Trao trọn tình yêu quê hương qua từng vần thơ Trường Sa

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trở về từ chuyến hải trình thăm quân và dân ở quần đảo Trường Sa trong vai trò một nhà báo, cùng với việc viết bài, đưa tin về cuộc sống, sinh hoạt, rèn luyện và chiến đấu canh giữ biển trời nơi đảo xa, nhà thơ Hồ Huy Sơn đã chuyển hóa những kí ức, cảm xúc về Trường Sa thành 26 bài thơ trong trẻo, hồn nhiên dành cho các em nhỏ, để giữ mãi hình ảnh Trường Sa thật gần gũi và lấp lánh trong tim mình.

Với góc nhìn và trái tim thơ trẻ, nhà thơ Hồ Huy Sơn đã “hô biến” những hình ảnh, sự vật vốn dĩ đã trở nên quen thuộc qua những bài báo, phóng sự về biển đảo, thành những tứ thơ giàu sức gợi, vẽ nên bức tranh quần đảo Trường Sa dung dị mà thơ mộng, đầy màu sắc. Nhà thơ khéo léo đan cài cảm xúc cá nhân và tình yêu Tổ quốc, truyền tải tình yêu quê hương đất nước một cách tự nhiên, chân thành.

Trao trọn tình yêu quê hương qua từng vần thơ Trường Sa - ảnh 1

Trái tim của đảo là tập thơ cô nén lại những gì mà tác giả đã thấy, đã chạm và cảm được về quần đảo Trường Sa, đó là hình ảnh chú hải quân, những gia đình, lớp học, ngôi chùa trên đảo, đó còn là cây bàng vuông, phong ba, bão táp, những ngọn hải đăng, vườn rau, âu tàu, và trừu tượng hơn nhưng cũng thật rõ ràng là… nỗi nhớ.

Chỉ những ai đã từng đến Trường Sa mới có thể hiểu niềm vui của Những chú chó trên đảo Cô Lin: “Nghe tin đảo có khách/ Từ đất liền mới ra/ Những cái đuôi vẫy vẫy/ Mừng như gặp người nhà!”, mới biết bãi cát ở đảo An Bang di chuyển từ bờ Nam sang bờ Tây rồi qua bờ Đông theo từng mùa gió: “Này bãi cát ơi/ Chạy vòng hoài thế/ Phải vì một lẽ/ Thương chú Hải quân?” (Bãi cát biết chạy).

Và có lẽ chỉ những ai đã từng đến Trường Sa như nhà thơ Hồ Huy Sơn, hòa mình với những em nhỏ đang lớn lên từng ngày ở nơi đây, mới có thể nhận ra các em thật đặc biệt: “Theo cha mẹ ra Trường Sa/ Giờ em có thêm quê mới/ Nơi đây cả ngày sóng gọi/ Rì rào, rì rào không thôi.” (Quê em), đặc biệt từ cách đến trường: “Mỗi bước chân tới lớp/ Tiếng sóng nâng dặt dìu/ Cờ Tổ quốc dõi theo/ Reo ca nơi cột mốc” (Đi học), đến niềm vui được đón những Trang sách từ đất liền: “Từ trang sách nhỏ/ Đất liền mở ra/ Say sưa em ngắm/ Thêm yêu quê nhà!”, và nỗi buồn cũng thật khác, khi có bạn lên lớp 6 phải xa đảo về đất liền: “Lớp thừa ra một chỗ/ Khi bạn về đất liền/ Bao nhiêu niềm thương nhớ/ Theo sóng vỗ ngày, đêm! (Học trò ở đảo).

Trao trọn tình yêu quê hương qua từng vần thơ Trường Sa - ảnh 2

Và quen thuộc, thân thương là “Phong ba, bão táp/ Thành đôi bạn hiền/ Cùng nhau giữ đảo/ Gọi về bình yên!” (Đôi bạn), “Cho dù bão tố/ Vất vả gian nan/ Sự sống dâng tràn/ Từ vườn rau nhỏ.” (Vườn rau giữa biển), đến mức “Ai đến cũng thương/ Ai về cũng nhớ/ Từng cánh hoa mở/ Biển trời ngát hương!” (Hoa bàng vuông).

Còn nhiều, nhiều nữa, những hình ảnh, vần thơ, câu chuyện mà nhà thơ Hồ Huy Sơn và hai họa sĩ Hậu Phan, Thảo Võ mời gọi các bạn nhỏ cùng đồng hành, chạm tới khi lật giở từng trang thơ Trái tim của đảo.

