Yêu “không xứng đôi”, phải làm sao?

TÂM GIAO
Chia sẻ

(PNTĐ) - Em năm nay 28 tuổi, là thạc sĩ du học ở Pháp về, hiện đang làm giảng viên đại học. Hơn 1 năm trước, em quen một anh quê Nam Định, làm kinh doanh tự do. Qua tiếp xúc, chúng em thấy ở nhau nhiều điểm tốt nên đã yêu nhau.

Tuy nhiên, khi bàn tới việc cưới xin thì gia đình em phản đối vì thấy anh không xứng đôi với nhà em. Bản thân anh chỉ học hết cấp 3, còn em là thạc sĩ. Điều kiện kinh tế của gia đình anh khó khăn, còn nhà em thì khá giả. Vì chuyện này mà em thực sự khó nghĩ và không biết làm sao để bố mẹ em đồng ý. Mong Tâm Giao cho em lời khuyên! 

Lê Thị Hòa (Ba Đình, Hà Nội)

Em gái thân mến! Từ xưa, trong việc dựng vợ, gả chồng, các cụ ta đã coi trọng “môn đăng hộ đối”, điều này là có cơ sở. Bởi, hôn nhân muốn hạnh phúc, ngoài tình yêu, còn cần có sự hòa hợp về nếp sống, suy nghĩ, học thức, hoàn cảnh gia đình. Khi có sự tương đồng, vợ và chồng cũng như hai bên gia đình sẽ dễ dàng thấu hiểu nhau hơn. Bố mẹ nào cũng mong con mình đi lấy chồng phải được hạnh phúc, suôn sẻ, không phải chịu nhiều vất vả, lo toan. 

Tuy nhiên, Tâm Giao cũng muốn hỏi quan điểm của em về việc yêu người “không xứng đôi” này như thế nào? Liệu em có “ngả nghiêng” khi gia đình phản đối không? Sau này nếu giả sử hai em có đến với nhau, liệu rằng có lúc, em cũng thấy chồng mình thấp kém hơn mình, thậm chí không muốn song hành cùng anh ấy? Cuộc sống ở nhà chồng không sung túc như ở nhà ngoại, liệu em có thấy mệt mỏi, chán nản không? Bởi trong hôn nhân với nhiều vai trò vợ chồng phải gánh vác thì cuộc sống sẽ không chỉ toàn màu hồng như lúc đang yêu.

 Trên thực tế, “môn đăng hộ đối” là tốt nhưng đó cũng không phải là yếu tố quyết định hôn nhân hạnh phúc. Bởi quan trọng là đích đến chứ không phải là điểm xuất phát. Trên thực tế, có nhiều người như bạn trai của em, tuy không học cao nhưng nghị lực, cần cù chịu khó vươn lên, yêu vợ, thương con. Nhiều gia đình tuy kinh tế khó khăn nhưng rất biết ứng xử, yêu thương con cháu, hài hòa, đúng mực với thông gia. Làm vợ một người chồng như thế, làm dâu trong một gia đình như thế, các cô gái vẫn có được hạnh phúc. 

Theo Tâm Giao, trước khi nghĩ tới việc thuyết phục gia đình, em nên dành thời gian để nhìn nhận lại tình cảm của mình cũng như tìm hiểu thêm về người yêu. Khi đã xác định được quyết tâm và bản thân em tin tưởng vào chồng tương lai, các em tiến tới việc thuyết phục bố mẹ em. Hãy tạo nhiều cơ hội để bố mẹ em tiếp xúc với người yêu, để anh ấy thể hiện con người, cách ứng xử, suy nghĩ của mình. Bên cạnh đó, chính bạn trai em cũng cần nỗ lực, thể hiện quyết tâm muốn cùng em gây dựng hạnh phúc, trở thành chỗ dựa cho em về nhiều mặt. 

Xuất thân của hai em có thể chưa “đôi lứa xứng đôi” nhưng trong quá trình chung sống sau này, các em vẫn có thể hỗ trợ, giúp nhau cùng tiến bộ. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Làm vợ kiểu... Mèo

Làm vợ kiểu... Mèo

(PNTĐ) - Nhiều người nói vợ phải Cáo thì mới trị được chồng, phải Hổ Báo để chồng biết sợ, đừng làm Trâu, Ngựa và Mèo chỉ dành cho những cô bồ. Ô hay, tại sao Mèo chỉ dành cho những cô bồ? Tại sao vợ lại chỉ chết vai Hổ mà không thể làm Mèo?
Về già nhờ con, sao khó thế?

Về già nhờ con, sao khó thế?

(PNTĐ) - Đắn đo mãi, bà mới dám gọi điện cho con gái. Biết là giờ này con đang ở cơ quan nhưng, việc chẳng đừng được. Ngày mai thứ 7 rồi, bệnh viện nghỉ nên chỉ còn hôm nay để bà đi khám bệnh.