Báo chí cách mạng Việt Nam phát triển cùng đất nước

Hoàng Nhất
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên và sau này được Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52-QĐ/TƯ ngày 05/02/1985 lấy ngày này làm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Gần 100 năm qua, chặng đường mà báo chí cách mạng Việt Nam đi qua đều gắn liền với những mốc son sáng chói của lịch sử dân tộc.

Báo chí cách mạng Việt Nam phát triển cùng đất nước - ảnh 1
Bác Hồ tặng hoa nữ nhà báo Madeleine Riffaud, phóng viên Báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh tư liệu

Mang sứ mệnh đấu tranh sắc bén trên mặt trận chính trị, tư tưởng

Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX, bấy giờ tư tưởng lý luận cách mạng vô sản được truyền bá vào Việt Nam qua báo Le Paria của Hội Liên hiệp thuộc địa, L' Humanité của Đảng Cộng sản Pháp, Inprekorr của Quốc tế Cộng sản. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc, phái viên của Quốc tế Cộng sản và là Uỷ viên Bộ Phương Đông của Quốc tế được cử đến Hoa Nam để trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Cùng với việc mở lớp, kết nạp đoàn viên mới, Người chủ trương xuất bản báo Thanh niên, ra số 1, ngày 21/6/1925. 

Sau báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc lập ra Báo Kông Nông để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước cho công nhân và nông dân theo quan điểm của chủ nghĩa xã hội khoa học (1926); Báo Lính Kách mệnh (1927) để vận động, giác ngộ binh lính người Việt trong quân đội Pháp không chịu làm công cụ cho kẻ thù đàn áp đồng bào, liên minh với công nông làm cách mạng. 

Ngày 1/10/1929, Báo Búa liềm, cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương ra số l, do Trịnh Đình Cửu, Uỷ viên Trung ương lâm thời phụ trách. Báo in bằng giấy sáp, chữ viết tay, mỗi số 50 bản. Cùng với báo của Trung ương, một hệ thống báo chí của Đảng Cộng sản Đông Dương, từ các tỉnh đảng bộ, công hội, học sinh hội, đến một số chi bộ ra đời trên cả nước.

Hệ thống báo chí cách mạng tiếp tục phát triển gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với những tờ báo ra đời sau này. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo vào tháng 8/1945 diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Lúc này, Báo Cứu quốc chưa kịp chuyển về Hà Nội nên phải nhờ tờ Tin mới (là tờ báo hàng ngày, công khai của Mặt trận do ông Nguyễn Văn Luyện quản lý) đưa tin và đăng các văn bản của chính quyền mới. Việc ra Báo Cứu quốc công khai được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Sau khi nhận được chỉ thị, đồng chí Xuân Thủy đã cùng một số anh em trước đã cùng làm Báo Cứu quốc bí mật gấp rút chuẩn bị. Để tiện cho công việc, họ quyết định đặt tòa soạn báo tại số nhà 114 phố Hàng Trống, trụ sở chính của Mặt trận Việt Minh. Đây là cơ quan cũ của tờ Action dưới thời Pháp thuộc, nay là phố Lê Thái Tổ, tòa soạn Báo HàNộimới ngày nay. 

Ngày 24/8/1945, Báo Cứu quốc ra số 31 (số công khai đầu tiên) in bằng giấy tốt, 2 trang. Trang 1 của số báo này hình lá cờ đỏ sao vàng chiếm gần hết khổ báo do nhà thơ Thâm Tâm thể hiện. Báo in trên dưới 2 vạn bản mà vẫn không đủ để bán. Báo Cứu quốc lúc này do đồng chí Xuân Thủy (tên thật là Lê Trọng Nhân, Trưởng ban Tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh) làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. 