Nhà thơ Hồ Huy Sơn chia sẻ: “Ngay từ khi có ý tưởng về tập thơ, mình muốn Trái tim của đảo sẽ là món quà gửi đến các em nhỏ ở Trường Sa nói riêng và các em nhỏ khắp mọi miền đất nước nói chung. Mình muốn kể cho các em nghe về những điều mà mình đã có cơ hội trải nghiệm khi được đến với quần đảo Trường Sa. Và quan trọng hơn, mình muốn gửi đến các em nhỏ thông điệp giản dị: Trường Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc mình!”

Có thể hiện tại các em còn tò mò tự hỏi: “Trường Sa ở đâu vậy nhỉ?/ Mà em chưa thấy bao giờ/ Nhìn lên bản đồ đất nước/ Nhấp nhô sóng vỗ xa bờ.” nhưng khi đến với Trái tim của đảo sẽ vỡ òa “Em ơi, giờ em đã rõ?/ Trường Sa ở giữa biển khơi/ Nhưng mà cũng không xa lắm/ Vẫn là Tổ quốc mình thôi!” (Nơi ấy là Trường Sa), và từ đó mỗi bạn nhỏ sẽ cảm được cụ thể hơn, rõ ràng về biển đảo và tình yêu với vùng biển trời khơi xa thiêng liêng của Tổ quốc.

Trái tim của đảo của nhà thơ Hồ Huy Sơn tiếp tục làm phong phú thêm những đầu sách trong Tủ sách biển đảo Việt Nam của Nhà xuất bản Kim Đồng, nối dài thêm sau các tác phẩm tiêu biểu như: Đảo chìm (Trần Đăng Khoa), Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa (Nguyễn Xuân Thủy), Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa – Trường Sa (Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín), Trường Sa – Nơi ta đến (Nguyễn Mỹ Trà), Trường Sa kì vĩ và gian lao (Sương Nguyệt Minh), Cà Nóng chu du Trường Sa (Bùi Tiểu Quyên), Hải âu đi tìm cha (Trần Thu Hằng)…

Trái tim của đảo là tập thơ thuộc loạt tác phẩm tham dự Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất, cùng với các tập thơ như Viết trên lá mới (Lê Minh Quốc), Hạt bắp vỗ tay (Nguyễn Thánh Ngã), Chú dế đêm trăng (Mai Quyên)… và nhiều tác phẩm văn xuôi khác đã được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành trong hơn một năm trở lại đây. Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ Nhất sẽ kết thúc nhận tác phẩm vào ngày 31/3/2025.

Trao trọn tình yêu quê hương qua từng vần thơ Trường Sa - ảnh 3
Tủ sách Biển đảo Việt Nam của NXB Kim Đồng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đêm trăng suông

Đêm trăng suông

(PNTĐ) - Vừa bước xuống sân khấu, Diệp Linh nghe ai đó gọi tên mình, và một cánh tay giơ lên vẫy vẫy, Diệp Linh chưa kịp nhận ra ai thì cô nhận được cái bắt tay thật chặt, “Anh Nam đây! Lâu quá rồi! Anh vẫn nhận ra em, em không thay đổi mấy”.
Ra mắt sách Theo bước thời gian - Các công trình tiêu biểu của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh

Ra mắt sách Theo bước thời gian - Các công trình tiêu biểu của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh

(PNTĐ) - Nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt độc giả cuốn sách “Theo bước thời gian: Các công trình tiêu biểu của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh” của tác giả Võ Thị Mai Chi, do họa sĩ Hồ Quốc Cường vẽ minh họa.
Phát hành bộ tem Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Phát hành bộ tem Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

(PNTĐ) - Nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng về tầm vóc thời đại và ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)".
“Cửu Long Giang khói lửa”: Di sản hội họa kháng chiến được kể bằng kí họa và thơ

“Cửu Long Giang khói lửa”: Di sản hội họa kháng chiến được kể bằng kí họa và thơ

(PNTĐ) - Nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách đặc biệt “Cửu Long Giang khói lửa - Kí họa và Thơ”, một art book nghệ thuật, gồm những kí họa, tranh màu nước, thơ và thư từ của các họa sĩ – chiến sĩ được sáng tác ngay giữa chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ. Cuốn sách do Sherry Buchanan cùng Nam Anandaroopa Nguyen biên soạn, dịch giả Phan Thanh Hảo chuyển ngữ tiếng Việt.