Tiền của cha mẹ: Con cái có quyền kiểm soát?

Chia sẻ

PNTĐ-Khi xu hướng cha mẹ già và con cái sống riêng, kinh tế độc lập ngày một nhiều, thì chuyện các bậc cha mẹ có một khoản tích lũy để lo cho cuộc sống già càng phổ biến. Tuy nhiên...

 
Khi xu hướng cha mẹ già và con cái sống riêng, kinh tế độc lập ngày một nhiều, thì chuyện các bậc cha mẹ có một khoản tích lũy để lo cho cuộc sống già càng phổ biến. Tuy nhiên, không ít gia đình lại trở nên bất hòa khi con cái cho rằng mình có quyền kiểm soát khoản tiền “phòng thân” của cha mẹ.
 
Tiền của cha mẹ: Con cái có quyền kiểm soát? - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
1 Mấy tháng nay, bà Lâm Thị Hiền (70 tuổi, khu đô thị Linh Đàm) rơi vào cảnh khó xử bởi sự “tra hỏi” của các con về khoản tiền riêng để dành lúc đau ốm tuổi già. Sau khi chồng mất, bà bán hết nhà cửa ở quê ra thành phố sống cùng vợ chồng con trai út để tiện bề chăm sóc. Số tiền bán nhà cửa, đất đai, bà chia hết cho các con, chỉ giữ lại một khoản phòng khi ốm đau, đỡ phiền lụy đến con cháu sau này. Ban đầu, bà gửi số tiền đó vào ngân hàng, hàng tháng lấy lãi chi tiêu thêm. Sau đó, cô con gái thứ hai mở công ty làm ăn cần thêm một số vốn bèn hỏi vay mẹ khoản tiền đó.
 
Từ ngày biết con gái thứ hai vay tiền của bà, cô con gái đầu và cậu con trai út thỉnh thoảng lại hỏi mẹ tiền đã lấy về chưa. Cô thứ tức tối nói: “Tôi vay tiền mẹ chứ không phải vay tiền của hai người đâu. Vậy nên không ai có quyền “đòi nợ” thay mẹ cả. Tiền riêng của mẹ muốn cho ai vay thì tùy, mọi người có quyền gì mà kiểm soát”. “Tiền riêng của mẹ nhưng chúng tôi cũng có quyền biết nó còn hay “mất”. Để công bằng, mai mẹ lấy về chia cho mỗi đứa vay một phần” – cậu con trai tức tối.
 
Bà Hiền không ngờ mấy đứa con còn ganh tỵ nhau cả chuyện này nữa. Hôm đó, bà nghĩ con gái thứ đang khó khăn hơn, hai đứa con còn lại không thông cảm cho chị/ em mình mà còn tỵ nạnh như thế là không nên. Vả lại, bà cũng không có ý “chia” tiếp khoản tiền riêng này nên quyết định vẫn chỉ để cho một mình con gái thứ vay, bao giờ có thì con trả lại cho bà đầy đủ. Thấy mẹ phân xử kiểu đó, hai người con cho rằng bà thiên vị... Từ đó, mỗi lần có chuyện gì cần nhờ con cháu, bà đều bị con gái cả và con trai út bảo: “Ai cầm tiền của mẹ thì người đó về mà giải quyết”.

2 Tìm đến văn phòng Tâm Giao, ông Mai Văn Tiến (69 tuổi, bộ đội về hưu) kể, sau khi lo cho các con lập thân, lập nghiệp, vợ chồng ông còn lại một khoản tiết kiệm gần 400 triệu đồng. Ông bà dự định sẽ sống già không phụ thuộc con cái nên khoản tiền này không đưa vào “danh mục tài sản thừa kế” chia cho con cháu sau này. Tuy nhiên, đám con cháu của ông vẫn quan tâm, để ý đến khoản tiền riêng đó của bố mẹ.
 
Vợ chồng con trai lớn đầu tư cho con gái du học còn thiếu mấy chục triệu cũng đến “vay tạm” của ông bà. Con hai thứ cũng lân la hỏi vay bố mẹ một ít khi muốn mua chiếc xe máy mới, hay cần sửa sang lại nhà cửa. Lần nào đưa tiền cho các con vay, ông cũng nhắc nhở phải có nghĩa vụ trả tiền lại cho bố mẹ. Nhưng đứa trả đủ, đứa trả được một phần. Vậy là mấy đứa con lại tị nạnh cho rằng bố mẹ đối xử thiên vị con nọ, con kia. Anh chị em cãi nhau đến mức không nhìn mặt vì chuyện vay và trả tiền cho bố mẹ. Một năm trước, bà mất, ông suy sụp ốm đau nằm một chỗ, vợ chồng con trai đón ông về sống cùng rồi tuyên bố: Từ nay bố sống với ai thì tiền riêng của ông phải đưa cho người đó “giữ hộ”.
 
Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, trong cuộc sống hiện đại, chuyện các bậc bố mẹ già bị con cái “quy kết” sống không công bằng, con yêu con ghét vì khoản tiền riêng phòng thân giống như bà Hiền, ông Tiến không hiếm. Về lý, các con không có quyền “kiểm soát”, định đoạt khoản tiền riêng của cha mẹ. Về tình, họ càng không nên nhìn vào khoản tiền đó để làm “điều kiện” quan tâm, chăm sóc cha mẹ khi về già, đau ốm. Nhưng nhiều người con vẫn nhìn vào việc cha mẹ chi dùng, định đoạt số tiền riêng ấy như thế nào để “đo” tình cảm “yêu, ghét” ông bà đối với con cháu.
 
Họ cho rằng, khi cha mẹ đã để dành tiền “phòng thân” thì con cái không có “trách nhiệm” đóng góp lo cho họ. Vậy nên mới có cảnh, nhiều bậc cha mẹ bị “mất” quyền tự do định đoạt số tiền riêng của mình bởi sự kiểm soát của con cái. Thậm chí, có người còn bị con cái “bỏ quên” chỉ vì họ đã có khoản tiền riêng phòng thân.
 
Vì vậy, trong vấn đề này cần có sự hiểu biết đúng đắn của các người con, cần xác định rõ, tiền của cha mẹ thì chỉ cha mẹ mới có quyền định đoạt. Việc này không liên quan đến trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ. Về phía cha mẹ cũng cần lập kế hoạch chi tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, để con cháu hiểu đó là khoản tiền riêng ấy cần thiết đối với tuổi già của họ. Nếu con cháu cần có thể đến vay mượn tạm nhưng phải có trách nhiệm hoàn trả lại thay vì suy nghĩ “giữ phần” cho mình.

Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Dặm muối cho hôn nhân

Dặm muối cho hôn nhân

(PNTĐ) - Mai chẳng biết hôn nhân trở nên nhạt nhẽo từ lúc nào, chỉ biết là gần đây, cô và chồng chẳng còn có sự đồng điệu. Những câu chuyện mà người nói cũng nói cho có, còn người trả lời thì trả lời cho xong...
Hãy yêu kẻ vì ta mà thay đổi hãy thay đổi vì kẻ ta yêu

Hãy yêu kẻ vì ta mà thay đổi hãy thay đổi vì kẻ ta yêu

(PNTĐ) - Chúng ta luôn được khuyên rằng: Hãy là chính mình. Rằng: Đừng sống theo cái nhíu mày của người khác. Rằng: Ai yêu ta sẽ phải chấp nhận con người thật của ta. Phải yêu cả cái xấu của ta. Nhưng dường như hôn nhân hạnh phúc không dùng được những lời khuyên ấy.