Chồng không có chí tiến thủ, phải làm sao?

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nhiều lúc, nghĩ đến chồng mình cứ ù lì , em thấy nản vô cùng. Theo Tâm Giao, em nên làm gì khi hôn nhân của em đang trở nên xấu đi?

Em và chồng em bằng tuổi. Chúng em lấy nhau đã được gần 10 năm. Lẽ ra sau quãng thời gian đó, vợ chồng em đã có thể gây dựng được sự nghiệp vững chắc, có cơ ngơi riêng nhưng thực tế thì chẳng có gì trong tay. Song, chồng em không tỏ ra sốt ruột.

 Sau mấy lần nhảy việc không thành công, cuối cùng, anh ấy bằng lòng với công việc mỗi tháng chỉ kiếm được chưa đầy 10 triệu đồng. Vì vậy, em trở thành người lo kiếm tiền chính của gia đình. Đã thế, chồng em cũng không thể hiện thái độ tình cảm với vợ. Em đi làm về mệt, anh ấy chẳng động viên. Nhiều lúc, nghĩ đến chồng mình cứ ù lì như vậy, em thấy nản vô cùng. Theo Tâm Giao, em nên làm gì khi hôn nhân của em đang trở nên xấu đi?

Nhật Hà (Thanh Xuân, Hà Nội)

 

Chào Nhật Hà!
Đọc chia sẻ của em, Tâm Giao có thể hình dung ra sự thất vọng của em về hôn nhân, mà nguyên nhân gây ra là do chồng em. Em đã rất kỳ vọng vào một người chồng giỏi giang, có sự nghiệp, biết kiếm tiền, là trụ cột kinh tế gia đình. Song, anh ấy lại chỉ “thường thường bậc trung”, hoặc như em nói là không có “chí tiến thủ” khiến hai vợ chồng sau 10 năm vẫn chẳng có gì trong tay.

Tuy nhiên, Tâm Giao thấy, hình như em đang hơi định kiến giới. Tại sao, em lại mặc định người đàn ông, người chồng trong gia đình là phải giỏi kiếm tiền, còn phụ nữ chỉ ở “hậu phương”. Thực tế, ở nhiều gia đình, người phụ nữ lại bước ra ngoài xã hội, còn người chồng thì giúp vợ chăm con, lo việc nội trợ nhưng vẫn rất hạnh phúc. Đơn giản vì họ thấy đó là sự san sẻ trách nhiệm hợp lý dựa trên thế mạnh, mong muốn của mỗi người. 

Em thấy chồng mình thiếu chí tiến thủ, song, Tâm Giao lại thấy, việc chồng em đã từng “nhảy việc” chứng tỏ anh ấy cũng rất trăn trở, mong muốn có cơ hội tốt hơn để cùng vợ lo kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng cơ hội không thành hiện thực nên anh ấy đang tạm dừng lại ở công việc hiện tại.

Cả ngày đi làm vất vả, em tủi thân khi chưa được chồng san sẻ kịp thời. Phụ nữ là vậy, thường “yêu bằng tai”, luôn mong muốn được nghe những lời ngọt ngào, yêu thương. Song, có những ông chồng, về tính cách, thói quen, vốn ít nói, không thích thể hiện tình cảm ra bên ngoài. Có thể chồng em không biết nói ngọt, nhưng, còn các biểu hiện khác thì sao? Anh ấy có “lăng nhăng”, rượu chè, đàn đúm không hay hết giờ làm là về nhà với vợ con. Nếu chồng em thuộc “vế sau”, nghĩa là anh ấy cũng biết cách lo lắng cho gia đình, chỉ là theo một cách khác không như em mong đợi thôi.

Vợ chồng trước khi đến với nhau thường là hai người xa lạ, được nuôi dưỡng ở hai môi trường văn hóa khác nhau. Vì vậy, yêu cầu một người phải lập tức thay đổi theo ý mình là khó. Em hãy dần hướng dẫn chồng, bày tỏ tình cảm, cố gắng ghi nhận ưu điểm ở chồng, không bị quan điểm bất bình đẳng giới chi phối. Làm theo cách này, em sẽ thấy thoải mái hơn.
Chúc quan hệ của hai vợ chồng em sẽ sớm được cải thiện. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Làm vợ kiểu... Mèo

Làm vợ kiểu... Mèo

(PNTĐ) - Nhiều người nói vợ phải Cáo thì mới trị được chồng, phải Hổ Báo để chồng biết sợ, đừng làm Trâu, Ngựa và Mèo chỉ dành cho những cô bồ. Ô hay, tại sao Mèo chỉ dành cho những cô bồ? Tại sao vợ lại chỉ chết vai Hổ mà không thể làm Mèo?
Về già nhờ con, sao khó thế?

Về già nhờ con, sao khó thế?

(PNTĐ) - Đắn đo mãi, bà mới dám gọi điện cho con gái. Biết là giờ này con đang ở cơ quan nhưng, việc chẳng đừng được. Ngày mai thứ 7 rồi, bệnh viện nghỉ nên chỉ còn hôm nay để bà đi khám bệnh.