Bình đẳng giới để phát triển bền vững

Nguyễn Khánh An
Chia sẻ

(PNTĐ) -Phát triển bền vững là mục tiêu lâu dài của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó, bình đẳng giới là một trong những mục tiêu nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ và phát triển bền vững.

Bình đẳng giới để phát triển bền vững - ảnh 1
 Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu năm 2022 tổ chức tại Thái Lan       Ảnh: TTXVN

Chuyển đổi thế giới của chúng ta, vì sự phát triển bền vững
Năm 2015, thế giới đã đề ra một chương trình hành động đầy tham vọng nhằm chấm dứt đói nghèo, đấu tranh với bất bình đẳng và thúc đẩy sự thịnh vượng, đồng thời bảo vệ môi trường vào năm 2030. Theo đó, 17 Mục tiêu phát triển bền vững đã được các nhà lãnh đạo thế giới chính thức thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, được tổ chức tại New York từ 25-27/9/2015. Chương trình nghị sự mang tên “Chuyển đổi thế giới chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” được xây dựng dựa trên Tuyên bố và các Mục tiêu thiên niên kỷ. Một chặng đường 15 năm với mục tiêu giảm nghèo đói, bệnh tật, bất bình đẳng giới…

Các Mục tiêu phát triển bền vững được đưa ra nhằm giải quyết những gì mà các Mục tiêu thiên niên kỷ trước chưa hoàn thành. Xa hơn nữa, các Mục tiêu phát triển bền vững còn giải quyết những nguyên nhân sâu xa của nghèo đói, bất bình đẳng, đảm bảo mọi người đều được hưởng thành quả từ sự phát triển. 

Đồng thời, các Mục tiêu phát triển bền vững cũng đã đặt ra cho chúng ta một chương trình hành động có tầm nhìn vì con người, hành tinh, sự thịnh vượng và hợp tác; thúc đẩy xã hội hòa bình, công bằng. 

Chương trình nghị sự 2030 đề ra 17 mục tiêu. Mỗi mục tiêu đều đặt ra các chỉ tiêu cụ thể về giới, giải quyết các khía cạnh giới của nghèo đói, y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, việc làm, thành phố an toàn, hòa bình và an ninh. Sự tập trung mạnh mẽ vào vấn đề giới là sự thừa nhận rằng bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái chính là chìa khóa để thực hiện mỗi mục tiêu nói riêng và toàn bộ các mục tiêu nói chung. 

Tiếng nói và sự tham gia của Việt Nam đã được ghi nhận khi quyết định chính sách ở cấp độ quốc gia và quốc tế về bình đẳng giới.
Bà Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại

Phụ nữ đóng vai trò then chốt trong tất cả các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có nhiều chỉ tiêu đã thừa nhận một cách rõ ràng rằng bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp. 

Mục tiêu số 5 “Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái” được biết đến như là một mục tiêu riêng về giới. Mục tiêu này đã đặt ra các chỉ tiêu đạt được vào năm 2030 gồm: Chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử với tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở mọi nơi; xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng cũng như nơi riêng tư, bao gồm cả hành vi buôn người, bóc lột tình dục và tất cả các hình thức bóc lột khác; xóa bỏ các hủ tục như tảo hôn, cưỡng hôn và cắt bỏ bộ phận sinh dục phụ nữ.

Công nhận và đề cao công việc nội trợ và chăm sóc gia đình không thù lao thông qua việc cung cấp các dịch vụ công, cơ sở hạ tầng và các chính sách bảo trợ xã hội, thúc đẩy việc chia sẻ trách nhiệm trong gia đình phù hợp với từng điều kiện quốc gia. 

Đồng thời phải bảo đảm sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và cơ hội bình đẳng được nắm giữ vị trí lãnh đạo của phụ nữ ở tất cả các cấp hoạch định chính sách trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội.

Tiến hành cải cách nhằm trao cho phụ nữ quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực kinh tế, cũng như khả năng tiếp cận quyền sở hữu và kiểm soát đất đai, các tài sản khác, các dịch vụ tài chính, quyền thừa kế và tài nguyên thiên nhiên khác, phù hợp với luật pháp quốc gia. Tăng cường sử dụng các công nghệ tạo thuận lợi cho phụ nữ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông nhằm thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ… 

Thúc đẩy bình đẳng giới để phát triển tại Việt Nam
Việt Nam từ lâu đã trở thành quốc gia tiên phong về quyền bình đẳng của phụ nữ. Việt Nam cũng được biết đến rộng rãi trong hành trình thúc đẩy bình đẳng giới để phát triển, là một quốc gia mà phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng chính thức theo pháp luật.

