Bài 1: Nhức nhối vấn nạn tin giả

Chia sẻ

Nhiều đối tượng tung tin giả trên MXH nhằm xúc phạm danh dự cán bộ đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 hay xuyên tạc chống đối Đảng, Nhà nước đã và đang bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vấn nạn tung tin giả cũng ngày càng nhức nhối.

Đối tượng tung tin giả ở xã Tân Ước, huyện Thanh OaiĐối tượng tung tin xúc phạm cán bộ y tế Trạm y tế xã Tân Ước, huyện Thanh Oai

Tin giả và cái giá phải trả

Nhiều đối tượng đã sử dụng MXH mà phổ biến trên facebook để tung tin giả hòng xuyên tạc, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ đều nhanh chóng bị phát hiện và xử lý nghiêm. Điển hình như một nam thanh niên (V.Đ.T, 31 tuổi) ở thôn Tri Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai bị cơ quan chức năng xử phạt 20 triệu đồng về hành vi đăng tin xúc phạm cán bộ y tế Trạm y tế xã tiêm vắc xin Covid-19 lên facebook. Sự việc diễn ra ngày 9/9, sau khi tiêm vắc xin ở trạm y tế xã, V.Đ.T đã đăng thông tin trên facebook “Toan Vuong” và bình luận xúc phạm cán bộ y tế về việc tiêm vắc xin Trung Quốc. Ngày 10/9, khi được Công an xã Tân Ước mời đến làm việc, V.Đ.T thừa nhận sai phạm là đã xuyên tạc sự thật.

Chị N.H.T (28 tuổi) là chủ cửa hàng ở quận Đống Đa đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì ngày 12/8, N.H.T đăng trên facebook nội dung: “Tin vui! Hà Nội sẽ mở cửa lại quán ăn, tiệm cắt tóc… trong tuần tới”. Ngày 25/7, N.T.K.T (33 tuổi ở quận Tây Hồ) đăng tin “Ngày mai, Hà Nội có 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải đầy đủ giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh đi ra đường có lý do cần thiết”. Tin này lan truyền nhanh chóng trên MXH gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo chị Lê Thu Hà ở TDP số 8, phường Quang Trung, quận Hà Đông cho biết: Đêm đó khi đọc được thông tin 3.000 chốt kiểm soát, gia đình tôi tưởng thật đã rất lo lắng bất an. Hôm sau biết được là tin giả, chúng tôi yên tâm hơn”. Đối tượng N.T.K.T tung tin 3.000 chốt đã phải “trả giá” là bị cơ quan chức năng xử phạt 12,5 triệu đồng.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, 3 người ở Hà Nội vừa bị Thanh tra Sở ra quyết định xử phạt mỗi người 7,5 triệu đồng. Trong đó, có 2 phụ nữ đăng tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm lực lượng công an đang làm nhiệm vụ. Đó là L.T.P (35 tuổi) ở Thanh Xuân, ngày 28/7 đăng lên facebook “Thu Phong” nội dung: “Hôm nay, ck đi ra khỏi nhà mua rau, kéo khẩu trang xuống nghe Đt và ngứa mũi cần gãi, trên đường ko có ai, ca phường Định Công phạt 1 triệu. Thực chất công an không nên ép dân quá như vậy. Những trường hợp như vậy là lợi dụng Covid đục khoét của dân". Ngày 16/8, trên facebook "Phuong Hai Nguyen Thi" hình ảnh đồng chí Đ.M.H - Công an phường Khương Đình, Thanh Xuân kèm dòng chữ: "Thằng này còn ớn và tởm hơn con Covid” và bình luận "Loại chó má lên làm người còn đi giữ chốt mới ghê”. Trường hợp vi phạm thứ 3 là N.Đ.T (sinh năm 1998, ở Trung Liệt, Đống Đa). Ngày 16/9, N.Đ.T đăng trên facebook "Nguyễn Hà Khoa" rằng: ‘‘Chúc mừng Hà Nội nhé!!! Thông tin chính xác 100% ” kèm hình ảnh "Hà Nội: Bar, Karaoke, Vũ trường được hoạt động trở lại từ 0h ngày 16/9"…

Đó chỉ là một vài dẫn chứng về việc các đối tượng đăng tin giả đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Chia sẻ về vấn đề này, Thượng tá Lê Văn Thắng, Phó trưởng Công an huyện Thanh Oai cho rằng: “Trong khi lực lượng chức năng đang nỗ lực, căng mình làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 thì đối tượng V.Đ.T cũng như một số đối tượng trên lại có hành vi đăng tải các nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách nhà nước, xúc phạm uy tín của cá nhân, tập thể cơ quan, ban ngành. Những thông tin sai sự thật, xuyên tạc về công tác tiêm phòng vắc xin, phòng chống dịch nếu không được ngăn chặn, xử lý kịp thời sẽ gây tâm lý hoang mang trong nhân dân và tác động tiêu cực, gây ra những hậu quả xấu.

