Chồng “ù lì” khi lui về hậu phương nội trợ

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Tâm Giao ơi, người ta đi lấy chồng thì được “chồng nuôi”, còn chồng em chẳng được ưu điểm nào. Cách đây 2 năm, công ty của chồng em bị phá sản, chồng em đã đi tìm việc khác nhưng chỉ được trả mức lương thấp. Trong khi đó, nhà em lại đang cần người giúp việc, trông, chăm con vì em làm kinh doanh tự do khá bận rộn. Em đã nói chồng ở nhà luôn lo nội trợ, em làm thêm mấy ngày cũng bằng tiền lương tháng của chồng. Thời gian đầu, mọi việc khá thuận lợi. Tuy nhiên, càng ngày, chồng em càng trở nên chậm chạp, bảo cũng không làm. Ngoài một ngày 3 bữa cơm, anh ấy không giúp được em thêm việc gì. Đối nội, đối ngoại anh ấy cũng để em lo. Con cái cần gì, anh ấy lại xua sang bên em rồi bảo: “Ra mà hỏi mẹ”. Em sửa sang nhà cửa, anh ấy dửng dưng chả đoái hoài. Thực sự em rất ức chế, thấy mình quá khổ, cái gì cũng đến tay. Theo Tâm Giao, em nên làm gì đây ạ?

Lê Thị Yến (Đông Anh, Hà Nội)

Thực tế hiện nay, không phải người chồng nào cũng là trụ cột về kinh tế của gia đình. Tùy vào năng lực, hoàn cảnh mà có nhà, chồng là người kiếm tiền chủ yếu. Nhưng cũng có không ít nhà, cả hai vợ chồng cùng đi làm, san sẻ gánh nặng kinh tế cho nhau. Lại có nhà giống với vợ chồng bạn, người vợ kiếm tiền, còn người chồng rút về “hậu phương”.

Nghĩ như vậy, bạn sẽ thấy thoải mái hơn, không cho rằng mình bị thiệt thòi. Nếu cứ áp đặt người nam giới trong gia đình phải là người kiếm tiền, e rằng bạn đang khiến chồng chịu “bất bình đẳng giới”. Bạn nên ghi nhận chồng bạn vì bất khả kháng mà bị mất việc, sau đó anh ấy đã đồng ý ở nhà giúp bạn lo cơm nước, trông nom con cái. Như vậy anh ấy đã thể hiện trách nhiệm với gia đình, san sẻ gánh lo toan với bạn. Tâm Giao biết, có những ông chồng không kiếm ra tiền, cũng không chăm lo gia đình, thậm chí còn có nhiều thói hư tật xấu, làm khổ vợ, khổ con. Các bà vợ lại chỉ ước ao có tấm chồng được như chồng bạn. Nghĩ tới điều tích cực này, bạn sẽ thấy trân trọng và yêu thương chồng mình hơn.

Bạn chia sẻ, chồng bạn có vẻ tự ti, dụt dè, đối nội đối ngoại để mặc bạn làm. Nhưng, Tâm Giao cũng thấy, hình như trong cách ứng xử với chồng của bạn cũng hơi “có vấn đề”. Bạn đang đứng ở vị trí của “người làm ra tiền” nên hay sai bảo chồng, bắt anh ấy phải nghe theo mình. Bạn nói là chồng bạn “bảo cũng không làm, còn chồng bạn hiểu mình lép vế nên không có ý kiến mà để cho bạn quyết định hết.  

Theo Tâm Giao, bạn nên thay đổi cách ứng xử với chồng. Thay vì “bảo chồng”, bạn hãy chuyển sang “hỏi ý kiến”, “bàn bạc” với chồng trước khi làm một việc gì đó. Cách nói của bạn thể hiện bạn luôn tôn trọng anh ấy và anh ấy vẫn có giá trị với gia đình. Chắn chắn anh ấy sẽ vui vẻ trở lại và nhiệt tình hỗ trợ bạn. Chúc vợ chồng bạn sớm “thuận vợ, thuận chồng”. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Về già nhờ con, sao khó thế?

Về già nhờ con, sao khó thế?

(PNTĐ) - Đắn đo mãi, bà mới dám gọi điện cho con gái. Biết là giờ này con đang ở cơ quan nhưng, việc chẳng đừng được. Ngày mai thứ 7 rồi, bệnh viện nghỉ nên chỉ còn hôm nay để bà đi khám bệnh.
Có nhiều cách để ta yêu đời

Có nhiều cách để ta yêu đời

(PNTĐ) - Một cặp vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn, người vợ tâm sự với Tâm Giao: “Chồng em chán lắm, không tâm lý, vô tâm, khô như ngói”. Nhưng khi Tâm Giao hỏi chuyện, người chồng lại than thở: “Vợ tôi có để chồng con chăm sóc mình đâu mà trách cứ”.