Tháng 10/1930, tại Hội nghị Trung ương lần thứ Nhất của Đảng Nghị quyết đầu tiên về công tác vận động phụ nữ được ban hành. Trong nghị quyết đầu tiên này, Đảng đã xác định rõ: “... Đảng phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ, phụ nữ hiệp hội mục đích là mưu quyền cho phụ nữ, làm cho phụ nữ triệt để giải phóng”.  Đây là Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng, đánh dấu quá trình hình thành tổ chức Hội đầu tiên của phong trào phụ nữ Việt Nam dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và rèn luyện.

Bình đẳng giới để phát triển bền vững - ảnh 2
 Các đại biểu dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ 2022 chụp ảnh lưu niệm   Ảnh: Int 

Nhìn lại, việc thành lập Hội LHPN Việt Nam cách đây 92 năm là bước đi đầu tiên trong một loạt các bước tiên phong nhằm thúc đẩy và nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt Nam, trong đó bao gồm việc thành lập các tổ chức/nhóm vận động khác nhau, và đưa các quyền nữ giới cùng các biện pháp bảo vệ pháp lý cho phụ nữ vào luật pháp của Việt Nam. Vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái dần được khẳng định rõ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, cũng như thành lập các tổ chức, cơ quan phụ trách, thực hiện về bình đẳng giới.

Năm 1959, Luật Hôn nhân và Gia đình được ban hành, luật này đã bỏ hôn nhân sắp đặt, tháo gỡ bất bình đẳng trong hôn nhân cho phụ nữ. Năm 1995, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam được thành lập. Năm 2003, Luật Đất đai quy định cả vợ và chồng đứng tên trên tài sản, khẳng định quyền bình đẳng về tài sản của vợ chồng trong gia đình.

 Một bước tiến của thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam đó là Luật Bình đẳng giới ra đời năm 2006. Luật này quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Tiếp đó, năm 2016, Luật Bảo hiểm xã hội tăng quyền lợi thai sản và quyền lợi hưu trí của phụ nữ. Năm 2019, Bộ luật Lao động đã có những quy định bảo vệ phụ nữ, giúp chống quấy rối tại nơi làm việc…

Để thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, Việt Nam đã quốc gia hóa Chương trình Nghị sự 2030 của toàn cầu thành Kế hoạch hành động quốc gia với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 chỉ tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước. 

Dù thế giới đang phải đối mặt với những bất ổn chưa từng có, nhưng nếu chúng ta cùng thay đổi nhận thức và hành động thì những khó khăn, thách thức này hoàn toàn có thể được chuyển hóa thành cơ hội trong điều kiện thế giới hậu đại dịch đang chuyển mình nhanh chóng để phục hồi và vươn lên. 
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân

Bên cạnh việc nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, Việt Nam luôn khẳng định việc tích cực thực hiện các cam kết về thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ. Mới đây nhất, tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban phối hợp nữ nghị sĩ Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) tổ chức tháng 8/2022, Việt Nam một lần nữa khẳng định điều này. Cụ thể, bà Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã nhấn mạnh khi tham gia thảo luận tại diễn đàn AIPA rằng: Tiếng nói và sự tham gia của Việt Nam đã được ghi nhận khi quyết định chính sách ở cấp độ quốc gia và quốc tế về bình đẳng giới tại các hoạt động của năm Chủ tịch ASEAN-AIPA, diễn đàn Liên minh nghị viện thế giới (IPU), diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội nghị Nữ Chủ tịch Quốc hội, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF)…   

Theo bà Lê Thu Hà, trong các hoạt động này, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp về tăng các cơ hội kinh tế cho phụ nữ với vai trò lao động trong gia đình, đạt được bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, phòng chống tất cả các hình thức phân biệt đối xử và bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em trong ASEAN…

Phụ nữ: Tạo cơ hội trong thực trạng mới
Ngày nay, thế giới đang sống trong bối cảnh phải đối mặt với những bất ổn chưa từng có. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi tác động kép từ đại dịch Covid-19 mà còn chịu ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng chính trị, xung đột chiến tranh của các nước trên thế giới, tác động của biến đổi khí hậu…

Trong đó, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nặng nề nhất. Đây cũng là một nguyên nhân làm tăng tình trạng bất bình đẳng đối với phụ nữ ở ngoài xã hội lẫn trong gia đình như: Mất việc làm, giảm thu nhập, bị bạo lực, bị ảnh hưởng sức khỏe… Điều này bắt buộc mọi quốc gia phải có những chương trình, hành động để phụ nữ có được những cơ hội phát triển, hòa nhập trong tình hình mới. 

