Phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Động lực phát triển kinh tế tư nhân

Bài 1: Nhiệm vụ khó và Nghị quyết “tiên phong”

THU HÀ - PHẠM HẰNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 (NQ 09) về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước của Thành uỷ Hà Nội, công tác xây dựng Đảng, phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, thực hiện chủ trương kết nạp chủ doanh nghiệp vào Đảng…

Công tác xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân, ngoài khu vực Nhà nước được xác định là nhiệm vụ quan trọng, nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một nhiệm vụ khó, và Đảng bộ Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất của cả nước đến thời điểm hiện nay đã ban hành và triển khai một nghị quyết riêng về xây dựng Đảng trong khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và đã tạo được những chuyển biến đáng khích lệ.

Bài 1: Nhiệm vụ khó và Nghị quyết “tiên phong” - ảnh 1
Các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế Thủ đô Ảnh: PL

Từ chủ trương đúng, trúng yêu cầu thực tiễn
Bước vào thời kỳ đổi mới, đưa đất nước phát triển và hội nhập với thế giới, Đảng ta đã xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Ngày 3/6/2017, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Chỉ sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 10, thống kê cho thấy, khu vực KTTN đang trở thành động lực quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, đóng góp 40% GDP, 30% ngân sách Nhà nước và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Đặc biệt, lực lượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: 
 
Việc càng khó, càng phải quyết tâm làm
 
Phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể nhân dân trong khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là việc khó, nhưng việc gì khó, việc gì Nhà nước khuyến khích càng phải quyết tâm làm. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Gần đây nhất, trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, một trong 8 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, Bộ Chính trị khẳng định và yêu cầu phát triển các thành phần kinh tế, trong đó có cơ chế phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô.
 
Bộ Chính trị yêu cầu TP Hà Nội quyết liệt cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi và tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.
 

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, do không có tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân nên đã có không ít tình huống phức tạp về tư tưởng, về trật tự an toàn lao động trong khu vực doanh nghiệp chậm được phát hiện và xử lý kịp thời. Trong một số doanh nghiệp, công nhân không được xác định rõ tư tưởng chính trị đã nghe lời xúi giục của các lực lượng thù địch hình thành nên những cuộc bãi công, đình công, gây rối… ảnh hưởng đến trật tự xã hội lẫn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Trước yêu cầu thực tiễn đó, nhiều văn bản về công tác xây dựng Đảng trong loại hình doanh nghiệp này đã được ban hành. Cụ thể như ban hành: Chỉ thị số 07-CT/TƯ, ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị, về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”; Quy định số 15-QĐ/TƯ, ngày 28/8/2006, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, “Về đảng viên làm kinh tế tư nhân”; Nghị quyết số 22-NQ/TƯ, ngày 2/2/2008, của Hội nghị Trung ương 6 khóa X, “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; Kết luận số 80-KL/TƯ, ngày 29/7/2010, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TƯ, của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới”; Chỉ thị số 33-CT/TƯ, ngày 18/3/2019, của Ban Bí thư, “Về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”. 

Và mới đây nhất, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Coi trọng công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, chất lượng. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong công nhân trực tiếp sản xuất, trí thức và doanh nhân”.

Thực hiện Kết luận số 80-KL/TƯ của Ban Bí thư (khoá X), nhiều địa phương trên cả nước đã vào cuộc triển khai và cho thấy các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đã thể hiện được vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo tuyên truyền, vận động đảng viên và người lao động trong doanh nghiệp chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc xây dựng các tổ chức Đảng, phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, nhất là các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, luôn là “nhiệm vụ khó” bởi có nhiều rào cản, bất cập. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể phải hàng chục năm kiên trì theo đuổi, vận động, thuyết phục mới đồng ý thành lập Chi bộ Đảng trong doanh nghiệp. 

Đến ra đời Nghị quyết “tiên phong” 
Để giải quyết “nhiệm vụ khó”, thực hiện Kết luận số 80-KL/TƯ của Ban Bí thư (khoá X), Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 về vấn đề tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. 
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Thanh Minh, NQ 09 được ban hành vào thời điểm kinh tế Hà Nội và cả nước, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp rất khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, Thành ủy Hà Nội đã dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết nên đã thu được những kết quả tích cực. 

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tính đến tháng 9/2022, Hà Nội có khoảng 343.885 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn). Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) ngày càng góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Số việc làm tạo ra của DNTN chiếm 67% trên tổng số việc làm; DNTN đóng góp khoảng 30% GRDP của Thủ đô; tỷ trọng vốn bình quân của các doanh nghiệp giai đoạn 2018-2022 khoảng trên 14 tỷ đồng/DN.
 
