biểu của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh

(PNTĐ) - Nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt độc giả cuốn sách “Theo bước thời gian: Các công trình tiêu biểu của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh” của tác giả Võ Thị Mai Chi, do họa sĩ Hồ Quốc Cường vẽ minh họa.
“Cửu Long Giang khói lửa”: Di sản hội họa kháng chiến được kể bằng kí họa và thơ

“Cửu Long Giang khói lửa”: Di sản hội họa kháng chiến được kể bằng kí họa và thơ

(PNTĐ) - Nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách đặc biệt “Cửu Long Giang khói lửa - Kí họa và Thơ”, một art book nghệ thuật, gồm những kí họa, tranh màu nước, thơ và thư từ của các họa sĩ – chiến sĩ được sáng tác ngay giữa chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ. Cuốn sách do Sherry Buchanan cùng Nam Anandaroopa Nguyen biên soạn, dịch giả Phan Thanh Hảo chuyển ngữ tiếng Việt.
Phát hành bộ tem Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Phát hành bộ tem Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

(PNTĐ) - Nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng về tầm vóc thời đại và ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)".
“Gặp tôi trong tương lai”: Thức tỉnh ước mơ nghề nghiệp không khuôn mẫu cho trẻ em

“Gặp tôi trong tương lai”: Thức tỉnh ước mơ nghề nghiệp không khuôn mẫu cho trẻ em

(PNTĐ) - “Gặp tôi trong tương lai” được khởi xướng bởi The Initiative of Children’s Book Creative Content (ICBC), với sự đồng hành của ECUE-VGEM và Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng. Chương trình này nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Investing in Women (Đầu tư cho Phụ nữ) - một sáng kiến của Chính phủ Australia.