Đừng “gói ghém” bi kịch rồi làm khổ mình, khổ con

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hai cháu nhỏ (một cháu học lớp 11, một cháu học lớp 8) cùng mẹ đến với Văn phòng Tâm Giao. Ban đầu, người mẹ muốn nhờ Tâm Giao giúp tư vấn tâm lý cho hai con nhưng cuối cùng, người cần phải điều chỉnh lại chính là chị.

Người mẹ kể: Trước đây, hai con của chị đều ngoan ngoãn, hoạt bát, nhanh nhẹn, quấn quýt bố mẹ. Nhưng gần đây, cả hai đều thay đổi hoàn toàn. Đi thì chớ, về tới nhà là chúng bỏ vào phòng đóng cửa, hết xem điện thoại lại dùng máy tính. Trong bữa cơm, chúng cũng cố ăn thật nhanh rồi đứng dậy. Bố mẹ “cạy miệng” cũng chẳng nói một câu. Chị có cảm giác hình như các con đang xa lánh mình.

Sau khi người mẹ ra ngoài, Tâm Giao đã gặp riêng hai cháu. Sau một lát ngại ngùng, các cháu dần cởi mở. Rồi các cháu rơm rớm nước mắt cho biết: Cháu rất sợ phải về nhà vì không khí gia đình lúc nào cũng ngột ngạt. Bố mẹ luôn nói yêu các con, tạo điều kiện tốt nhất cho con nhưng thực tế không như vậy. Cháu lớn học lớp 11 còn thẳng thắn đề nghị Tâm Giao khuyên hai bố mẹ cháu hãy ly hôn. “Có lẽ, bố mẹ chưa chính thức ly hôn vì sợ chúng cháu bị sang chấn tâm lý. Nhưng, sống như hiện nay mới là đáng sợ ạ”.

Thì ra, gần 1 năm trước, bố mẹ hai cháu bắt đầu sống ly thân. Hàng ngày, hai người vẫn về nhà nhưng lặng lẽ như hai chiếc bóng. Các cháu đã phát hiện tình trạng của bố mẹ qua việc thấy bố dọn quần áo, chăn đệm sang phòng làm việc. Song, có lẽ nghĩ các con còn nhỏ, cả hai cố tỏ ra bình thường. Chỉ có mẹ cháu, thi thoảng trong cơn cáu giận vì các con mắc lỗi gì đó mà trót buông ra những lời trách cứ. Ý mẹ cháu nói là chỉ vì các con mà mẹ cháu đã phải chịu đựng bất hạnh.

“Nhưng, nếu nghĩ cho chúng cháu bố mẹ cháu đã khác”- cháu lớn nói với Tâm Giao.

Theo cháu, vì hai bố mẹ coi nhau như người dưng nước lã nên các cháu không biết phải làm gì. Nếu nói chuyện với mẹ thì sợ bố buồn, mà nếu quấn quýt với bố thì lại làm cho mẹ suy nghĩ. Vì thế, chúng chọn cách đứng giữa, tránh mặt cả hai và vùi đầu vào thế giới mạng để giết thời gian.

Hôm đó, Tâm Giao đã nói chuyện với người mẹ. Rằng các con chị chắc chắn sẽ không thể phát triển toàn diện nếu phải sống trong một môi trường ngột ngạt như thế. Tâm Giao muốn hai anh chị hãy ngồi lại với nhau, xem xét mối quan hệ đang ở mức độ nào. Nếu cảm thấy bỏ qua được thì hãy cho qua, tích cực cải thiện mối quan hệ để tạo ra bầu không khí gia đình hòa thuận trước. Nếu anh chị cảm thấy không thể tiếp tục thì hãy ly hôn để giải phóng cho nhau và cho các con.

Thương con như thế bằng mười hại con. Các con anh chị đã lớn và sẵn sàng đón nhận quyết định của bố mẹ. Bản thân chúng cũng không muốn bố mẹ vì bất cứ lý do gì mà phải chịu đựng bất hạnh. Vì vậy, đừng cố gắng gói ghém bi kịch rồi lại làm khổ nhau, khổ con. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Làm vợ kiểu... Mèo

Làm vợ kiểu... Mèo

(PNTĐ) - Nhiều người nói vợ phải Cáo thì mới trị được chồng, phải Hổ Báo để chồng biết sợ, đừng làm Trâu, Ngựa và Mèo chỉ dành cho những cô bồ. Ô hay, tại sao Mèo chỉ dành cho những cô bồ? Tại sao vợ lại chỉ chết vai Hổ mà không thể làm Mèo?
Về già nhờ con, sao khó thế?

Về già nhờ con, sao khó thế?

(PNTĐ) - Đắn đo mãi, bà mới dám gọi điện cho con gái. Biết là giờ này con đang ở cơ quan nhưng, việc chẳng đừng được. Ngày mai thứ 7 rồi, bệnh viện nghỉ nên chỉ còn hôm nay để bà đi khám bệnh.
Có nhiều cách để ta yêu đời

Có nhiều cách để ta yêu đời

(PNTĐ) - Một cặp vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn, người vợ tâm sự với Tâm Giao: “Chồng em chán lắm, không tâm lý, vô tâm, khô như ngói”. Nhưng khi Tâm Giao hỏi chuyện, người chồng lại than thở: “Vợ tôi có để chồng con chăm sóc mình đâu mà trách cứ”.