Đây cũng chính là nguyên nhân để Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu năm 2022 (tổ chức tại Thái Lan) chọn chủ đề “Phụ nữ: Tạo cơ hội trong thực trạng mới”. Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu được thành lập, hoạt động từ năm 1990, đây là một diễn đàn quốc tế lớn về bình đẳng giới được tổ chức mỗi năm một lần tại các nước trên thế giới. Tham dự hội nghị là các chính khách và doanh nhân từ khắp mọi nơi trên thế giới quy tụ để bàn luận, trao đổi, thúc đẩy các sáng kiến nhằm khuyến khích sự đóng góp cũng như tăng cường thêm vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế để họ làm chủ cuộc sống và đóng góp vào sự nghiệp phát triển của quốc gia và nhân loại. Hàng năm, Việt Nam đều tham gia hội nghị này và có những sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. 

Tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu năm 2022, là một trong ba diễn giả chính tại lễ khai mạc, đại diện cho Việt Nam,  Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân một lần nữa khẳng định thúc đẩy bình đẳng giới theo từng giai đoạn phát triển là chính sách nhất quán, xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam. 

Phó Chủ tịch nước nhận định dù thế giới đang phải đối mặt với những bất ổn chưa từng có nhưng nếu chúng ta cùng thay đổi nhận thức và hành động thì những khó khăn, thách thức này hoàn toàn có thể được chuyển hóa thành cơ hội trong điều kiện thế giới hậu đại dịch đang chuyển mình nhanh chóng để phục hồi và vươn lên. Những xu hướng tích cực về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, chuyển đổi số, tăng cường quan hệ đối tác công tư, bảo đảm an sinh xã hội, cải cách giáo dục… đã và đang tạo ra những cơ hội mới cho phụ nữ. 

Trên cơ sở đó, đại diện của Việt Nam đã kiến nghị bốn nhóm giải pháp để phát huy tiềm năng, vai trò của phụ nữ trong thực trạng mới. 

Nhóm giải pháp thứ nhất, tăng cường hơn nữa tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan lập pháp và hành pháp, cũng như trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách phát triển. Xác định phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là chủ thể nhưng cũng đồng thời là đối tượng thụ hưởng của quá trình tạo dựng “thực trạng mới”, xây dựng nền kinh tế toàn diện, một xã hội công bằng và phát triển bền vững.

Nhóm giải pháp thứ hai, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh mới. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, tiếp cận vốn, tri thức số; trả lương công bằng và đảm bảo việc làm ổn định, phù hợp cho lao động nữ. Phát huy vai trò của các tổ chức, mạng lưới nhằm tập hợp, kết nối phụ nữ ở mọi cấp độ, để phụ nữ có thể chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. 

Nhóm giải pháp thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến lồng ghép giới và trao quyền cho phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai và bảo đảm sinh kế bền vững. Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam hiểu rõ sự cấp thiết và đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Nhóm giải pháp thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của phụ nữ; tận dụng tốt các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, tiếp cận với tri thức tiên tiến và ứng dụng số để phụ nữ có thể thích ứng với những xu thế lớn của thời đại. Ngay từ bây giờ, phải có chiến lược giáo dục đào tạo đối với trẻ em gái để các em trở thành nguồn nhân lực ưu tú cho tương lai.

Thúc đẩy bình đẳng giới, phụ nữ không chỉ đấu tranh về mặt cơ chế chính sách mà họ còn là chủ thể cùng hành động để cùng phát triển, lớn mạnh trong bối cảnh mới. Khẳng định điều này, Hội nghị Thượng định Doanh nhân nữ năm 2022 (tổ chức tháng 11/2022 với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các nữ doanh nhân tiêu biểu của 10 nước ASEAN) đã tiếp tục đưa ra chủ đề “Cùng hành động - Cùng lớn mạnh trong thực tế mới”.

Tại hội nghị này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân một lần nữa nhấn mạnh về các giải pháp mà các bên sẽ cùng chia sẻ tại diễn đàn này để thúc đẩy, tăng quyền năng kinh tế qua đó phát huy vai trò của phụ nữ nói chung và cộng đồng doanh nhân nữ nói riêng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đối diện với nhiều thách thức mới. 

Nhìn lại, Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ. Và chính những nỗ lực bền bỉ trong thúc đẩy bình đẳng giới ấy đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia rút ngắn khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.