Tin giả chống phá rất nguy hiểm

Đối tượng tung tin xúc phạm cán bộ y tế Trạm y tế xã Tân Ước viết lời khai tại cơ quan công anĐối tượng tung tin xúc phạm cán bộ y tế Trạm y tế xã Tân Ước viết lời khai tại cơ quan công an

Lợi dụng sự phức tạp của tình hình dịch Covid-19, có những đối tượng còn tung tin giả với động cơ chống phá Đảng, Nhà nước lên MXH bằng việc thông tin sai lệch, bóp méo, xuyên tạc, làm rối loạn hòng gây mất niềm tin vào chính quyền, vào Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống dịch.

Trên MXH đã từng lan truyền dòng trạng thái của một facebooker xuyên tạc phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và đưa ra những thông tin như: “dịch bùng ra một cái, chắc chắn Việt Nam sẽ bứt lên Top 1 ngay”; “Hà Nội 11 triệu dân chỉ có khoảng 300 cái (máy thở)”; “không có việc Nhà nước lo và ra viện được tặng hoa nữa đâu”... Khi lực lượng cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ bảo đảm nhu cầu cuộc sống cho người dân TP Hồ Chí Minh trong thời gian giãn cách xã hội, một số đối tượng đã tung tin sai sự thật trên MXH như “Quân đội thực hiện thiết quân luật tại TP Hồ Chí Minh” cùng hình ảnh “xe thiết giáp chắn đường”, “quân đội mặc đồ bảo hộ cầm súng”... Vụ điển hình như đối tượng Phan Hữu Điệp Anh, 60 tuổi (ở phường 19, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã tung tin giả “người dân tự thiêu để phản đối chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống Covid-19”. Với hành vi này, Phan Hữu Điệp Anh đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Bình Thạnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai tháng để điều tra theo Điều 331 Bộ luật hình sự. Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan chức năng, Phan Vũ Điệp Anh là đối tượng thường xuyên có hành vi viết bài, tán phát các thông tin có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước lên MXH...

Theo Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, Phó trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, việc sử dụng các thông tin giả nhằm mục đích xấu, gây rối, chống phá, đi ngược quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và lợi ích của nhân dân là một phương thức không mới của các loại tội phạm. Song những tin giả như vậy nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ trở lên nguy hiểm trong bối cảnh chống dịch Covid-19.

Từ năm 2020 đến nay, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao  phối hợp với Công an các địa phương triệu tập, đấu tranh hơn 1.800 đối tượng, trong đó, khởi tố xử lý hình sự 21 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 466 đối tượng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Riêng trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này, Cục đã phối hợp xử lý hành chính 82 đối tượng, xử lý hình sự 1 đối tượng ở TP Hồ Chí Minh và tiếp tục theo dõi, nhận diện, xử lý các đối tượng khác theo quy định pháp luật. Nhiều địa phương trên cả nước đang tăng cường đấu tranh, phát hiện và xử lý các đối tượng có hành vi phát tán tin giả, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương Thái Bình, Quảng Ninh...

Với những biểu hiện khác nhau, song điểm chung nhất của tin giả là tính chất thông tin đưa ra không đúng với toàn bộ hoặc một phần sự thật. Với đặc tính lan truyền thông tin nhanh, mạnh mẽ trên MXH, tin giả liên quan đến dịch Covid-19 là hết sức nguy hiểm. Trong khi cả nước hiện có khoảng 72 triệu người sử dụng MXH, tương đương 73% dân số. Vì vậy, sự xuất hiện, lan truyền của tin giả tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống xã hội.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, sự hoảng sợ thái quá dễ gây phản ứng tiêu cực có tính dây chuyền, dẫn đến nguy cơ gây khó kiểm soát và hậu quả khó lường. Đặc biệt, tin giả dễ làm người dân hiểu sai chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch của cấp ủy, chính quyền các cấp, làm giảm sự đồng thuận trong xã hội, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên phạm vi rộng; cản trở việc khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp, tinh thần đoàn kết toàn dân trong "cuộc chiến" chống dịch Covid-19.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục