Quỹ riêng trong hôn nhân: Nên hay không?

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) - Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện câu chuyện của một phụ nữ kể rằng nhờ “cất giữ quỹ riêng” mà sau khi ly hôn có thể nhanh chóng ổn định cuộc sống. Chị đưa ra lời khuyên, ngay cả khi hôn nhân mặn nồng, người vợ vẫn nên tích lũy tiền để phòng thân, như vậy mới chủ động trong mọi hoàn cảnh không may xảy ra với mình. Nhiều người đồng tình, nhưng cũng có không ít người cho rằng đã là vợ chồng thì không nên “nhà chung, tiền riêng”.

Quỹ riêng trong hôn nhân: Nên hay không? - ảnh 1
Nếu quỹ riêng lập ra gây tổn hại kinh tế gia đình và sử dụng vào những mục đích không chính đáng thì chắc chắn không ai đồng tình.  Ảnh minh họa

Lập quỹ riêng để... phòng thân

Chị vợ kể lại, giống như các gia đình khác, hai vợ chồng đều đi làm, thu nhập cuối tháng do chị quản lý để chi tiêu chung cho cả nhà, nuôi các con ăn học. Mới đầu mọi việc ổn thỏa, sau đó, chị bắt đầu kiếm tiền nhiều gấp 2, 3 lần chồng. Chị lại chứng kiến người bạn thân, cả đời hy sinh cho chồng con mà không có đồng vốn giắt lưng, đến khi ly hôn thì rơi vào cảnh tay trắng.

Từ đó, chị nghĩ, tại sao mình không để lại phần thu nhập “dôi dư” làm quỹ riêng cho bản thân. Dù sao, đó cũng là tiền do chị làm ra chứ không lấy của chồng. Chị vẫn đang thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người vợ, người mẹ, việc chị có quỹ đen không ảnh hưởng tới gia đình. Thế là suốt 10 năm, chị tích cóp được một khoản kha khá gửi cho mẹ đẻ giữ hộ mà chồng không hề hay biết. 

Rồi chuyện không mong muốn xảy ra, vợ chồng chị ly hôn. Tất cả tài sản trong hôn nhân đều được chia đôi, nhưng chị còn có thêm khoản quỹ riêng, Nhờ đó, chị mua được nhà riêng, có cuộc sống hậu ly hôn khá suôn sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, chị Huyền ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, trong cuộc sống hôn nhân, không ai biết trước điều gì. Vì vậy, người phụ nữ lúc nào cũng phải tự chủ về kinh tế. Kiếm được 10 phần nhưng chị Huyền chỉ “khai” với chồng đôi phần, còn lại chị âm thầm lập quỹ riêng.

Những khoản chi chung của gia đình như sinh hoạt phí, nuôi con... chị sử dụng quỹ chung chủ yếu đến từ thu nhập của chồng. Các khoản chi tiêu cho bản thân, hội họp, vui chơi, biếu tiền bố mẹ đẻ, cho anh chị em ruột vay vốn làm ăn... chị thoải mái dùng quỹ riêng mà không cần phải hỏi ý kiến của chồng.

 Tuy nhiên, không phải người vợ/chồng nào cũng ủng hộ việc vợ/chồng lập quỹ riêng. Chị Thảo, một nhân viên văn phòng cho biết bản thân chị cũng từng bất ngờ phát hiện chồng có tài khoản “bí mật” với một số tiền kha khá. Chồng chị thanh minh rằng, anh chỉ muốn dự trữ một khoản phòng bị cho gia đình chứ không chi tiêu cho bản thân hay chu cấp cho người nào bên ngoài. Nhưng theo chị Thảo, những lý do chồng đưa ra chỉ là ngụy biện. Khi đã là vợ chồng mà một trong hai người, hoặc cả hai âm thầm lập quỹ riêng chứng tỏ họ không thực sự tin tưởng hay toàn tâm toàn ý cho nhau. Vì vậy, theo chị, không thể thoải mái khi sống cùng nhà nhưng bạn đời lại lập quỹ riêng. 

Góc nhìn của chuyên gia
Theo Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tâm lý - Giáo dục An Nhiên, quỹ chung, quỹ riêng hay bất kỳ quỹ nào trong đời sống hôn nhân đều xuất phát từ nhu cầu có thật và đều cần được tôn trọng. Tuy nhiên, các quỹ được lập nên vì không tin tưởng nhau, vì muốn giấu diếm hay vi phạm lợi ích chính đáng của gia đình thì đều cần xem xét. Bản thân mỗi người luôn muốn được tôn trọng, tin tưởng và không muốn "ngoài lề" trong đời sống hôn nhân với người mình đã quyết định sánh bước, chung đôi đến "bạc đầu răng long".

Trường hợp người vợ/chồng phát hiện “quỹ đen” của đối phương cần bình tĩnh và tinh tế xử sự, việc hờn dỗi, giãy nảy lên chỉ khiến sự ấm ức, bực tức có cơ hội dâng cao hơn, lợi bất cập hại và đôi khi, đây lại là nguyên do khởi đầu cho sự đổ vỡ. Vì thế, hãy ngồi xuống trò chuyện với chồng/vợ, về sự tò mò rằng bản thân cũng muốn lắng nghe "lý do" tồn tại của khoản quỹ "bí mật" này là gì?

Sau khi nghe giãi bày, người vợ/chồng có thể nhận ra mình hiểu lầm và cần ứng xử đúng đắn hơn. Trường hợp đối phương không sẵn sàng trả lời, đừng vội, đặc biệt là khi họ vẫn tròn mọi trách nhiệm với gia đình, không ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn và "giữ riêng cho người nào khác" thì chấp nhận và tôn trọng quyết định của họ cũng là một giải pháp.

Việc thoả thuận với nhau, khoản nào dùng chung, khoản nào là sở hữu cá nhân trong đời sống vợ chồng cũng là biểu hiện của sự văn minh trong đời sống vợ chồng, cái gì cũng chung hết hoặc riêng hết, không hẳn là tốt. Tuy nhiên, ngược lại nếu quỹ riêng lập ra vì lợi ích cá nhân, gây tổn hại kinh tế gia đình và sử dụng vào những mục đích không chính đáng thì chắc chắn không một ai đồng tình.

Vì vậy, trước và trong đời sống hôn nhân, hãy ngồi lại và nói rõ với nhau về tiền bạc, ai giữ hay cả hai cùng giữ, phân phần quỹ chung thành các "giỏ" cho sinh hoạt phí, cho con cái, cho tiệc, giỗ, cho phần phát sinh khác... Điều này làm tăng sự tin tưởng cho đôi bên, việc quản lý tài chính của gia đình cũng minh bạch, dễ dàng hơn, chi tiêu của vợ chồng cũng hợp lý hơn khi nhìn vào số tiền đang có, đôi bên rủ nhau "liệu cơm gắp mắm"... Khi đó, hiếm khi có chuyện lập quỹ riêng vì mục đích cá nhân. Quỹ riêng tồn tại thường đi đôi với các hệ luỵ trong quan hệ tình cảm, trong ứng xử, cũng như uy tín, niềm tin đã sứt mẻ ít nhiều mà đôi bên không bộc lộ mà thôi. Hôn nhân hạnh phúc cần quy ước, nguyên tắc, tôn trọng và đồng thuận.

Đối với trường hợp người vợ/chồng chuẩn bị quỹ để phòng bất trắc khi ly hôn, thực tế, không phải cặp vợ chồng nào sau ly hôn đều gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là những người biết quản lý chi tiêu, chưa kể, xét trên cả tình lẫn lý, người vợ/chồng sau ly hôn phải nuôi con, người còn lại vẫn có trách nhiệm chu cấp. 
Do đó, đây chỉ là một trong những lý do nhằm hợp lý hoá việc "lập quỹ đen". Đương nhiên, việc xem xét hoàn cảnh mà đối tượng buộc phải lập quỹ đen cũng cần thiết để hiểu nỗi lòng của “người trong cuộc” để có cái nhìn cảm thông hơn thay vì cực đoan, phán xét.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hôn nhân “gừng càng già càng cay”

Hôn nhân “gừng càng già càng cay”

(PNTĐ) - Nếu bạn đang sở hữu một cuộc hôn nhân kiểu “gừng càng già càng cay” thì chúc mừng bạn. Còn nếu cuộc hôn nhân của bạn không được như thế, theo thời gian mà bụi phủ, nhàm chán, sống như thói quen thì hãy… thay đổi đi.
Đổ đầy hôn nhân

Đổ đầy hôn nhân

(PNTĐ) - Giống như chiếc xe muốn nó chạy cần nhiên liệu được đổ đầy. Vốn là thế. Hôn nhân chẳng tự nhiên mà hạnh phúc được đâu. Nó cần nhiên liệu. Vậy, nhiên liệu cho hôn nhân là gì?
Làm vợ kiểu... Mèo

Làm vợ kiểu... Mèo

(PNTĐ) - Nhiều người nói vợ phải Cáo thì mới trị được chồng, phải Hổ Báo để chồng biết sợ, đừng làm Trâu, Ngựa và Mèo chỉ dành cho những cô bồ. Ô hay, tại sao Mèo chỉ dành cho những cô bồ? Tại sao vợ lại chỉ chết vai Hổ mà không thể làm Mèo?