Trong nhiều năm qua, Thành ủy Hà Nội đã tích cực chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng chương trình và kế hoạch cụ thể để thực hiện, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển kinh tế tư nhân. Xác định muốn phát triển kinh tế tư nhân thì tổ chức Đảng phải đóng vai trò tích cực vào việc định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

“Ngay sau khi NQ 09 được ban hành, ban chỉ đạo xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài nhà nước của Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện  NQ 09, đồng thời tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ chủ chốt của Thành phố, qua đó tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong toàn hệ thống khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước trong Thành phố.

Cùng với việc quán triệt nghị quyết, Ban Chỉ đạo Thành phố, các ban, ngành liên quan đã ban hành văn bản, chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện. Nhiều hình thức tuyên truyền đã phát huy hiệu quả trên nguyên tắc sâu sát, kiên trì, bền bỉ thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp với các chủ doanh nghiệp, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tài liệu, thông tin chuyên đề về thực hiện NQ 09 được dịch ra 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nhật, Hàn… để tuyên truyền tới chủ doanh nghiệp là người nước ngoài.

Đây là cách làm sáng tạo, góp phần giúp chủ doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng đầy đủ về mục đích và sự cần thiết của việc có các tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân trong khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, từ đó giúp doanh nghiệp Thủ đô thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp”- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Thanh Minh cho biết.

Báo cáo tổng kết 2 năm đầu tiên thực hiện NQ 09 của Hà Nội cho thấy, trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, tính đến tháng 10/2011, Thành phố có 633 tổ chức đảng, với tổng số gần 18.600 đảng viên. Số tổ chức đảng và đảng viên này chủ yếu từ các doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa. Toàn Thành phố có 2.300 công đoàn cơ sở với tổng số trên 203.500 đoàn viên; 653 cơ sở đoàn - hội với gần 9.300 đoàn viên và gần 12.000 hội viên… 

Sau khi NQ 09 ra đời và triển khai thực hiện đến nay, Hà Nội đã thành lập mới được 353 tổ chức đảng, 667 tổ chức công đoàn, gần 200 tổ chức đoàn, hội thanh niên, trên 100 tổ chức Hội Phụ nữ; kết nạp mới được 1.964 đảng viên, trên 74.000 đoàn viên công đoàn, trên 2.000 hội viên phụ nữ và trên 8.000 đoàn viên, hội viên thanh niên.

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020” do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 9/3/2017, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, khi đó là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã đánh giá cao việc ban hành NQ 09 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội bởi tính tiên phong. Trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ có duy nhất Thành ủy Hà Nội ban hành nghị quyết riêng về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Dù đây là vấn đề khó và rất mới, nhưng Thành ủy Hà Nội đã mạnh dạn tích cực đi đầu trong việc triển khai thực hiện. Qua 5 năm thực hiện, cách làm riêng của Thành ủy Hà Nội cho thấy rất bài bản, chuyên nghiệp và nghiêm túc, rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn Thành phố đã thấy được lợi ích của tổ chức Đảng, đoàn thể trong quá trình hoạt động và phát triển doanh nghiêp. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định: “Nghị quyết số 09-NQ/TU là một "đặc sản" riêng của Hà Nội”, và Thành uỷ tiếp tục triển khai Nghị quyết này trong giai đoạn mới 2020-2025. 

Đến thời điểm này, qua 10 năm thực hiện NQ 09, Hà Nội đã phát triển gần 1.200 tổ chức Đảng và gần 4.000 đoàn thể trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước. Đây là sự nỗ lực rất lớn từ Thành phố đến các quận, huyện, xã, phường, trong đó có sự hưởng ứng, nhận thức tích cực của các chủ doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể. Đây chính là kết quả nổi bật của một quyết tâm chính trị từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Thành phố đến sự đồng lòng của các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn.

Bài 2: Vị thế doanh nghiệp nâng lên từ khi có Chi bộ Đảng

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.
Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ  ​

Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ ​

(PNTĐ) - 13 giờ ngày 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Bạn cũ trào nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bạn cũ trào nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Trong hai ngày diễn ra lễ Quốc tang, dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xếp hàng kín các con đường hướng về Nhà văn hoá thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội và Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Nhân Tông. Trong dòng người đó, có những người bạn học cũ từ thời niên thiếu, bạn đại học của Tổng Bí thư. Họ đều tuổi đã cao, mắt mờ, chân run, tóc bạc hoa râm, vẫn lặng lẽ tiễn đưa người bạn lớn…
Phụ nữ Thủ đô nguyện tích cực xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh như đồng chí Tổng Bí thư từng căn dặn

Phụ nữ Thủ đô nguyện tích cực xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh như đồng chí Tổng Bí thư từng căn dặn

(PNTĐ) - Sáng ngày 26/7, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Đoàn đại biểu phụ nữ Thủ đô do đồng chí Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội làm Trưởng đoàn đã thành kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn cùng gia quyến.