Đặc biệt, Báo Cứu quốc còn được Hồ Chủ tịch và Tổng bộ Việt Minh tin tưởng giao nhiệm vụ đứng ra lo liệu tổ chức lớp dạy về báo chí có tên Huỳnh Thúc Kháng diễn ra từ tháng 4-7/1949 tại chiến khu Việt Bắc. Từ lò đào tạo này, nhiều phóng viên đã trưởng thành để lại tên tuổi của mình trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Hệ thống báo chí của các Liệp hiệp hội, tổ chức chính trị-xã hội cũng lần lượt ra đời. Tháng 1/1977, Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam hợp nhất với Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, theo đó báo Văn nghệ giải phóng hợp nhất với báo Văn nghệ trở thành tuần báo Văn nghệ chung trên cả nước. Tờ Phụ nữ giải phóng trong Nam kết hợp với tờ Phụ nữ Việt Nam ngoài Bắc lấy tên là tờ Phụ nữ Việt Nam. Báo Lao động giúp cho Liên hiệp Công đoàn Việt Nam xây dựng tờ báo của riêng mình.

Từ khi ra đời đến nay, những chặng đường mà báo chí cách mạng đi qua luôn gắn với mốc son sáng chói của lịch sử cách mạng dân tộc như: Vận động, chuẩn bị cơ sở lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930; cổ vũ nhân dân làm nên cao trào cách mạng 1930-1931, phong trào vận động dân chủ 1936-1939; tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945. Là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận chính trị - tư tưởng, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đi vào các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thu giang sơn về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau đó, tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phụng sự tổ quốc

Kể từ khi ra đời, Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta luôn theo sát bước tiến của báo chí cách mạng. Những lời căn dặn của Bác đối với báo chí luôn là cẩm nang đối với mỗi tờ báo, mỗi nhà báo. Người khẳng định “nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Và “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ'', ''ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà'', ''cho nên phải có tính chất quần chúng''. “Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo''; “không riêng gì viết sách viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân''. 

Gần 100 năm hình thành và phát triển, số lượng, hình thức báo chí Việt Nam đã có thay đổi vượt bậc. Từ chỗ số lượng tờ báo ít ỏi với hình thức in thô sơ, nghèo nàn, nay số lượng báo chí đã tăng lên rất nhiều với đủ mọi loại hình: Báo viết, báo hình, báo điện tử, phát thanh, đa phương tiện với hình thức phong phú, sinh động, khả năng cập nhật cao. Đội ngũ nhà báo ngày càng đông đảo, yêu nước, đam mê nghề nghiệp, dũng cảm và tài năng.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, sau giai đoạn 1 của quy hoạch báo chí, Việt Nam còn 808 cơ quan báo chí, bao gồm 138 báo và 670 tạp chí. Trong đó, hiện có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực gồm: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Trong 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực này có 15 cơ quan báo chí gồm 11 báo, 3 tạp chí và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC được giữ nguyên. Cùng với đó là 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí. Về nhân sự, hiện tổng nhân sự lĩnh vực báo chí là 42.400 người, trong đó báo in và điện tử 24.000 người. 

Nội dung của báo chí ngày càng sát cuộc sống hơn; tính nhân dân, tính chiến đấu được tăng cường, chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng nghề nghiệp được nâng lên một bước đáng kể. Báo chí giữ vai trò chủ động trong thông tin, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phấn đấu tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phát triển đất nước. 

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Với tinh thần và sứ mệnh cống hiến cao cả, với truyền thống vẻ vang của những người làm báo cách mạng qua gần một thế kỷ, đội ngũ người làm báo cách mạng nước ta, tập hợp dưới mái nhà chung là Hội Nhà báo Việt Nam, đã nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Trong khó khăn, thử thách mới, đội ngũ những người làm báo cả nước càng thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

4 tháng đầu năm, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao

4 tháng đầu năm, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao

(PNTĐ) - Trong 4 tháng đầu năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 17,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,3%; dệt tăng 15,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,8%; sản xuất kim loại tăng 8,5%; sản xuất máy móc, thiết bị khác tăng 34,1%.