Chăm lễ cầu an, sao vợ chồng vẫn không... an?

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) -Chồng tôi là người tín lễ bái. Quanh năm anh rất cẩn thận trong việc thờ cúng tại gia. Còn ra Tết, đến hết tháng Giêng thì anh chỉ tập trung đi lễ bái cầu an, cầu lộc. Anh đi lễ suốt, việc nhà cửa, con cái để mặc tôi lo. Chưa kể anh còn vét sạch tiền trong nhà để dồn vào việc sắm lễ.

Vợ chồng tôi đều buôn bán tự do, lỗ lãi không cố định. Tôi thấy việc này rất bình thường nhưng với chồng tôi, tháng nào lãi nhiều, anh nghĩ là do đã thờ cúng cẩn thận. Tháng nào lãi ít là do lễ bái chưa “tới”. Ngoài lễ Rằm, mồng Một hàng tháng, Tết ra chồng tôi đi lễ suốt để cầu cho gia đình cả năm hanh thông. Chồng tôi hết đi một mình lại đi với các hội, nhóm. Bạn rủ đi công việc anh còn suy nghĩ chứ rủ đi lễ thì không bao giờ từ chối. Anh nói, đi lễ là không được than mệt và càng đi nhiều thì càng chứng tỏ mình thành tâm, Phật ở trên cao mới được phù hộ.   

Tôi nhẩm tính, chỉ riêng việc đi lễ xa gần của chồng tôi đầu năm có thể tiêu tốn dăm bảy chục triệu, chưa kể anh còn bỏ hết công việc. Trong khi đó, vợ chồng tôi chưa phải dư dả gì, tiền đó có thể chi vào nhiều việc thiết thực hơn. Đi lễ là để cầu lộc, cầu an, nhưng lộc, an đâu chưa thấy, chỉ thấy vợ chồng vì chuyện này mà lục đục, tiền trong nhà cũng cạn…

Lê Thị Hòa (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Chào chị!
Đi lễ đầu năm để cầu bình an, hạnh phúc, may mắn cho gia đình, người thân, cộng đồng đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Không những vậy, đi lễ đầu năm còn là dịp để con người hướng tâm, sống chậm, hòa mình nơi chốn tâm linh, bỏ lại phía sau những vất vả, lo toan… Nhà Phật luôn hướng các phật tử và những người kính Phật sống tốt đời đẹp đạo, trong đời có đạo, trong đạo có đời. Vì thế, việc cúng lễ quá lớn làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình hay kinh tế gia đình là điều không nên. 

Theo Tâm Giao, khi đi lễ chùa, cần nhất là giữ tâm luôn thiện, lễ vật chỉ nên phù hợp với điều kiện từng người, tránh cuồng tín. Nếu làm quá rình rang, tốn kém ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình thì ngay từ đầu đã làm ảnh hưởng uy tín nhà Phật, vì chưa làm cho gia đình chị tốt lên mà đã làm mọi thứ trở nên xấu đi. Hơn thế, việc dâng lễ “mâm cao cỗ đầy”, lễ mặn, vào chùa đốt vàng mã nghi ngút còn làm ô nhiễm quang cảnh tôn nghiêm nơi cửa Phật. Nếu chỉ quan tâm tới sự xa hoa, không chính tâm khi đi lễ chùa, thì cầu an cũng khó có thể an. 

Chị hãy nói chuyện để chồng chị hiểu và an tâm. Phật là ở trong tâm mỗi người. Nên thay vì đi lễ nhiều, sắm sửa lễ to, trong gia đình vợ chồng hạnh phúc, con cháu thuận hòa, ngoan ngoãn, gia đạo an yên thì đã thể hiện hiếu nghĩa, thành tâm kính Phật. Mong gia đình chị hạnh phúc!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Làm vợ kiểu... Mèo

Làm vợ kiểu... Mèo

(PNTĐ) - Nhiều người nói vợ phải Cáo thì mới trị được chồng, phải Hổ Báo để chồng biết sợ, đừng làm Trâu, Ngựa và Mèo chỉ dành cho những cô bồ. Ô hay, tại sao Mèo chỉ dành cho những cô bồ? Tại sao vợ lại chỉ chết vai Hổ mà không thể làm Mèo?
Về già nhờ con, sao khó thế?

Về già nhờ con, sao khó thế?

(PNTĐ) - Đắn đo mãi, bà mới dám gọi điện cho con gái. Biết là giờ này con đang ở cơ quan nhưng, việc chẳng đừng được. Ngày mai thứ 7 rồi, bệnh viện nghỉ nên chỉ còn hôm nay để bà đi khám bệnh.