Biến những khát vọng trên nghị quyết thành “sức sống” mới cho nền kinh tế
(PNTĐ) - Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã thổi bùng khát vọng phát triển khu vực tư nhân thành động lực chủ đạo của nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ cần hiểu rằng ký nhanh một giấy phép cho doanh nghiệp chính là góp phần tạo thêm việc làm; mỗi doanh nhân hiểu rằng đầu tư đổi mới công nghệ chính là đáp lại niềm tin mà xã hội dành cho mình. Khi toàn xã hội đồng lòng, chủ động vào cuộc, chúng ta sẽ biến những khát vọng trên nghị quyết thành “sức sống” mới cho nền kinh tế, đem lại phồn vinh thực sự cho đất nước và ấm no cho mỗi gia đình”.
Biến những khát vọng trên nghị quyết thành “sức sống” mới
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị diễn ra ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045 để kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Trình bày Chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nổi bật.
Trong đó nhấn mạnh: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Thực tiễn đổi mới ở nước ta và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đây là lực lượng tiên phong thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế.
Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Đây là yêu cầu tất yếu khách quan, trong đó kinh tế tư nhân là phương thức quan trọng nhất để giải phóng sức sản xuất, kích hoạt, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là trong Nhân dân.
Đồng thời, xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân; coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự bảo đảm kinh tế tư nhân bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.
Cùng với việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân tham gia các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia, vươn tầm khu vực, thế giới.
Đặc biệt là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, mục tiêu của Nghị quyết 68-NQ/TW là đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu NSNN; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu châu Á.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045 để kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Các địa phương trong cả nước đã nhanh chóng vào cuộc. Thành phố Hà Nội đã đặt mục tiêu đến 2025 có 500.000 doanh nghiệp, triển khai loạt giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp, cải cách thủ tục. Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu trên 500.000 doanh nghiệp, cắt giảm 30 - 40% thời gian xử lý hồ sơ và phát huy mô hình Tổ công tác 343 tháo gỡ khó khăn, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp hỗ trợ vốn ưu đãi.
Trong niềm phấn khởi vì được Đảng và Nhà nước giao trọng trách, tin tưởng và cam kết kiến tạo phát triển, những doanh nghiệp đầu tàu đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất, khởi động dự án lớn để vươn ra quốc tế, chung tay hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Nối tiếp tinh thần ấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cũng hành động cụ thể như: Đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và mở rộng thị trường. Tinh thần khởi nghiệp, tinh thần dấn thân vì phát triển quốc gia lan tỏa mạnh mẽ trong từng phân khúc doanh nghiệp, từ đô thị đến nông thôn, từ vùng thuận lợi đến vùng sâu, vùng xa.
Hệ thống luật pháp được xây dựng đồng bộ, minh bạch, doanh nghiệp nhỏ có nhiều cơ hội được bảo vệ
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Gia Lâm Mai Đức Chung cho rằng: Nghị quyết 66-NQ/TW- Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật sẽ tạo môi trường pháp lý minh bạch, dễ tiếp cận hơn, giúp doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thực thi, giảm rủi ro do thiếu hiểu biết luật. Việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ hướng đến việc giảm chồng chéo, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý – điều này cực kỳ quan trọng đối với SMEs vốn thiếu nguồn lực pháp lý chuyên sâu.
Đồng thời, tăng tính bảo vệ doanh nghiệp. Khi hệ thống luật pháp được xây dựng đồng bộ, minh bạch, doanh nghiệp nhỏ có nhiều cơ hội được bảo vệ trước những bất cập hoặc sự cạnh tranh không lành mạnh từ các bên lớn hơn.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ thường chậm tiếp cận thông tin pháp luật mới, do đó cần sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương. Việc thay đổi quy định có thể khiến SMEs phải điều chỉnh quy trình nội bộ, đào tạo lại nhân viên hoặc thay đổi hệ thống kế toán/pháp lý.
Còn đối với Nghị quyết 68-NQ/TW – Phát triển kinh tế tư nhân, ông Mai Đức Chung cho rằng, Nghị quyết đi vào cuộc sống sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Nghị quyết khẳng định vai trò “động lực quan trọng” của kinh tế tư nhân, giúp SMEs yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. “Chúng tôi kỳ vọng về hỗ trợ cụ thể hơn: Nhà nước sẽ có thêm chính sách tín dụng, đào tạo, chuyển đổi số, công nghệ… dành cho khu vực tư nhân – điều mà SMEs luôn thiếu hụt”- ông Chung nhấn mạnh.
Theo ông Chung, đây là cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu thực hiện đúng định hướng, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ liên kết với doanh nghiệp lớn, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, ông Chung cho rằng, cũng có những rủi ro bị “ra rìa” nếu chính sách tập trung vào doanh nghiệp lớn. Nếu không có cơ chế hỗ trợ phân tầng theo quy mô doanh nghiệp, các chính sách ưu đãi có thể bị thâu tóm bởi nhóm doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp FDI.
Đồng thời hạn chế về năng lực nội tại. Bởi, phần lớn SMEs vẫn thiếu năng lực tài chính, quản trị và công nghệ – cần thời gian và hỗ trợ cụ thể để bắt kịp tốc độ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo mà nghị quyết đề ra.
“Tôi hy vọng nếu các nghị quyết này được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, chính sách vi mô hướng đến doanh nghiệp nhỏ – ví dụ: quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, chuyển đổi số cho SMEs, đào tạo quản trị chuyên sâu, thúc đẩy liên kết cụm ngành” - ông Mai Đức Chung nhấn mạnh và kiến nghị: Cần nâng cao vai trò “cầu nối” của Hội Doanh nghiệp để: Truyền tải nhanh thông tin chính sách; góp ý xây dựng văn bản pháp luật phù hợp thực tiễn doanh nghiệp nhỏ; kết nối SMEs với các chương trình hỗ trợ công – tư, đối tác lớn hoặc thị trường mới.
Chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với khí thế và quyết tâm mới, chúng ta có quyền tin vào thành công. “Cả nước cùng hành động” không chỉ là khẩu hiệu, mà phải trở thành phương châm làm việc ở mọi cấp, mọi ngành.