Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi):

7 điểm góp ý của Hội LHPN Việt Nam được tiếp thu

VIỆT BÁCH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bên lề kỳ họp thứ 3, trao đổi với PV về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá: Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu có chọn lọc và đầy đủ các ý kiến của các cơ quan, ban, ngành. Hội LHPN Việt Nam đã tham gia 22 điểm và có 7 điểm được tiếp thu đưa vào dự án luật.

Để gia đình là môi trường phát triển an toàn của mỗi thành viên

Theo chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), qua nghiên cứu dự án luật lần này, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu có chọn lọc và đầy đủ các ý kiến của các cơ quan, ban, ngành.

Hội LHPN Việt Nam đã tham gia 22 điểm và có 7 điểm được tiếp thu đưa vào dự án luật lần này. “Có thể nói, các vấn đề sửa đổi đã bước đầu bao quát được việc PCBL trong tình hình mới. Theo đó xác định những hành vi theo dạng thức mới của bạo lực, tăng cường công tác tư vấn, hòa giải, truyền thông, giáo dục, tăng cường phối hợp liên ngành và xã hội hóa trong PCBLGĐ…” - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga thông tin. 

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã phát huy tốt vai trò của tổ chức Hội trong phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần tích cực vào kết quả 15 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Có thể kể đến một số việc như thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng cơ sở tư vấn về PCBLGĐ cho phụ nữ; đưa "Không có bạo lực gia đình" thành một tiêu chí trong cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" để chỉ đạo thực hiện toàn quốc; chỉ đạo Hội Phụ nữ cấp cơ sở duy trì hơn 30.000 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, cấp TƯ duy trì hoạt động 2 Ngôi nhà Bình yên, tư vấn hỗ trợ đời sống, tâm lý, pháp lý cho hàng ngàn nạn nhân BLGĐ. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham gia xây dựng và giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCBLGĐ, hôn nhân gia đình.

Tuy nhiên, thời gian qua, vấn đề này đã có những phát sinh mới đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tiếp tục điều chỉnh. Những vấn đề được đưa vào trong dự án luật lần này có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm, là môi trường phát triển an toàn của mỗi thành viên, đồng thời tương thích với những điều ước chúng ta đang cam kết với quốc tế.

7 điểm góp ý của Hội LHPN Việt Nam được tiếp thu - ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

Nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình bảo vệ  phụ nữ, trẻ em

Để tham gia thực hiện tốt hơn công tác PCBLGĐ trong thời gian tới, theo Chủ tịch Hà Thị Nga, Hội đã đề ra những kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, thực hiện. Cụ thể, tiếp tục thúc đẩy, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức toàn diện hơn về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ hội viên,  phụ nữ để mỗi người phụ nữ đều nhận thức được quyền và trách nhiệm của họ trong việc thực hiện Luật.

Bên cạnh việc duy trì những mô hình hiện có của Hội, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đề xuất chính sách, các cấp chính quyền địa phương để nhân rộng và phát huy hiệu quả của các mô hình trong việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, phát hiện các vấn đề trong quá trình tổ chức triển khai Luật, có đề xuất để việc thực hiện Luật trong đời sống được tốt nhất.

Cuối cùng, phát huy tốt hơn nữa vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ và hội viên thông qua việc tiếp tục duy trì các hoạt động tư vấn, chăm lo, bảo vệ, lên tiếng khi phụ nữ trở thành nạn nhân của BLGĐ.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục